Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Y Ngọc – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum; lãnh đạo các sở, ban, ngành; đại diện lãnh đạo các huyện biên giới: Ngọc Hồi, Sa Thầy, Ia H’Drai, Đăk Glei.
Tỉnh Kon Tum có 92 xã, phường, thị trấn thuộc vùng DTTS và miền núi. Tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 36 xã được công nhận xã nông thôn mới. Trên địa bàn 13 xã khu vực biên giới có 4 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm, hạ tầng thông tin và truyền thông tiếp tục được đầu tư.
Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh Kon Tum đã triển khai hiệu quả các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, góp phần tạo điều kiện, cơ hội cho người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững. Bình quân tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 3,84%/năm; bình quân tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm 6,67%/năm.
Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 19/5/2022 “về lãnh đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Kon Tum”. Đến nay, UBND tỉnh đã hoàn thành việc đã giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025, dự toán ngân sách Trung ương năm 2022 cho các sở, ngành và địa phương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo theo tiến độ yêu cầu của Trung ương...
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã nêu một số kiến nghị để tạo điều kiện khai thác các tiềm năng, phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh khu vực biên giới vùng DTTS và miền núi trong giai đoạn tới.
Đoàn giám sát đề nghị làm rõ một số nội dung liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; những chương trình đầu tư đặc thù của tỉnh ở 13 xã biên giới; công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động DTTS, miền núi; nguồn lực đầu tư, hiệu quả của việc hỗ trợ 2 dân tộc rất ít người; tình hình an ninh trật tự ở các huyện biên giới... Đại diện các sở, ngành và các huyện đã trả lời, giải trình, làm rõ các nội dung mà đoàn giám sát quan tâm.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Y Ngọc thông tin, làm rõ thêm một số nội dung các đại biểu đề cập. Đồng thời, tiếp thu các ý kiến để hoàn chỉnh báo cáo trong thời gian đến.
Đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: HT
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Cao Thị Xuân – Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện chính sách phát triển kinh tế- xã hội, giảm nghèo gắn với đảm bảo quốc phòng – an ninh khu vực biên giới vùng DTTS và miền núi.
Đồng chí đề nghị tỉnh Kon Tum tiếp tục quan tâm đánh giá, rà soát, làm rõ số liệu về công tác đào tạo nghề, lao động đi làm việc ở nước ngoài; tình hình an ninh trật tự trên địa bàn nói chung, đặc biệt ở khu vực biên giới nói riêng; kết quả triển khai các chương trình, chính sách dân tộc...
Thay mặt đoàn, đồng chí Cao Thị Xuân tiếp thu đầy đủ các kiến nghị, đề xuất của tỉnh. Đồng thời, mong muốn trong thời gian đến tỉnh tiếp tục triển khai nghiêm túc, đầy đủ và kịp thời tất cả các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh, không để người dân thiệt thòi.