DỰ THẢO LUẬT GIÁ (SỬA ĐỔI): RÀ SOÁT, BỔ SUNG QUY ĐỊNH VỀ THẨM ĐỊNH GIÁ BẢO ĐẢM PHÙ HỢP, KHẢ THI

19/09/2022

Theo Chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9, chiều 18/9 UBTVQH sẽ cho ý kiến về Luật Giá (sửa đổi). Góp ý vào dự luật, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, với mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, dự thảo sửa đổi Luật giá đã từng bước được hoàn thiện, tuy nhiên vẫn còn một số chỗ cần rà soát, điều chỉnh để Luật giá thực sự đi vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Tập trung cao độ, chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung trình tại Kỳ họp thứ 4

Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9, UBTVQH sẽ cho ý kiến về dự án Luật Giá (sửa đổi)

Theo các chuyên gia, quản lý Nhà nước về giá vừa là công cụ, vừa là một trong những đòn bẩy có tính quyết định, đảm bảo sự thành công của các tác động quản lý khác. Quản lý về giá là hoạt động không thể thiếu được nhằm khắc phục khuyết tật của thị trường và góp phần khai thác tốt các nguồn lực quốc gia bằng giá cả; có vai trò lớn trong việc ổn định chính trị - xã hội, ổn định đời sống nhân dân, tăng cường công bằng xã hội, nhất là như Việt Nam chúng ta.

Bên cạnh những kết quả đạt được, cơ chế chính sách quản lý của nhà nước về giá vẫn còn nhiều bất cập, chưa thực sự đảm bảo lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng; chưa thực sự phù hợp với sự phát triển của xã hội trong bối cảnh hiện nay. Tình trạng độc quyền, liên minh độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh về giá nhằm thu lợi nhuận không chính đáng ở một số ngành, lĩnh vực ảnh hưởng đến người tiêu dùng chưa được kiểm soát kịp thời.

Dự thảo sửa đổi Luật giá đã từng bước được hoàn thiện, góp phần hạn chế những bất cập trên, tuy nhiên vẫn còn một số chỗ cần rà soát, bổ sung, điều chỉnh để Luật giá thực sự đi vào cuộc sống, góp phần thể chế hóa được đường lối của Chính phủ về quản lý, điều hành giá trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trở thành một bộ phận quan trọng trong hệ thống pháp luật.

Cần mở rộng thiết chế, sửa đổi bổ sung cơ chế đánh giá tín nhiệm đối với thẩm định viên, công ty thẩm định giá

Quan tâm đến quy định về thẩm định giá, TS. Vũ Nhữ Thăng, Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết,hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thẩm định giá, các văn bản hướng dẫn và các văn bản liên quan đã được ban hành tương đối đầy đủ, đáp ứng nhu cầu về quản lý nhà nước đối với lĩnh vực thẩm định giá, làm nền tảng cho sự phát triển của lĩnh vực thẩm định giá trong bối cảnh nền kinh tế trong nước hội nhập ngày càng sâu rộng với kinh tế quốc tế.

Không thể phủ nhận lĩnh vực thẩm định giá đã có những bước tiến “dài” trong hoạt động ở Việt Nam thời gian qua cùng các định hướng phát triển, mở rộng lĩnh vực thẩm định giá của cơ quan quản lý đã đáp ứng nhu cầu khách quan, cấp thiết của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển đó, nhiều vụ án nghiêm trọng có liên quan đến thẩm định giá, xuất phát từ việc doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thông đồng, cố tình thu thập thông tin sai lệch, đưa thông tin đầu vào không chính xác, từ đó dẫn tới kết quả thẩm định giá kém tin cậy.

TS.Vũ Nhữ Thăng, Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia 

Do đó, để cải thiện chất lượng dịch vụ thẩm định giá, việc bổ sung và hoàn thiện các quy định của Luật Giá tập trung vào tạo thiết chế, cơ chế đối với xếp hạng tín nhiệm các doanh nghiệp và thẩm định viên cũng như việc tham gia cung cấp dữ liệu thị trường; bổ sung các quy định về quy trình kiểm soát nội bộ của các doanh nghiệp về tuân thủ quy trình thẩm định giá và chuẩn mực đạo đức hành nghề của thẩm định viên; điều chỉnh các hình phạt bổ sung bên cạnh các hình phạt chính đối với vi phạm của thẩm định viên và doanh nghiệp thẩm định giá; hình sự hóa hành vi vi phạm nếu cấu thành tội danh.

Theo TS.Vũ Nhữ Thăng cần mở rộng thiết chế, sửa đổi bổ sung cơ chế đánh giá tín nhiệm đối với thẩm định viên, công ty thẩm định giá và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về các tiêu chí đánh giá, phương pháp và kết quả đánh giá hàng năm. Điều 59 Dự thảo Luật Giá về đánh giá hoạt động dịch vụ thẩm định giá đã quy định Bộ Tài chính có trách nhiệm tổ chức triển khai đánh giá dịch vụ thẩm định giá của các doanh nghiệp thẩm định giá. Tuy nhiên, cần phải bổ sung thêm các quy định về công bố danh sách các tiêu chí đánh giá, phương pháp đánh giá kèm kết quả cập nhật hàng năm trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài chính. Hoặc quy định bổ sung thiết chế, cơ chế đánh giá tín nhiệm đối với thẩm định viên và công ty thẩm định giá thực hiện bởi bên thứ ba kèm yêu cầu công khai thông tin đánh giá lên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ngoài ra, TS.Vũ Nhữ Thăng cũng đề nghị quy định thêm nghĩa vụ của doanh nghiệp thẩm định giá về thiết lập và cải tiến hệ thống giám sát chất lượng, đảm bảo tính khách quan, trung thực và hợp lý của báo cáo định giá. Đối với các hoạt động thẩm định giá Nhà nước phải thiết lập và cải tiến hệ thống quản lý nội bộ, giám sát sự tuân thủ luật pháp của các thành viên Hội đồng định giá, quy định các tiêu chí đánh giá và chịu trách nhiệm về hành vi của mình để có cơ chế phòng ngừa các rủi ro về đạo đức của thẩm định viên và thành viên Hội đồng thẩm định.

Nâng cao chất lượng, tăng cường tiêu chuẩn, điều kiện của thẩm định viên về giá

Về nội dung này, PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và kiểm toán Việt nam (VAA) cho rằng, vấn đề đặt ra là cần nâng cao chất lượng, tăng cường tiêu chuẩn, điều kiện của thẩm định viên về giá, gắn với đó là nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp của thẩm định viên trong hoạt động thẩm định giá.

Luật cần quy định tính chất chuyên môn hóa hoạt động nghề nghiệp của thẩm định viên về giá. Theo đó cần quy định về  năng lực và kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ thẩm định giá để hướng đến tính chuyên nghiệp và có tính chuyên môn cao của nghề thẩm định giá.

Cần quy định chặt chẽ hơn về điều kiện được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá. Đồng thời cần có các quy định về giám sát, về quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro nhất là đối với mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần kinh doanh các nghiệp vụ thẩm định giá.

Một số sửa đổi, bổ sung, kết cấu lại các điều khoản so với Luật 2012 là cần thiết, cần quy định hợp lý hơn các hoạt động thẩm định giá, tài sản thẩm định giá, kết quả thẩm định giá nhằm làm rõ hơn tính chất của hoạt động thẩm định giá và giá trị pháp lý của kết quả thẩm định giá.

 PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và kiểm toán Việt nam (VAA)

PGS.TS Đặng Văn Thanh đề nghị: Cần bổ sung nguyên tắc phải phù hợp tính chất từng loại tài  sản và công khai phương pháp xác định giá và thẩm định giá; Quy định về Thẻ thẩm định viên về giá cần nâng cao năng lực và hướng tới chuyên môn hóa hoạt động của thẩm định viên theo lĩnh vực tài sản; Bổ sung quy định khi tham gia thi cấp thẻ thẩm định viên về giá, người dự thi phải đáp ứng tiêu chuẩn 36 tháng kinh nghiệm là thời gian làm việc thực tế tại doanh nghiệp thẩm định giá. Đồng thời, tại Thẻ thẩm định viên về giá sẽ thể hiện rõ chuyên môn của thẩm định viên theo lĩnh vực thẩm định giá tài sản hoặc thẩm định giá doanh nghiệp..

Cũng theo PGS.TS Đặng Văn Thanh, dự thảo Luật quy định thẩm định viên về giá là người có Thẻ thẩm định viên về giá đang hành nghề tại doanh nghiệp để thống nhất về mặt nguyên lý đã là thẩm định viên thì người đó phải đang hành nghề thẩm định giá tại doanh nghiệp thẩm định giá. Về quyền và  và nghĩa vụ của thẩm định viên về giá, cần quy định thêm: Tham gia tổ chức nghề nghiệp về thẩm định giá trong nước và ngoài nước, chịu sự kiểm soát của tổ chức nghề nghiệp về chất lượng dịch vụ và đạo đức nghề nghiệp thẩm định giá; Tham gia các chương trình cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ kỹ năng về thẩm định giá do tổ chức nghề nghiệp tổ chức hàng năm. Đây là những quy định góp phần yêu cầu các thẩm định viên không ngừng cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp.

Sử dụng thuật ngữ “Thẩm định giá” là chưa chuẩn xác

Về nội dung này, PGS.TS Ngô Trí Long nêu quan điểm, việc sử dụng thuật ngữ “Thẩm định giá” là chưa chuẩn xác. Bởi thuật ngữ này chỉ đúng với việc định giá lại hoặc tái định giá. Còn định giá ban đầu là chưa chuẩn xác. Trong nền kinh tế thị trường nhu cầu về định giá ban đầu là rất lớn, chỉ có những trường hợp cần thiết xem xét lại việc định giá ban đầu có đúng hay không, khi đó mới yêu cầu định giá lại. Khi đó mới gọi là Thẩm định giá. Hiện nay trong các văn bản pháp quy: Luật Kinh doanh bất động sản, luật đất đai, Luật Xây dựng, ..tất cả đều sử dụng thuật ngữ: Định giá. Sự không thống nhất trong việc sử dụng thẩm định giá của Bộ Tài chính  với các Bộ ngành khác gây ra nhiều bất cập trong thực thi pháp luật. Giới khoa học, cũng như trong các trường Đại học kinh tế lớn của Việt Nam, đều sử dụng thuật ngữ Định giá tài sản trong chuyên ngành đào tạo. Chỉ riêng một số trường của Ban Chính phũ cũ, vẫn sử dụng thuật ngữ Thẩm định giá

PGS.TS Ngô Trí Long cho biết thêm, trên thế giới, cũng như các nước đều sử dung thuật ngữ Định giá tài sản trong việc xây dựng ban hành : “Tiêu chuẩn định giá tài sản” , không nước nào sử dụng Thuật ngữ Thẩm định giá Tài sản .

Với mục đích sửa đổi Luật giá là Khắc phục những tồn tại hạn chế gần 10 năm thi hành Luật, nhất là sự  chồng chéo, mâu thuẫn , sự chưa thống nhất giữa Luật giá với các luật chuyên ngành; Đáp ứng các yêu cầu về tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế.

Đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Định giá ở đây là Tài sản (BĐS&Máy móc thiêt bị “Động sản"), không phải định giá mọi hàng hóa, dịch vụ thông thường.  Định giá Tài sản , có chuẩn mực, nguyên tắc và phương pháp riêng. Các nước trên thế giới đều xây dựng và ban hành “Tiêu chuẩn định giá Tài sản”.

PGS.TS Ngô Trí Long nhấn mạnh, việc thay đổi thuật ngữ khi sửa luật giá lần này để đảm bảo sự thống nhất với thuật ngữ của hệ thống pháp luật dân sự kinh tế, cũng như phù hợp với thông lệ quốc tế và bản chất của hoạt động và đối tượng định giá, chương này nên đặt với tiêu đề: Chương VI.  Định giá tài sản.

Cần quy định chi tiết về mức phí dịch vụ thẩm định giá

Nghiên cứu dự luật, NGND.PGS.TS. Nguyễn Trọng Cơ, Học viện Tài chính cho rằng, để ngành thẩm định giá phát triển theo định hướng đảm bảo tuân thủ quy định của hệ thống pháp luật Nhà nước, đồng thời để kết quả thẩm định giá trở thành công cụ hữu hiệu giúp cho thị trường tài sản trở nên công khai, minh bạch, nhiều nội dung trong Luật giá sửa đổi đã bổ sung và mở rộng so với Luật giá 2012.

Góp ý vào dự thảo, NGND.PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ đề xuất: Tại Điều 60, Mục 2, Chương VI dự thảo Luật Giá (sửa đổi) cần quy định chi tiết về mức phí dịch vụ thẩm định giá tài sản cụ thể cho một số mục đích (thẩm định giá tài sản phục vụ cho quản lý của nhà nước, thẩm định giá tài sản phục vụ cho nhà đầu tư trong vấn đề bồi thường giải phóng mặt bằng, thẩm định giá tài sản cho thuê...) hoặc một số loại tài sản nhất định (thẩm định giá tài sản đơn giản,  thẩm định giá tài sản cá nhân, thẩm định giá doanh nghiệp...).

Bên cạnh đó, để cấp thẻ thẩm định viên, cần có quy định cụ thể về hình thức thi (nên cân nhắc và bổ sung thêm các hình thức thi, như thi phỏng vấn hay thông qua báo cáo thẩm định giá mà thí sinh tham gia thẩm định giá..) và bổ sung thêm loại hình thẩm định viên tập sự để đảm bảo kinh nghiệm hoạt động thẩm định giá được kiểm soát tốt hơn;…./.

Lê Anh