DIỄN ĐÀN KINH TẾ - XÃ HỘI VIỆT NAM NĂM 2022 – “NGÂN HÀNG” GIẢI PHÁP CHO DOANH NGHIỆP VƯỢT KHÓ

17/09/2022

Theo Thạc sĩ Trương Đắc Bình - Chuyên gia cố vấn kinh tế và công nghệ, Giám đốc Công ty Adaptis GMBH Thụy sĩ tại Việt Nam, "Diễn đàn Kinh tế- xã hội Việt Nam năm 2022" này sẽ tạo dựng một “ngân hàng” giải pháp cho các vấn đề của nền kinh tế nước ta, cộng với sức lan tỏa mạnh mẽ của các nền tảng số sẽ thu hút tối đa các chuyên gia “hiến kế” để khôi phục và phát triển nền kinh tế

Ths.Ls Lại Xuân Cường: Kỳ vọng lớn vào thông điệp "Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2022" truyền tải

Tiếp nối thành công của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, Diễn đàn Kinh tế- xã hội Việt Nam 2022 năm nay dự kiến sẽ được tường thuật trực tiếp và livestream trên các nền tảng số của Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Họp báo Diễn đàn Kinh tế- Xã hội Việt Nam 2022

Theo chương trình, “Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022” được tổ chức vào ngày 18/9 để tham vấn ý kiến các chuyên gia về các vấn đề nóng của kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế; về thể chế phát triển trong bối cảnh mới; nhận diện rủi ro lạm phát, rủi ro tài chính, tài khóa, tiền tệ...

Diễn đàn bao gồm 1 phiên toàn thể và 2 phiên hội thảo chuyên đề. Trong đó: Phiên hội thảo chuyên đề số 1 với chủ đề: “Đẩy mạnh cải cách thể chế - Hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội”. Phiên hội thảo chuyên đề số 2 với chủ đề: “Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững”. Buổi chiều, phiên toàn thể và tọa đàm cấp cao với chủ đề “Củng cố nền kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững”.

Phiên khai mạc của Diễn đàn sẽ được tường thuật trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam, tổng thuật trên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội. Ngoài ra, các Phiên thảo luận tại Diễn đàn cũng được Truyền hình Quốc hội Việt Nam livestream trên các nền tảng số. Diễn đàn sẽ được kết nối tới điểm cầu của các trường đại học đầu ngành về kinh tế, là buổi sinh hoạt chuyên đề để giảng viên, sinh viên các trường đại học có thể nắm bắt những luận cứ khoa học, những thông tin được thảo luận trong chương trình.

Doanh nghiệp với hàng loạt nỗi lo

Thạc sĩ Trương Đắc Bình, Chuyên gia cố vấn kinh tế và công nghệ, Giám đốc Công ty Adaptis GMBH Thụy sĩ tại Việt Nam

Phóng viên: Sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các doanh nghiệp Việt Nam đứng trước nhiều thử thách, nền kinh tế và đời sống người lao động đối mặt với nhiều khó khăn. Theo ông, sự kết nối xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài, trong đó Thụy sĩ thời gian qua đã bị ảnh hưởng như thế nào?

Thạc sĩ Trương Đắc Bình, Chuyên gia cố vấn kinh tế và công nghệ, Giám đốc Công ty Adaptis GMBH Thụy sĩ tại Việt Nam: Kể từ khi xuất hiện và bùng phát mạnh mẽ tại Việt Nam, đại dịch Covid-19  đã không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của con người mà còn tác động không nhỏ đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Hầu như các chủ thể trong xã hội đều chịu sự ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19 và một trong số đó là cộng đồng doanh nghiệp. Theo đó, dịch bệnh Covid-19 đã tác động tiêu cực mãnh mẽ đến quá trình hoạt động, tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Chúng ta thấy, một số doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động. Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 còn kéo theo hàng loạt gánh nặng về tài chính cho doanh nghiệp. Các gánh nặng về tài chính doanh nghiệp gặp phải trong bối cảnh hiện nay gồm: Chi phí thuê mặt bằng, chi phí thanh toán lương và chế độ cho người lao động, công nợ và các khoản vay quá hạn…

Thực tế, hầu hết các doanh nghiệp đều sử dụng trụ sở thuê, các hợp đồng thuê này thường có thời hạn dài 01 năm, 02 năm thậm chí là 05 đến 10 năm và doanh nghiệp thường sẽ phải đặt cọc một khoản tiền hoặc thanh toán trước chi phí thuê trong vài tháng. Ngoài ra, nguồn cung nguyên liệu sản xuất cũng bắt đầu khan hiếm; xuất, nhập khẩu hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Đối với một số ngành nghề như sản xuất ô tô, điện tử, dệt may nguyên liệu thường được nhập khẩu từ các quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc…Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Thụy Sĩ thời gian qua cũng bị ảnh hưởng nhiều kể từ năm 2020 đến nay.

Nhờ có chính sách, pháp luật để hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp trước tình hình dịch bệnh, các doanh nghiệp Việt đã từng bước vượt qua những khó khăn, trở ngại, nhất là ảnh hưởng tiêu cực, suy giảm thương mại toàn cầu, xuất khẩu trong 8 tháng của Việt Nam vẫn giữ được đà tăng trưởng ấn tượng.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, những rủi ro, thách thức với hoạt động của các doanh nghiệp, đặc biệt là trong giao thương xuất nhập khẩu với các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Thụy sĩ còn lớn, bởi triển vọng kinh tế thế giới sẽ tiếp tục chịu chi phối bởi xung đột địa chính trị; tác động tiêu cực từ giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào vẫn ở mức cao, thiếu hụt lao động cục bộ... Điều này đòi hỏi các giải pháp tháo gỡ khó khăn của cơ quan quản lý, cũng như sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp.

Theo tôi, những thách thức này đến từ xu hướng lạm phát tăng cao tại các thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU... khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, ảnh hưởng tới đơn hàng; diễn biến phức tạp của xung đột Nga-Ukraine khiến giá nguyên, phụ liệu liên tục tăng cao bào mòn lợi nhuận, sức chống chịu của doanh nghiệp. Ở trong nước, khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải tới từ tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ, giá cước vận tải ở mức cao tạo thêm khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu... 

“Ngân hàng” giải pháp cho nền kinh tế

Phóng viên: Theo ông, Diễn đàn Kinh tế-  Xã hội Việt Nam 2022 có ý nghĩa như thế nào cho bối cảnh nước ta hiện nay?

Thạc sĩ Trương Đắc Bình, Chuyên gia cố vấn kinh tế và công nghệ, Giám đốc Công ty Adaptis GMBH Thụy sĩ tại Việt Nam: Từ những phân tích cụ thể trên, chúng ta thấy rõ, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp đã gặp rất nhiều khó khăn để tồn tại và phát triển, một trong những thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp đang phải đối diện là gánh nặng tài chính. Mặc dù Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo, xây dựng, ban hành các chính sách, pháp luật để hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp trước tình hình dịch bệnh, tuy nhiên, quá trình triển khai chính sách vẫn tồn tại một số khó khăn, thách thức nhất định. Chính vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh, khắc phục những hạn chế, bất cập trong việc xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật về mặt tài chính để hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, thiết thực cho các doanh nghiệp là điều vô cùng quan trọng, cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Và Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, Diễn đàn Kinh tế- xã hội Việt Nam năm 2022 chính là chìa khóa, là nền tảng đầu tiên cho vấn đề này.

Diễn đàn năm nay sẽ là nơi để các đại biểu sẽ tập trung trao đổi, thảo luận về các vấn đề của nền kinh tế hiện tại; làm rõ bối cảnh quốc tế; xu hướng cơ cấu lại nền kinh tế; các căng thẳng, xung đột, xu hướng dịch chuyển địa-kinh tế và thách thức mới đối với phục hồi và phát triển kinh tế bền vững…; đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế Việt Nam trong 9 tháng năm 2022 và dự báo cả năm 2022; trao đổi, tham vấn ý kiến về các vấn đề nóng của kinh tế-xã hội trong nước và quốc tế; các vấn đề về thể chế phát triển trong bối cảnh mới; nhận diện rủi ro lạm phát, rủi ro tài chính, tài khóa, tiền tệ; các vấn đề về khoa học công nghệ, giáo dục, lao động, y tế, an sinh xã hội và các chính sách, giải pháp ứng phó; rà soát, đánh giá việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian qua, đặc biệt là Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; việc thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam (các FTA: CPTPP, EVFTA, RCEP, SDGs, COP26…).

Bên cạnh đó, đưa ra các đề xuất, kiến nghị và giải pháp phát triển kinh tế-xã hội và ứng phó với thách thức, vấn đề mới phát sinh; làm rõ các ưu tiên vào một số trọng tâm trong điều hành kinh tế vĩ mô cũng như trong phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước….

Tôi cho rằng, đây sẽ là nguồn tư liệu quý để các cơ quan của Đảng, Quốc hội và Chính phủ nghiên cứu, tham khảo để tham mưu ban hành các chính sách quan trọng trong thời gian tới.

Tận dụng sức mạnh số để lan tỏa, kết nối chuyên gia

Phóng viên: Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam 2022 dự kiến sẽ được tường thuật trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam, tổng thuật trên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam. Ngoài ra, các Phiên thảo luận tại Diễn đàn cũng dự kiến được Truyền hình Quốc hội Việt Nam livestream trên các nền tảng số. Ông đánh giá thế nào về điều này?

Thạc sĩ Trương Đắc Bình, Chuyên gia cố vấn kinh tế và công nghệ, Giám đốc Công ty Adaptis GMBH Thụy sĩ tại Việt Nam: Tôi cho rằng, trong thời đại kỷ nguyên số, ứng dụng công nghệ trong hoạt động điều hành của các cơ quan Nhà nước là xu thế tất yếu. Trong thời gian vừa qua, Quốc hội - cơ quan quyền lực tối cao của Nhà nước cũng đã đặt nền móng đầu tiên cho việc xây dựng Quốc hội điện tử, nhằm hiện đại hóa quy trình điều hành và hoạt động. Điều này cho thấy sự linh hoạt của Quốc hội Việt Nam trong việc số hoá và ứng dụng công nghệ.

Thời gian qua, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, chính giai đoạn khó khăn này, Quốc hội khóa XV đã ghi dấu ấn đổi mới đậm nét, mở ra giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ bằng việc tổ chức họp trực tuyến. Điều này cho thấy sự phản ứng nhanh nhạy và kịp thời của Quốc hội trước những diễn biến khó lường của đại dịch, đồng thời đặt nền móng ban đầu cho những đổi mới về phương thức hoạt động của Quốc hội trong kỷ nguyên 4.0. Tôi cũng cho rằng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào hoạt động của Quốc hội có thể góp phần tạo ra nhiều thời cơ và vận hội mới, tạo đà cho đất nước phát triển và thích ứng nhanh với những thay đổi mạnh mẽ.

Không chỉ vậy, thời gian gần đây, các phiên thảo luận tại Kỳ họp Quốc hội còn được Quốc hội chủ trương truyền phát trực tiếp, tổng thuật liên tục trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam và Cổng thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam. Điều mà trước đây chưa từng có tiền lệ. Tiếp đến là việc cho phép công khai, truyền phát trực tiếp nội dung Diễn đàn Kinh tế- Xã hội Việt Nam 2022 trên các nền tảng số cũng là một bước ngoặt táo bạo, đầy bản lĩnh, hợp xu thế.

Tôi cho rằng, việc công khai nội dung Diễn đàn thông qua nhiều hình thức trên môi trường công nghệ số có rất nhiều ưu điểm so với các cách thức truyền thống. Bởi, việc chia sẻ, lan tỏa, kết nối thông tin trên các nền tảng xã hội đang ngày càng được quan tâm và dần trở thành một xu hướng, nguồn hỗ trợ trực tiếp, quan trọng.

Số liệu thống kê cho thấy tổng số người dùng mạng xã hội ở Việt Nam đã đạt tới khoảng 2/3 dân số, trong đó dẫn đầu là Facebook, mới hơn là Tiktok... Việc sử dụng mạng xã hội đã và đang trở thành thói quen hằng ngày của nhiều người Việt Nam. Đó không chỉ là công cụ giao tiếp, kết nối, giải trí đơn thuần, mà đang trở thành một kênh thông tin quan trọng cung cấp tin tức, kiến thức về nhiều lĩnh vực của cuộc sống.

Mặt khác, các nền tảng xã hội với công cụ hỗ trợ đa dạng còn tạo cơ hội giúp các cơ quan chính trị, chuyên môn thực hiện các dự án, hội thảo, hội nghị, diễn đàn;  lan tỏa kiến thức hữu ích, chủ trương mới đến với cộng đồng dễ dàng hơn trong bối cảnh khó khăn như thiên tai, dịch bệnh… Tôi cho rằng, để lãnh đạo và quản trị quốc gia trong bối cảnh chuyển đổi số, việc phát huy hiệu quả vai trò của mạng xã hội có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nhất là trong việc tuyên truyền, đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân một cách nhanh chóng, kịp thời.

Đặc biệt, sự truyền phát sự kiện trực tiếp có thể tạo ra lượng khán giả lớn, bao gồm cả những chuyên gia trong và ngoài nước. Các chuyên gia có thể tương tác, phản biện, bình luận, đóng góp ý kiến, giải pháp từ góc nhìn cá nhân ngay trên các kênh truyền phát trực tiếp, livestream… Như vậy, khả năng quy tụ các ý kiến cho diễn làn là rất lớn. Trên cơ sở đó, các cơ quan có thể xây dựng được một “ngân hàng” giải pháp từ diễn đàn cho các vấn đề kinh tế- xã hội đặt ra. Do vậy, bên cạnh phương thức tuyên truyền, tổ chức truyền thống, việc sử dụng ưu thế của mạng xã hội và các phương tiện truyền thông mới là việc làm cần thiết, nhằm gia tăng phương tiện, cách thức và khả năng lan tỏa những thông điệp, kết nối chuyên gia, tìm kiếm các giải pháp mới hiệu quả…

Tuy nhiên, do tính chất “mở” của môi trường mạng xã hội, việc tổ chức theo hình thức này cũng có thể đối diện với những thách thức, nhất là sự chống phá của các thế lực thù địch, thiếu thiện chí ở trong nước và nước ngoài. Do vậy, các cơ quan, đơn vị phụ trách tổ chức cần phải làm chủ công nghệ, xử lý tốt những vấn đề phức tạp nảy sinh, dự báo những tình huống mới có thể xảy ra khác với mục tiêu, mong muốn. Đồng thời, các cơ quan quản lý, cần xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách đồng bộ, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, minh bạch, bảo đảm môi trường mạng xã hội lành mạnh, trong sạch, nhân văn; xây dựng các chế tài và biện pháp xử lý nghiêm minh, có tính răn đe để cảnh báo cũng như kịp thời xử lý nghiêm những hành vi vi phạm…

Để có được một buổi truyền hình trực tiếp, livestream diễn đàn trực tuyến hiệu quả, hạn chế tối đa về sự cố chủ quan, tôi cho rằng đơn vị tổ chức và người tham gia buổi livestream cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Đặc biệt, đối với hình thức trực tuyến thì chất lượng đường truyền internet đóng một vai trò quan trọng. Nếu như trong quá trình livestream đường truyền internet gặp trục trặc sẽ làm nhiễu hoặc mất hình ảnh, âm thanh ảnh hưởng trực tiếp đến buổi truyền phát trực tiếp, livestream hội nghị. Vì vậy, cần đảm bảo đường truyền mạng đạt tốc độ cao nhất.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Phương

Các bài viết khác