PGS.TS BÙI QUANG TUẤN: ĐỂ "DIỄN ĐÀN KINH TẾ - XÃ HỘI VIỆT NAM NĂM 2022" THỰC SỰ CÓ HIỆU ỨNG TỚI SỰ PHÁT TRIỂN KT-XH

16/09/2022

Để ''Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022'' thực sự có hiệu ứng tới sự phát triển kinh tế-xã hội, PGS.TS Bùi Quang Tuấn- Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nêu quan điểm: Việt Nam phải nâng cao được vai trò đóng góp của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là tận dụng cuộc cách mạng công nghệ 4.0 trong nền kinh tế.

ĐBQH Nguyễn Hải Anh: "Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022" thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ về tư duy, phản ánh triết lý và quan điểm phát triển của Việt Nam 

Chuyên gia kỳ vọng: Diễn đàn kinh tế - xã hội 2022 cung cấp căn cứ khoa học cho các quyết sách của Quốc hội

Họp báo về Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022: Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững

Diễn đàn do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đồng tổ chức. Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 nhằm tập hợp, tham vấn các ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý chuyên sâu hàng đầu trong nước, chuyên gia của các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp hiệp hội về tình hình kinh tế để từ đó có phân tích, dự báo kịp thời đề xuất các giải pháp chính sách nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực, nắm bắt các cơ hội, thời cơ, đặc biệt là đối với chính sách tài khóa, tiền tệ, chính sách an sinh-xã hội..., đồng thời có cơ chế kiểm tra, giám sát để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững. Các ý kiến phát biểu thẳng thắn, khách quan, đa chiều và có cơ sở tại Diễn đàn sẽ là nguồn tư liệu quý để các cơ quan của Đảng, Quốc hội và Chính phủ nghiên cứu, tham khảo để tham mưu ban hành các chính sách quan trọng trong thời gian tới.


Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại cuộc họp báo về Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022.

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 tập trung làm rõ bối cảnh quốc tế; xu hướng cơ cấu lại nền kinh tế; các căng thẳng, xung đột, xu hướng dịch chuyển địa – kinh tế và thách thức mới đối với phục hồi và phát triển kinh tế bền vững… Diễn đàn cũng tập trung trao đổi, thảo luận, đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế Việt Nam trong 09 tháng đầu năm 2022 và dự báo cả năm 2022; đồng thời trao đổi, tham vấn ý kiến về các vấn đề nóng của kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế; các vấn đề về thể chế phát triển trong bối cảnh mới; nhận diện rủi ro lạm phát, rủi ro tài chính, tài khóa, tiền tệ; các vấn đề về khoa học công nghệ, giáo dục, lao động, y tế, an sinh xã hội và các chính sách, giải pháp ứng phó.

Để hiểu rõ hơn về Diễn đàn cũng như có thêm tiếng nói để các nội dung tại Diễn đàn thực sự giải quyết được những vấn đề cấp bách nhằm phục hồi nền kinh tế cũng như hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị tác động của đại dịch Covid-19, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội phỏng vấn PGS.TS Bùi Quang Tuấn – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.


PGS.TS Bùi Quang Tuấn – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

Phóng viên: Thưa ông, Diễn đàn Kinh tế-xã hội Việt Nam năm 2022 sẽ được tổ chức tại Hà Nội. Xin ông cho biết những vấn đề, nội dung quan tâm nhất của Diễn đàn này?

PGS.TS Bùi Quang Tuấn – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Diễn đàn Kinh tế-xã hội Việt Nam năm 2022 là sự kiện tiếp theo của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021. Đây là một diễn đàn sẽ có tính thường niên và là nơi thảo luận nhiều vấn đề cả ngắn hạn và dài hạn của nền kinh tế. Các vấn đề, nội dung quan tâm của Diễn đàn này là khá toàn diện, tập trung ở các vấn đề kinh tế - xã hội hiện đang là hạn chế, thách thức, là điểm nghẽn cần phải có giải pháp khắc phục. Trong đó, đặc biệt là sẽ phải đánh giá về những kết quả ban đầu về việc triển khai, thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội năm 2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết số 11 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các vấn đề phục hồi tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, các động lực cho tăng trưởng bền vững, các vấn đề liên quan đến cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, kinh tế xanh, kinh tế số, các vấn đề xã hội như việc làm, an sinh xã hội, y tế, giáo dục đào tạo…

Ngoài ra, còn có kinh nghiệm quốc tế về phục hồi kinh tế trong điều kiện chống dịch Covid-19. Đây là chia sẻ của các đối tác, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và trên cơ sở đó rút ra những hàm ý chính sách cho Việt Nam để giúp đưa ra được các giải pháp phục vụ cho mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao năng lực cạnh tranh và năng lực thích ứng của nền kinh tế. Đáng chú ý là Diễn đàn lần này bàn về các vấn đề xã hội nhiều hơn nên có chữ “xã hội” trong tên Diễn đàn. Nếu so sánh với Diễn đàn năm 2021 chỉ có tên là Diễn đàn kinh tế không thôi.

Phóng viên: Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững là chủ đề được nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế quan tâm. Quan điểm của ông về chủ đề này như thế nào, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động; ảnh hưởng lớn từ những thiên tai, dịch bệnh Covid-19?

PGS.TS Bùi Quang Tuấn – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Doanh nghiệp và người lao động là những tác nhân trực tiếp tạo ra của cải vật chất cho xã hội, quyết định cho phục hồi tăng trưởng nền kinh tế. Nếu doanh nghiệp phục hồi thì nền kinh tế mới phục hồi sau dịch bệnh. Do vậy, vấn đề thảo luận liên quan đến doanh nghiệp, môi trường hỗ trợ và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh là hết sức quan trọng. Thống kê cho thấy, trong 8 tháng đầu năm 2022, doanh nghiệp đã phát triển khá tích cực, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động 8 tháng là gần 150.000 doanh nghiệp tức là gấp 1,43 lần số doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Đó là tín hiệu tốt. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn liên quan đến thiếu vốn, đảm bảo ổn định các đơn hàng, không ổn định của các thị trường xuất khẩu, thiếu lao động, lao động có tay nghề… trong bối cảnh bất ổn ở một số khu vực địa kinh tế và giá cả tăng cao do giá năng lượng cao. Do vậy, rất cần phải có thảo luận để có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Đối với người lao động cũng vậy, tác động vừa qua của đại dịch Covid-19 là rất lớn, ảnh hưởng rất mạnh đến người lao động. Các chính sách trong Chương trình phục hồi và phát triển của Quốc hội và Chính phủ đã khá trúng và kịp thời trong việc hỗ trợ người lao động. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề bất cập đang phát sinh ví dụ như khu vực lao động phi chính thức chưa được chú ý, các gói hỗ trợ còn được triển khai chậm, ở một số địa phương, chính sách chưa sát với cuộc sống… Do vậy, rất cần phải có thảo luận kỹ các vấn đề này để có giải pháp, chính sách phù hợp, nhất là đặt trong bối cảnh vẫn còn phức tạp của thị trường quốc tế và trong nước.

Phóng viên: Ông nhìn nhận như thế nào về vai trò của Quốc hội và có ý kiến, đề xuất gì với cơ quan xây dựng pháp luật đối với việc đẩy mạnh cải cách thể chế, hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội”?

PGS.TS Bùi Quang Tuấn – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Tôi nhận thấy vai trò của Quốc hội càng ngày càng được nâng lên, có đóng góp ngày càng quan trọng hơn. Các vấn đề thời sự nóng hổi đã được Quốc hội nhanh chóng nắm bắt và đưa vào trong chương trình nghị sự để có thể có những định hướng đúng trong việc hoàn thiện pháp luật và có những yêu cầu đối với Chính phủ trong việc đưa ra các giải pháp chính sách cụ thể để đối phó với các hạn chế, bất cập của nền kinh tế. Để làm được điều đó, Quốc hội đã có nhiều sáng kiến, trong đó có tổ chức Diễn đàn như thế này là một xu hướng rất tích cực và cần tiếp tục duy trì và đẩy mạnh, nhất là trước yêu cầu luôn luôn phải đẩy mạnh việc hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách.

Đặc biệt, Quốc hội đã ngày càng đẩy mạnh hơn việc hợp tác với các cơ quan nghiên cứu, các nhà tư vấn chính sách để có thể có những quyết sách có căn cứ lý luận và thực tiễn, phù hợp với xu hướng mới và phù hợp với yêu cầu của cuộc sống đặt ra. Đề xuất xây dựng Mạng lưới sáng kiến Quốc hội, trong đó có kết nối với các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, tổ chức và hiệp hội, các bên liên quan mà Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đang ấp ủ và thảo luận nếu được thực hiện sẽ là một trong những bước cụ thể rất tốt để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động này. Tôi đánh giá cao các sáng kiến đó.

Phóng viên: Để Diễn đàn thực sự có hiệu ứng tới sự phát triển kinh tế-xã hội và thay đổi cuộc sống của người dân, xin ông cho biết, Viện Kinh tế Việt Nam có những đề xuất cụ thể, trọng tâm nào?

PGS.TS Bùi Quang Tuấn – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Đề xuất kiến nghị thì chúng tôi có nhiều, cả về kinh tế vĩ mô và vi mô, ở đây chắc không nói hết được. Chúng tôi đã có bài tham luận cho Diễn đàn, trong đó có một số đề xuất về thể chế và nguồn lực là cốt lõi.

Đối với kinh tế vĩ mô, về cơ bản là thể chế phải tập trung cho phục hồi các trụ cột quan trọng của tăng trưởng bền vững dựa vào các trụ cột đã được xác định là đầu tư công, thương mại và tiêu dùng nội địa. Đó là tính theo bên cầu. Còn bên cung thì đặc biệt là phải hỗ trợ cho doanh nghiệp, các thị trường và các chuỗi cung ứng phục hồi hoạt động. Do đó, môi trường đầu tư kinh doanh phải tiếp tục được thuận lợi hoá mạnh mẽ hơn nữa. Cải cách hành chính phải quyết liệt hơn nữa. Trong các ngành, dịch vụ du lịch rất cần phải đi nhanh trong bối cảnh nhiều nước chưa mở cửa do dịch bệnh Covid-19 như Trung Quốc. Đặc biệt, Việt Nam phải nâng cao được vai trò đóng góp của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là tận dụng cuộc cách mạng công nghệ 4.0 trong nền kinh tế.

Hiện nay, nước ta vẫn đầu tư cho khoa học công nghệ quá ít, cơ chế chính sách thì không thông thoáng, chưa huy động được nhiều từ các nguồn lực ở khu vực tư nhân. Trong khi đó, công nghệ sẽ có vai trò quyết định một nền kinh tế bền vững, phù hợp với chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Chiến lược phát triển khoa học công nghệ đã ra đời và rất cần phải nhanh chóng triển khai trên thực tiễn. Việt Nam phải bắt nhịp ngay vào quá trình chuyển đổi xanh và chuyển đổi số, phải có giải pháp cụ thể và đột phá, thực hiện quyết liệt trên thực tế. Đây là cơ hội vàng đối với Việt Nam vì chúng ta có cơ cấu dân số vàng, thị trường lớn với dân số lớn và so với các nước trong khu vực, chúng ta được đặt ngang hàng trong sự xuất phát trong cuộc chạy đua về áp dụng công nghệ của cách mạng 4.0. Không có lúc nào tốt hơn lúc này về tận dụng cơ hội để đổi mới và phát triển nhanh. Nếu không chúng ta sẽ không bao giờ còn cơ hội như vậy nữa.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Bích Lan

Các bài viết khác