UBTVQH cho ý kiến về công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, công tác của ngành Tòa án, Kiểm sát năm 2022
Toàn cảnh phiên họp
Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022 nêu rõ, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; trong đó tiếp tục nhấn mạnh nhiệm vụ bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội là trọng tâm, then chốt. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 96 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và các nghị quyết khác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, nhất là việc thực hiện các chỉ tiêu Quốc hội giao. Công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện; chủ động đa dạng hóa cách thức và tăng thời lượng công tác tuyên truyền cho Nhân dân về phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của tội phạm. Tăng cường công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội; tập trung làm tốt công tác quản lý, giáo dục đối tượng tại địa bàn cơ sở, tập trung nhóm đối tượng có nguy cơ phạm tội cao.
Theo đó, tình hình an ninh chính trị nội bộ, an ninh kinh tế, an ninh tôn giáo, an ninh các vùng chiến lược tiếp tục được đảm bảo, giữ vững song vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Đã chủ động nắm tình hình, tham mưu với Đảng, Nhà nước các chủ trương, đường lối bảo vệ an ninh quốc gia; triển khai đồng bộ các kế hoạch, biện pháp công tác bảo đảm an ninh, an toàn các sự kiện chính trị, xã hội quan trọng và đấu tranh làm thất bại các ý đồ chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Kịp thời khởi tố điều tra, làm rõ các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia. Tội phạm về trật tự xã hội tuy giảm 9,75%, song còn diễn biến phức tạp, nhất là giết người do mâu thuẫn, thù tức cá nhân, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, tội phạm xâm hại trẻ em, mua bán người, xâm phạm sở hữu, chống người thi hành công vụ... Đã ban hành, triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu kéo giảm số vụ phạm tội về trật tự xã hội; phòng, chống tội phạm trong và sau dịch Covid-19. Về cơ bản các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đều được khẩn trương điều tra làm rõ; hầu hết các loại tội phạm đều giảm. Đã điều tra, khám phá đạt tỷ lệ 86,57%, trong đó án rất nghiêm trọng đạt 94,61%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 95,45%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao.
Bên cạnh đó, tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn biến rất phức tạp. Nổi lên là các sai phạm trong các lĩnh vực chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đấu thầu, đấu giá, mua sắm công, y tế, giáo dục, đất đai, tài chính, ngân hàng, tài nguyên, khoáng sản, phòng, chống dịch bệnh... Chính phủ đã chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, xác minh, điều tra làm rõ các sai phạm có tác dụng lan tỏa, mang tính chất cảnh tỉnh trong những lĩnh vực nhạy cảm. Tập trung điều tra các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế phát hiện giảm 38,61%, số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ phát hiện tăng 33,33%.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Thường trực Ủy ban Tư pháp cơ bản đồng tình với những nhận định, đánh giá của Chính phủ về công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm và xin nhấn mạnh một số nội dung sau: Về tổng thể, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm về trật tự xã hội giảm, tuy nhiên một số loại tội phạm gia tăng như: giết người, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; một số loại tội phạm diễn biến phức tạp, tính chất nghiêm trọng như các tội phạm về ma túy, cướp, cướp giật, tội phạm tham nhũng, chức vụ. Lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid 19, đã xảy ra một số vụ án tham nhũng có quy mô, phạm vi lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra ở nhiều cấp, ngành, địa phương, có sự tham gia của một số cán bộ cấp cao lợi dụng chính sách của Nhà nước làm trái quy định để vụ lợi.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, tội phạm trên không gian mạng, tội phạm về thị trường chứng khoán, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi hơn, nhiều hành vi vi phạm được thực hiện trong một thời gian dài mới phát hiện, xử lý; vẫn diễn ra tình trạng tiếp tay, nhận hối lộ của một số cán bộ thuộc cơ quan bảo vệ pháp luật để làm ngơ cho các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội, xảy ra trong thời gian dài, gây bức xúc trong dư luận. Tình hình tội phạm mua bán người qua biên giới Tây Nam đang diễn biến rất phức tạp. Một số vụ xâm hại trẻ em với hành vi dã man, có vụ việc chỉ khi có hậu quả chết người mới bị phát hiện. Số vụ cháy tuy có giảm nhưng vẫn xảy ra một số vụ cháy gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng tham gia thảo luận
Tham gia thảo luận tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, về công tác phát hiện xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm, năm 2022, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và chính quyền các cấp, sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan chức năng, công tác phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm đạt được nhiều kết quả tích cực và đạt được nhiều chỉ tiêu của Quốc hội giao. Tuy nhiên, kết quả phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực còn chưa tương xứng với tình hình thực tế. Tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường, an toàn thực phẩm xảy ra nhiều nhưng việc phát hiện, xử lý chưa đủ sức răn đe, chủ yếu là xử lý hành chính; tội trộm cắp, cướp giật tài sản xảy ra nhiều nhưng tỷ lệ điều tra, khám phá thấp; một số vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn mới để hoạt động, xảy ra trong thời gian dài mới bị phát hiện.
Bên cạnh đó, một số đại biểu đề nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, chứng khoán, quản lý thuế...; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, “tham nhũng vặt”, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; khắc phục triệt để tình trạng cơ quan thanh tra, kiểm toán đã tiến hành thanh tra, kiểm toán nhưng không phát hiện vi phạm, sau đó, cơ quan có thẩm quyền khác lại phát hiện có vụ việc vi phạm về cùng một nội dung.
Có ý kiến cho rằng cần đẩy mạnh công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, nhất là đối với các vụ án tham nhũng thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận
Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao các báo cáo Chính phủ trong công tác phòng, chống vi phạm pháp luật, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, năm 2022, trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có rất nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp tốt của các cơ quan trong cả hệ thống chính trị, các cơ quan của Chính phủ đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả tốt hơn so với các năm trước.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan báo cáo tiếp thu đầy đủ các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiếp tục hoàn thiện các báo cáo theo yêu cầu, cập nhật số liệu đủ 12 tháng để báo cáo với Quốc hội và gửi Ủy ban Tư pháp để thẩm tra, đồng thời chuẩn bị các báo cáo tóm tắt để trình bày trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.