ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ BÁO CÁO CÔNG TÁC 2022 & KẾ HOẠCH KIỂM TOÁN 2023 CỦA KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC

12/09/2022

Chiều 12/9, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo công tác năm 2022 và Kế hoạch kiểm toán năm 2023 của Kiểm toán nhà nước (KTNN). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề về việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021

Tập trung nâng cao chất lượng kiểm toán

Tại phiên họp, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, mặc dù trong những tháng đầu năm 2022, đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, song toàn ngành KTNN đã chủ động, tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, khắc phục mọi khó khăn với phương châm hành động “Đoàn kết, kỷ cương, chất lượng và đạo đức công vụ”, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ năm 2022 đạt tiến độ, chất lượng và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực công tác. Ban Cán sự đảng, Đảng ủy, lãnh đạo KTNN  tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và thể chế hóa kịp thời bằng nhiều Kế hoạch, Nghị quyết, Chương trình, Chỉ thị để tổ chức thực hiện; tập trung lãnh đạo nâng cao chất lượng kiểm toán trên cơ sở thực hiện các giải pháp đột phá về siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường ứng dụng CNTT, cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ, kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức, đổi mới phương thức kiểm toán; hoàn thiện các văn bản hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ; tăng cường kiểm tra, kiểm soát; làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nhất là giáo dục về phẩm chất liêm chính, bản lĩnh, văn hóa ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, lối sống, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên.

Về công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán (KHKT), Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, bên cạnh nâng cao chất lượng xây dựng KHKT năm, KTNN cũng đã tập trung nâng cao chất lượng KHKT từng cuộc kiểm toán, chú trọng kiểm toán tổng hợp để đánh giá sâu và toàn diện hơn việc quản lý, điều hành của từng cấp, từng đơn vị cũng như tập trung đánh giá tính hiệu lực của cơ chế chính sách, do vậy chất lượng kiểm toán được nâng lên rõ rệt.

Cùng với việc triển khai KHKT năm 2022, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành văn bản hướng dẫn xây dựng KHKT trung hạn 2023-2025 và KHKT năm 2023, theo đó tăng số lượng các cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách, kiểm toán chuyên đề, hoạt động, môi trường, công nghệ thông tin (CNTT) theo Chiến lược phát triển đã đề ra; thực hiện kiểm toán theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).

Bên cạnh đó, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành và quyết liệt chỉ đạo toàn ngành triển khai nhiều giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực và hiệu quả kiểm toán. Trong quá trình thực hiện kiểm toán, thường xuyên chỉ đạo nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong thực thi nhiệm vụ và tăng cường các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán; chú trọng nâng cao chất lượng công tác khảo sát, thu thập thông tin lập kế hoạch cuộc kiểm toán.

Đặc biệt, để triển khai cuộc kiểm toán chuyên đề ”Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các chính sách hỗ trợ” đạt mục tiêu, đáp ứng yêu cầu của Quốc hội, KTNN đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện cuộc kiểm toán; tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, các học viện, nhà trường, viện nghiên cứu, các tổ chức, hội nghề nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học, lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch,... về mục tiêu, nội dung, phạm vi, giới hạn và phương thức tổ chức cuộc kiểm toán. Công tác khảo sát chất lượng kiểm toán và thanh tra công vụ được coi trọng nên đã góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán, phòng ngừa rủi ro kiểm toán, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm của cán bộ, công chức; đồng thời tiếp tục duy trì chấm điểm từng thành viên đoàn kiểm toán và chấm điểm các đoàn kiểm toán đạt chất lượng vàng để khen thưởng, bình xét thi đua cũng như đánh giá năng lực cán bộ khi xem xét bổ nhiệm, quy hoạch.

Đến 31/8/2022 đã xét duyệt 200 KHKT, triển khai 184/231 đoàn kiểm toán; kết thúc kiểm toán 140 cuộc, xét duyệt 202 Dự thảo BCKT; phát hành 162 BCKT. Các cuộc kiểm toán kết thúc đảm bảo đạt mục tiêu, tiến độ và phát hành BCKT đúng luật định; Kiểm toán viên chấp hành tốt Quy chế tổ chức và hoạt động đoàn KTNN, Quy tắc ứng xử của kiểm toán viên nhà nước.  

Đặc biệt, để từng bước chuyển đổi từ phương pháp kiểm toán truyền thống sang phương pháp kiểm toán hiện đại dựa trên dữ liệu số, hướng tới môi trường kiểm toán số bảo mật và tích hợp, KTNN đã tổ chức thí điểm kiểm toán từ xa đối với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam. Việc kiểm toán đã phần nào tiết kiệm thời gian, chi phí kiểm toán; giảm thiểu tác động của yếu tố bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh; góp phần tăng tính minh bạch trong hoạt động kiểm toán... Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam còn chậm, khoảng cách so với các nước trên thế giới; việc ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn khiêm tốn, thiếu tính hệ thống và đồng bộ; hoạt động kiểm toán trên môi trường số còn nhiều khó khăn, vướng mắc, cần từng bước triển khai phù hợp.

Công khai, cung cấp thông tin kết quả kiểm toán

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, thực hiện nhiệm vụ theo luật định, Tổng Kiểm toán nhà nước đã trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2020 tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV với nhiều phát hiện nổi bật, được Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm, đánh giá cao.

Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2021, Báo cáo kiểm toán chuyên đề “Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ” sau khi báo cáo Quốc hội đều đã được đăng tải kịp thời trên các phương tiện truyền thông, đồng thời KTNN còn tổ chức Họp báo để công bố công khai đối với các báo cáo này.

Ngoài ra, thực hiện quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, KTNN cũng đã ban hành Kế hoạch phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) của ngành và Kế hoạch của Tổng Kiểm toán nhà nước - Thành viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tổng Kiểm toán nhà nước đã kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo trước, trong quá trình kiểm toán, theo đó yêu cầu toàn ngành tăng cường các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành và trong hoạt động kiểm toán; đã lựa chọn ngẫu nhiên 34 trường hợp thuộc 06 đơn vị trong ngành để tiến hành thanh tra việc kê khai tài sản, thu nhập theo quy định; chuyển 08 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện ngay đang trong quá trình kiểm toán sang cơ quan điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, KTNN đã tích cực phối hợp, tham gia với các cơ quan có liên quan trong việc chỉ đạo rà soát để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tiêu cực. Đặc biệt, KTNN đã xây dựng xong “Đề án quy định về kiểm soát quyền lực để PCTN, TC trong hoạt động kiểm toán” để phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương xây dựng dự thảo Đề án và quy định của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán….

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội tiếp tục cập nhật nội dung phiên họp…

Thu Phương - Nghĩa Đức