THÀNH CÔNG CỦA HỘI NGHỊ ĐBQH CHUYÊN TRÁCH KHẲNG ĐỊNH QUYẾT TÂM ĐỔI MỚI, CHUYÊN NGHIỆP CỦA QUỐC HỘI

10/09/2022

Một trong những sự kiện tiêu điểm, thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới chuyên môn, cử tri đối với hoạt động của Quốc hội tuần qua là sự kiện Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ hai của Quốc hội khóa XV. Thành công của Hội nghị một lần nữa khẳng định quyết tâm đổi mới, hướng tới một Quốc hội hoạt động chuyên nghiệp.

Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ hai của Quốc hội khóa XV

Căn cứ Luật tổ chức Quốc hội, Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chương trình công tác năm 2022, nhằm chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận về một số dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xem xét và thông qua tại Kỳ họp thứ 4.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách không chỉ là một quy trình trong hoạt động lập pháp, mà còn là diễn đàn thể hiện rõ nhất quyền và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Việc tổ chức Hội nghị là cần thiết, thể hiện quyết tâm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm phát huy tối đa vai trò, trí tuệ, tính dân chủ của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng pháp luật; đồng thời, việc tổ chức Hội nghị cũng phù hợp với xu hướng đổi mới, hoạt động ngày càng chuyên nghiệp của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.

Trong hai ngày 7-8/9, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận về 6 dự án luật và 1 dự thảo Nghị quyết. Trong đó, có các dự án luật đã được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 và sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4 dự kiến tổ chức vào tháng 10/2022 tới đây, gồm: Luật Thanh tra (sửa đổi), Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Các đại biểu cũng tập trung thảo luận về 01 dự án luật, 01 dự thảo nghị quyết sẽ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4 theo quy trình một kỳ họp, gồm: Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) và Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị

Mặc dù đã được thảo luận, lấy ý kiến nhiều vòng trước đó, nhưng những nội dung được xem xét tại Hội nghị lần này, vẫn còn không ít vấn đề được đại biểu cho ý kiến sâu sắc, đầy tâm huyết,... Với tinh thần làm việc rất khẩn trương, sôi nổi, cho ý kiến về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) và Luật Thực hành dân chủ ở cơ sở, đã có 26 đại biểu Quốc hội phát biểu thảo luận về các vấn đề còn quan điểm khác nhau. Các ý kiến phát biểu của các đại biểu cơ bản tán thành với nội dung chính của Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý và hai dự thảo luật đã được chỉnh lý. Đồng thời, tham gia thêm nhiều ý kiến sâu sắc, cụ thể, trí tuệ, trách nhiệm cao, góp ý nhiều nội dung cụ thể, quan trọng với mong muốn tiếp tục hoàn thiện hai dự thảo luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Thảo luận về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) và dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đã có 26 ý kiến trao đổi của các đại biểu Quốc hội, tất cả ý kiến đăng ký đều được phát biểu. Sau hội nghị, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan, nghiên cứu kỹ lưỡng ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, để tiếp thu đầy đủ, giải trình thấu đáo, thuyết phục, để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội phát biểu thảo luận

Đối với nội dung thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đã có 18 đại biểu đăng ký và phát biểu. Qua thảo luận, các đại biểu đánh giá cao Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý cũng như nhiều nội dung của dự thảo Luật, đồng thời tham gia cụ thể nhiều vấn đề để Luật khi ban hành đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Các đại biểu đã tập trung làm rõ những quy định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư để thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám, chữa bệnh; minh bạch hóa cơ chế tài chính cho bệnh viện công; giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; các chính sách chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi…Thay mặt cơ quan soạn thảo dự án Luật, Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan đã tham gia giải trình thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Liên quan đến dự án Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bố sung một số điều Luật Tần số vô tuyến điện, tại hội nghị, các đại biểu đánh giá cao sự chủ động, tích cực của cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan trong việc nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp chuyên đề về pháp luật, ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 để chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật. Qua thảo luận, các đại biểu cũng đã cho nhiều ý kiến cụ thể về đối tượng phạm vi áp dụng, giải thích từ ngữ, tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật.

Về nội dung cụ thể, các đại biểu có ý kiến về quy định giới hạn tổng độ rộng băng tần thông tin di động của một doanh nghiệp được cấp phép sử dụng; về phương thức cấp phép; cấp lại giấy phép; đấu giá sử dụng băng tần để sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng an ninh, phát triển kinh tế. Trong đó, một số ý kiến lưu ý vấn đề cải cách thủ tục hành chính để đáp ứng yêu cầu, tránh cơ chế xin cho, bảo đảm chính sách đối với một số vùng, doanh nghiệp chính sách xã hội, việc phát triển mạng 5G; lưu ý độ an toàn phát sóng di động an toàn bức xạ điện tử.

Đối với nội dung sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng, phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế là vấn đề lớn còn có nhiều ý kiến khác nhau, cần thận trọng nghiên cứu đảm bảo các nguyên tắc bảo mật, cạnh tranh lành mạnh và đánh giá kỹ tác động. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu, báo cáo, xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội.

Phát biểu kết thúc Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, qua 2 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương trên cơ sở những nội dung yêu cầu quan trọng trong bài phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Hội nghị đã thảo luận về 6 dự án luật và 1 dự thảo Nghị quyết. Khẳng định Hội nghị đã thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo, cùng các cơ quan liên quan tiếp tục tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội. 

Đồng thời, tiếp tục lấy ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan để hoàn chỉnh dự thảo các luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để trình Quốc hội thảo luận, xem xét tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Ghi nhận ý kiến các vị đại biểu Quốc hội bên lề Hội nghị cho thấy, đa số ý kiến cho rằng, việc tổ chức Hội nghị là cần thiết, để có thêm các ý kiến đa dạng, nhiều chiều, giúp cơ quan hữu quan nhận diện thêm các vấn đề mới phát sinh, nắm bắt bao quát toàn diện, giải trình thấu đáo hơn, bảo đảm chất lượng cao nhất của các dự án. Theo đại biểu Lê Thanh Vân, không thuần túy là đại biểu Quốc hội chuyên trách tham gia hội  nghị mà có nhiều đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm tham gia hội  nghị, do đó tính chất Hội nghị đã thay đổi quy mô, nói cách khác đây thực chất là hội nghị đại biểu giữa hai kỳ họp cho thấy tính cấp thiết chuyển Quốc hội  sang hoạt động thường xuyên, chuyên nghiệp. 

Trực tiếp tham gia Hội nghị, đại biểu Phạm Văn Hòa đánh giá sự linh hoạt của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tổ chức Hội nghị. Đồng thời, nhấn mạnh hội nghị là diễn đàn để các đại biểu có cơ hội  trực tiếp tham gia vào khâu hoàn thiện, chỉnh lý dự thảo luật, tiếp tục đóng góp ý kiến để việc tiếp thu, giải trình trước Kỳ họp đạt chất lượng và sự đồng thuận cao.

Kỳ họp thường kỳ thứ 4 sắp tới của Quốc hội có nhiều nhiệm vụ lập pháp quan trọng. Các dự án, dự thảo dự kiến trình Quốc hội thông qua đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan chỉ đạo tổ chức thảo luận, lấy ý kiến qua nhiều vòng, tại nhiều hội nghị, hội thảo, tham vấn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến kỹ lưỡng về những vấn đề lớn, quan trọng và các vấn đề còn có ý kiến khác nhau tại Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ ngày 15-18/8/2022 để có thêm ý kiến đa dạng, nhiều chiều giúp cơ quan hữu quan nhận diện thêm các vấn đề mới phát sinh, nắm bắt bao quát toàn diện, giải trình thấu đáo hơn, bảo đảm chất lượng cao nhất của các dự án, dự thảo trình Quốc hội. Cùng với những ý kiến phát biểu tâm huyết, sâu sắc tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách tiếp tục góp phần vào việc xem xét thông qua của Quốc hội đạt tỷ lệ tán thành, đồng thuận cao, đảm bảo chất lượng tốt nhất, đồng thời có thể rút ngắn được thời gian của kỳ họp.

Trước đó, quán triệt Nghị quyết của Đảng toàn quốc lần thứ 13 và chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phát huy mạnh mẽ vai trò, vị thế của Quốc hội trong việc tạo lập khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động của đất nước, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội khóa XV đã tổ chức thành công 4 kỳ họp, gồm 3 kỳ họp thường kỳ và 1 kỳ họp bất thường; ban hành 8 luật, cho ý kiến lần đầu 6 dự án luật khác; ban hành 62 nghị quyết với sự thống nhất, đồng thuận cao. Đây là kết quả của quá trình phối hợp chuẩn bị kỹ lưỡng từ sớm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan; kết hợp với việc phát huy dân chủ, tranh thủ tối đa trí tuệ đóng góp của cử tri và Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, các bậc lão thành cách mạng, các chuyên gia, các nhà khoa học, trong đó có sự đóng góp quan trọng và tích cực, trách nhiệm, tâm huyết, hiệu quả của các vị đại biểu Quốc hội nói chung và đại biểu Quốc hội chuyên trách nói riêng./.

Lê Anh

Các bài viết khác