Toàn cảnh buổi làm việc về “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021” .
Theo báo cáo tóm tắt kết quả giám sát chuyên đề “ Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021”, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công, Tổ trưởng Tổ giúp việc Đoàn giám sát cho biết, việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, nhất là khi Trung ương ban hành Quy định số 11-QĐ/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân đã được các cấp, các ngành triển khai đồng bộ, có hiệu quả, chất lượng công tác tiếp công dân ngày càng chuyển biến rõ rệt; hệ thống tiếp công dân từ Trung ương đến địa phương được kiện toàn đồng bộ, vận hành hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu làm cầu nối giữa người dân với Đảng và Nhà nước, góp phần ổn định tình hình chung và sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công, Tổ trưởng Tổ giúp việc Đoàn giám sát nêu rõ, việc thực hiện trách nhiệm tiếp công dân định kỳ, đột xuất của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp đã có những chuyển biến tích cực, đã quan tâm thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân hơn so với trước đây. Việc bố trí công chức làm công tác tiếp công dân cơ bản đã đảm bảo cử người có năng lực, trình độ chuyên môn về pháp luật và có trách nhiệm để đảm đương nhiệm vụ; công tác phối hợp giữa các cơ quan, nhất là giữa cơ quan hành chính, cơ quan dân cử, cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và sự tham gia của các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp như Hội luật gia, Đoàn luật sư đã được coi trọng, nhất là đối với các địa phương có thành lập Hội đồng tư vấn giải quyết khiếu nại đã phát huy vai trò của các cơ quan trong hệ thống chính trị, góp phần nâng cao hiệu quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và nâng cao hiểu biết pháp luật của người dân.
Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công, Tổ trưởng Tổ giúp việc Đoàn giám sát báo cáo.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Đoàn giám sát cũng chỉ ra một số hạn chế như việc tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu các cấp vẫn chưa được quan tâm đúng mức và thực hiện đầy đủ theo quy định của luật. Việc thực hiện tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp chưa đảm bảo so với quy định của luật. Tình trạng bố trí cán bộ làm công tác tiếp dân chưa phù hợp, cá biệt có địa phương bố trí cán bộ kém năng lực, hợp lý hóa gia đình, sắp nghỉ chế độ…, bố trí cán bộ nghỉ hưu làm theo hợp đồng để tiếp công dân.
Bên cạnh đó, việc quy định tiếp công dân thường xuyên của một số cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập chưa phù hợp với thực tiễn do đặc điểm, tính chất quản lý nhà nước của mỗi cơ quan có sự khác nhau nên có nhiều cơ quan số lượng công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc lĩnh vực phụ trách không nhiều nên cần sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn, tránh hình thức và tính đảm bảo khả thi trong thực tiễn.
Thảo luận tại cuộc họp, nhiều đại biểu cho rằng cần tiếp tục nâng cao trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, nhất là đối với trách nhiệm tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu cơ quan, đơn vị đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. Cùng với đó, cần phối hợp trong công tác tiếp công dân giữa cơ quan Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân với các cơ quan hành chính các cấp chưa được thường xuyên, hiệu quả chưa cao.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, để nâng cao việc thực hiện pháp luật tiếp công dân, cần nêu cao trách nhiệm tiếp công dân của một số cán bộ, công chức, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, còn có biểu hiện đùn đẩy, né tránh, ngại giao tiếp.
Nguyên Phó trưởng Ban Dân nguyện Đỗ Văn Đương phát biểu ý kiến.
Phát biểu tại cuộc họp, nguyên Phó trưởng ban Ban Dân nguyện Đỗ Văn Đương tán thành nội dung trong báo cáo, đại biểu cho rằng, một số nội dung quy định chưa bảo đảm tính khả thi, chưa phù hợp với thực tiễn, như việc quy định trách nhiệm tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân đối với một số cơ quan được quy định tại Điều 11, 12 và 13 Luật tiếp công dân ; việc quy định chung người đứng đầu cơ quan nhà nước có trách nhiệm tiếp công dân định kỳ; việc quy định phân công công chức cấp xã có chức danh Văn phòng - Thống kể giúp Chủ tịch UBND cấp xã tổ chức tiếp công dân không phù hợp với chức danh đào tạo, quản lý và không phù hợp so với việc giao cho công chức cấp xã có chức danh tư pháp – hộ tịch như quy định. Nguyên Phó trưởng ban Ban Dân nguyện Đỗ Văn Đương đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải bảo đảm 100% tiếp dân định kỳ của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp theo quy định.
Trên cơ sở những tồn tại, hạn chế chỉ ra, Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ ngành và UBND các tỉnh, thành phố, tiếp tục nâng cao trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, nhất là đối với trách nhiệm tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu cơ quan, đơn vị đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật; quan tâm hơn nữa và có chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo./.