Phó Chủ nhiệm Ủy ban Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bạc Liêu.
Theo báo cáo, trong giai đoạn từ năm 2016 - 2021, Bạc Liêu đã đầu tư các nguồn lực ứng phó BĐKH với số tiền hơn 3.111 tỷ đồng. Nhiều công trình, dự án sau khi đưa vào sử dụng, giảm thiểu tác động bất lợi của BĐKH, đảm bảo đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân. Như Dự án gia cố chống xói lở bờ biển xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu; Dự án gia cố chống xói lở bờ biển phía Bắc kè Gành Hào, thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải; Dự án xây dựng hệ thống công trình ngăn triều, chống ngập cho TP. Bạc Liêu và vùng lân cận; Dự án gây bồi tạo bãi và trồng cây chống xói lở khu vực biển Nhà Mát; Dự án chống xói lở gây bồi, trồng rừng ngập mặn chống xói lở, bảo vệ đê biển Gành Hào; Dự án gây bồi tạo bãi, khôi phục rừng phòng hộ ven biển tỉnh Bạc Liêu…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Tấn Cận cho biết, khó khăn trong tổ chức thực hiện quy định pháp luật về ứng phó với BĐKH trên địa bàn là tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về lĩnh vực BĐKH, cơ chế điều phối liên ngành mới chỉ được thành lập ở Trung ương và cấp tỉnh. Đội ngũ công chức làm công tác quản lý nhà nước về ứng phó với BĐKH ở cấp huyện chưa đáp ứng được yêu cầu. Lĩnh vực BĐKH còn khá mới, người dân ít được tiếp cận, thiếu thông tin nên việc thực hiện chính sách, pháp luật về ứng phó với BĐKH còn nhiều hạn chế. Việc lồng ghép các vấn đề BĐKH vào chương trình và kế hoạch của từng ngành cũng còn hạn chế. Năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với BĐKH được nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn; phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, tránh lụt bão và tìm kiếm cứu nạn còn thiếu…
Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sớm đồng bộ hệ thống pháp luật để huy động được đầy đủ sự tham gia của người dân; sớm ban hành Quy chế phối hợp liên vùng, ngành và lĩnh vực để ứng phó với BĐKH. Hỗ trợ nguồn lực cho tỉnh thực hiện các dự án thích ứng với BĐKH, góp phần hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; hỗ trợ kinh phí thực hiện các dự án cấp bách chống sạt lở bờ sông, bờ biển, nâng cấp đê biển Đông, các dự án kết cấu hạ tầng phục vụ nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh.
Đoàn công tác của Ủy ban Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường khảo sát cống Nhà Mát (Tp.Bạc Liêu).
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh đánh giá cao các giải pháp mà tỉnh triển khai thực hiện thích ứng với BĐKH, đồng thời chỉ ra những hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Đó là nhiều dự án không hoàn thành đúng tiến độ, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân. Bạc Liêu là tỉnh chịu nhiều ảnh hưởng của BĐKH, vì vậy cần chủ động triển khai các giải pháp thích ứng BĐKH. Trong đó, truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng về tác động của BĐKH và phòng chống, ứng phó với thiên tai phải được quan tâm ưu tiên hàng đầu. Tỉnh cần có các hoạch định mang tính dài hơi về công tác BĐKH; cũng như cần rà soát lại các chương trình, đảm bảo việc lồng ghép nội dung BĐKH vào chiến lược, quy hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững. Các giải pháp ứng phó với BĐKH cần được xây dựng trên cơ sở mức độ ảnh hưởng của BĐKH, xem xét diễn biến các yếu tố trong kịch bản BĐKH đã được công bố và phải tính toán chi phí, lợi ích của các giải pháp đối với từng ngành, lĩnh vực, bảo đảm tính hiệu quả.