Các đại biểu tham gia biểu quyết tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất
Tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hánh án dân sự theo quy trình rút gọn. Trong đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự có ý nghĩa quan trọng trong việc thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Luật Thi hành án dân sự được ban hành năm 2008, đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động thi hành án dân sự, đưa kết quả thi hành án dân sự đạt và vượt chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, so với yêu cầu, kết quả thi hành án dân sự vẫn còn hạn chế, trong đó tỷ lệ tiền, tài sản thu được trên tổng số có điều kiện thi hành vẫn còn thấp, chỉ đạt từ 33 - 43% trên tổng số có điều kiện thi hành, nhất là ở việc thu hồi tài sản tham nhũng, bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế và các khoản thu cho tổ chức tín dụng. Theo thống kê, hai nhóm việc này chỉ chiếm khoảng 4 - 5% lượng việc, nhưng chiếm trên 85% lượng tiền phải thi hành. Kết quả thi hành án của hai nhóm vụ việc này còn thấp, dưới 30% số có điều kiện.
Tình trạng trên xuất phát từ đặc thù của việc thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế và vụ việc thi hành án về tín dụng ngân hàng thường gắn với việc phải xử lý rất nhiều tài sản, tài sản phải xử lý thi hành án nằm ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau trên địa bàn cả nước; số lượng tài sản kê biên, phong tỏa, bảo đảm thi hành án chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với nghĩa vụ mà người phải thi hành án phải thực hiện. Trong khi đó, cơ quan thi hành án dân sự không được quyền xử lý đồng thời tài sản đã được tuyên trong bản án, quyết định và cũng không thể ủy thác cho cơ quan thi hành án nơi có tài sản xử lý mà phải thực hiện theo thứ tự. Điều này khiến cho kéo dài quá trình tổ chức thi hành án, chậm thu hồi tiền, tài sản; nhiều trường hợp mất mát, hư hỏng; đương sự tẩu tán tài sản…
Toàn cảnh Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV
Trước đòi hỏi của thực tiễn về tháo gỡ khó khăn trong công tác thi hành án dân sự trong trường hợp người phải thi hành án có tài sản ở nhiều nơi; góp phần thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội đã xem xét thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hánh án dân sự.
Quan tâm đến vấn đề chứng minh và thu hồi tài sản bị tham nhũng, nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, công tác này còn đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, quá trình điều tra, truy tố và xét xử các vụ án về tội phạm tham nhũng trong thực tiễn cho thấy các cơ quan tiến hành tố tụng thường gặp nhiều khó khăn trong việc chứng minh tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội do tội phạm tham nhũng được xếp vào nhóm tội phạm có “xu hướng ẩn” cao. Tính “ẩn” của loại tội phạm này có được xuất phát từ chủ thể có hành vi tham nhũng là chủ thể đặc biệt, cụ thể là những người có chức vụ, quyền hạn, các đối tượng phạm tội cũng thường là những người có trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, am hiểu về pháp luật và có nhiều mối quan hệ xã hội sâu rộng có khả năng “che chắn”, “bảo vệ” cho hành vi sai phạm. Trước khi thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng thường chuẩn bị rất “chu đáo” và sau khi thực hiện xong thì chúng tìm mọi cách để tiêu hủy tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi sai phạm. Do vậy, việc phát hiện, điều tra, truy tố và xét xử đối với hành vi tham nhũng trên thực tế gặp rất nhiều khó khăn.
Chia sẻ về những khó khăn trong công tác này, ThS.Lại Sơn Tùng, Học viện Cảnh sát Nhân dân cùng một số chuyên gia cho biết, việc xác định và chứng minh mục đích vụ lợi của các đối tượng phạm tội tham nhũng trong nhiều trường hợp rất khó xác định bởi thói quen dùng tiền mặt ở Việt Nam vẫn còn hết sức phổ biến, trong khi các hành vi sai phạm thường diễn ra theo một chu trình khép kín, chỉ người đưa và người nhận biết mà không qua các giao dịch, chuyển khoản. Mặt khác, thực tiễn quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng cho thấy, đối tượng phạm tội tham nhũng thường hoạt động có tổ chức trong đó có sự liên kết, bao che, phân công nhiệm vụ cụ thể giữa các thành viên trong quá trình thực hiện hành vi sai phạm, đồng thời có sự thống nhất về mặt lợi ích từ chủ tài khoản (người đứng đầu mỗi đơn vị) đến kế toán trưởng, thủ quỹ… Do vậy, nếu công tác thanh tra, kiểm tra diễn ra một cách hời hợt, cán bộ thanh tra hạn chế về trình độ chuyên môn thì rất khó khăn trong việc phát hiện và buộc các đối tượng phạm tội thừa nhận hành vi vụ lợi của mình.
Cùng quan điểm, ThS. Âu Thị Tâm Minh, Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, việc tiến hành giao dịch tiền mặt phổ biến không chỉgây khó khăn cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập của cá nhân, tổ chức mà còn gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc áp dụng biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế, các đối tượng phạm tội dễ dàng thực hiện việc rửa tiền, tẩu tán tài sản, dẫn đến khó khăn trong thu hồi tài sản tham nhũng. Việc xác định tổng giá trị tài sản bị thiệt hại do hành vi tham nhũng gây ra trong nhiều trường hợp rất khó khăn vì có những khoản tiền, tài sản không tách bạch được và những khoản tiền, tài sản có được do tham nhũng nhưng đã được thay đổi, tách biệt khỏi hành vi phạm tội. Vì thế, khi tòa án xét xử, quyết định về mức bồi thường thiệt hại thường thấp hơn nhiều so với tổng số thiệt hại mà các đối tượng phạm tội gây ra. Nhiều vụ án có số lượng tài sản thất thoát rất lớn, nhưng số lượng thu hồi không đáng kể.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng nêu rõ, việc thu thập chứng cứ trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử các vụ án tham nhũng gặp nhiều khó khăn, phức tạp, nhất là trong việc xác định tài sản có nguồn gốc tham nhũng bởi các hành vi tham nhũng thường diễn ra sau nhiều tháng, nhiều năm, thậm chí trong một khoảng thời gian dài mới bị phát hiện. Quá trình điều tra, truy tố, xét xử án tham nhũng thường mất rất nhiều thời gian, bị cắt khúc do nhiều cơ quan có chức năng khác nhau thực hiện dẫn tới việc các cơ quan có thẩm quyền không kịp thời áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để thu giữ, kê biên tài sản của các đối tượng phạm tội theo đúng quy định của pháp luật. Khó khăn này phần nào xuất phát từ việc kiểm soát kê khai minh bạch hóa tài sản của cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan có thẩm quyền chưa được tiến hành một cách quyết liệt, triệt để; thậm chí có đơn vị, địa phương chỉ tiến hành công việc này manh tính chất hình thức. Chính vì vậy đã tạo ra những “kẽ hở” cho các đối tượng phạm tội lợi dụng để dễ dàng tẩu tán tài sản tham nhũng dưới nhiều hình thức khác nhau như đầu tư mua cổ phiếu, bất động sản nhưng nhờ người khác đứng tên, chuyển dịch tài sản cho người khác… thậm chí chuyển tiền ra nước ngoài. Chính những kẽ hở này đã khiến công tác thu hồi tài sản tham nhũng gặp nhiều khó khăn, đặt ra nhiều vấn đề cần suy xét một cách toàn diện để giải quyết vấn đề quan trọng này.