Chính phủ trình UBTVQH danh mục, mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
Trình UBTVQH xem xét việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 từ nguồn vốn còn lại chưa phân bổ
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí ban hành Nghị quyết về giao vốn cho các dự án thuộc Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội
Phiên họp bất thường tháng 8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Điều hành phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ đã có tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho ý kiến đối với danh mục các dự án đầu tư thuộc Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và đề xuất điều hòa vốn đầu tư công trung hạn 5 năm với nguồn vốn trong gói kích thích kinh tế theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội. Đồng thời, có tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với các khoản vốn còn lại trong kế hoạch đầu tư công trung hạn chưa phân bổ hết theo quy định Nghị quyết 29/2021/QH15 của Quốc hội khóa XV giao thẩm quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về số vốn còn lại chưa phân bổ trước khi Chính phủ và Thủ tướng có quyết định phân bổ chính thức.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau hiện nay tiến độ giao vốn để giải ngân đầu tư công còn đang rất chậm, đặc biệt về gói chính sách tài khóa, tiền tệ, gói đầu tư công mà Quốc hội đã quyết định tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất của Quốc hội từ tháng 1/202. Theo Nghị quyết 43/2022/QH15 đến nay đã 8 tháng rồi Chính phủ mới hoàn tất được danh mục này để trình với Quốc hội.
Với tinh thần khẩn trương, tích cực và nhanh nhất có thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chỉ đạo Ủy ban Tài chính-Ngân sách phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội để tổ chức công tác rà soát, thẩm tra. Đến nay hồ sơ các tờ trình đã đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Qua đó, tạo điều kiện cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao vốn cho các bộ, ngành, địa phương với nguyên tắc dự án nào đủ điều kiện là giao ngay, dự án nào chưa đủ điều kiện thì đôn đốc triển khai thực hiện.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên họp
Chủ tịch Quốc hội cho biết, mục tiêu của Nghị quyết 43/2022/QH15 là đưa ra một gói hỗ trợ cho phục hồi và phát triển cả kinh tế và cả xã hội, nhằm tác động vào tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế, bằng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ cho nhiều lĩnh vực kinh tế và xã hội, lĩnh vực giao thông, thủy lợi, y tế, lao động, an sinh xã hội, thậm chí cả hạ tầng về chuyển đổi số, v.v... Chủ tịch Quốc hội ghi nhận mặc dù từ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết đến nay, các cơ quan đã triển khai rất tích cực, quyết liệt nhưng do đầu tư công là lĩnh vực khó, thủ tục chuẩn bị đầu tư qua nhiều giai đoạn và việc phải đảm bảo được các nguyên tắc của các nghị quyết càng khó hơn. Nhiệm vụ Nghị quyết 43 đề ra là giải ngân trong năm 2022, 2023 và đặc biệt vốn điều hòa cho năm 2022 chỉ còn lại 5 tháng nữa để giải ngân và thanh toán. Mặc dù chậm nhưng nếu không giao thì không giải ngân được đồng nào. Đây là nội dung cần xem xét để nêu trong dự thảo Nghị quyết và Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đôn đốc thực hiện nhanh, kể cả gói hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế và vốn điều hòa đảm bảo khả thi.
Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến danh mục dự án và mức vốn thực hiện Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó có 94 nhiệm vụ, dự án đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định, đủ điều kiện giao kế hoạch vốn. Có 169 dự án chưa đủ thủ tục đầu tư, đang hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định,, Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến sau khi các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giao vốn, làm cơ sở Thủ tướng Chính phủ quyết định phân bổ vốn.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp
Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, sau hơn 8 tháng từ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 43, Chính phủ ban hành Nghị quyết 11, đến nay đã được 1/3 chặng đường mới trình các danh mục dự án và số bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 ngân sách trung ương chưa bố trí hết. Mặc dù bày tỏ lo ngại việc chậm phân bổ vốn thì tác dụng của chính sách với mục tiêu tăng 1% GDP sẽ khó đạt được nhưng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế vẫn cho rằng phải quyết tâm càng nhanh càng tốt để số tiền này sớm đi vào thực tế để hỗ trợ cho phục hồi, phát triển kinh tế. Đồng thời lưu ý phải bám sát các nguyên tắc, tiêu chí để phân bổ. Theo đó bố trí vốn cho các công trình dự án đủ thủ tục và công khai, minh bạch, công bằng, hài hòa giữa các vùng miền, các địa phương và các lĩnh vực. Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị quan tâm đến nguyên tắc về khả năng giải ngân và hấp thụ vốn.
Có cùng nội dung quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh các dự án, nhiệm vụ phân bổ theo chương trình phục hồi, phát triển kinh tế phải bảo đảm có thể giải ngân được và hoàn thành trong hai năm 2022 - 2023, bởi vì vốn chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội tập trung thực hiện triển khai trong hai năm này.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp
Liên quan đến nguồn vốn còn dư của lĩnh vực y tế, an sinh xã hội, lao động, việc làm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng nên để tập trung cho lĩnh vực y tế khi các dự án nhiệm vụ đủ điều kiện đầu tư, quyết định đầu tư. Đề nghị các cơ quan cố gắng sớm hoàn thành các thủ tục để phân bổ vốn, không nên điều chỉnh vốn này sang các lĩnh vực khác. Đồng thời đề nghị rút kinh nghiệm trong quá trình chuẩn bị đầu tư các dự án thuộc chương trình đầu tư công. Khi dự kiến ban đầu theo một tổng mức hoặc nguồn vốn khác nhau đến khi triển khai thực hiện có phát sinh những vấn đề, địa phương lại đề nghị và ảnh hưởng đến việc cân đối vốn của ngân sách Trung ương hỗ trợ địa phương. Hiện nay, quá trình triển khai, địa phương rất khó có thể đáp ứng được mức vốn đối ứng mà Trung ương đề nghị sau khi đã cân đối vốn, dẫn đến lại phải điều chỉnh và bổ sung tiếp. Do đó cần rút kinh nghiệm để có quá trình chuẩn bị đầy đủ, chu đáo hơn.
Về việc chậm trễ trình danh mục dự án, nhiệm vụ để giao vốn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan đòi hỏi việc chuẩn bị các dự án đầu tư phải có thời gian, Chính phủ phải đảm bảo chặt chẽ và có độ trễ nhất định. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, cần rà soát khẩn trương và đồng ý với những nội dung đảm bảo đúng Nghị quyết 43/2022/QH15 để khẩn trương tiến hành. Đối với những nội dung chưa rõ, chưa đúng, đề nghị rà soát và tiếp tục báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẵn sàng họp bất cứ lúc nào, tạo điều kiện tốt nhất cho Chính phủ triển khai thực hiện, song cũng lưu ý Chính phủ không nên trình tản mạn, phân tán mà cần tập trung giải quyết dứt điểm để trình trong 1-2 đợt nữa để phân bổ hết.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên họp
Liên quan đến việc điều chuyển vốn, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, không nên chuyển từ lĩnh vực này sang khác vì nó sẽ thay đổi cơ cấu. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu ngành y tế, ngành lao động, thương binh, xã hội khẩn trương báo cáo bổ sung thủ tục. Đối với các dự án của ngành giao thông khả năng hoàn thành vốn ngành giao thông rất khó, dự phòng còn nhiều, cho nên điều chỉnh nó hợp lý, không lấy vốn từ lĩnh vực y tế, lao động./.