Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) - (Luật PCRT) được bố cục gồm 4 Chương, 54 Điều, trong đó, bổ sung mới: 09 Điều; sửa đổi: 43 Điều và hủy bỏ: 07 Điều; giữ nguyên quy định của Luật PCRT 2012: 02 Điều, quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong PCRT; hợp tác quốc tế trong PCRT. Bên cạnh đó, Dự thảo Luật PCRT (sửa đổi) cũng quy định việc PCRT nhằm tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt được thực hiện theo quy định của Luật này, quy định của pháp luật hình sự và pháp luật về phòng, chống khủng bố, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Dự thảo Luật kế thừa quy định về đối tượng báo cáo PCRT tại Luật PCRT, bao gồm tổ chức tài chính và tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan. Bên cạnh đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số nội dung về đối tượng báo cáo, cụ thể: Sửa đổi, bổ sung tên gọi của một số hoạt động của đối tượng báo cáo (các hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kinh doanh trò chơi có thưởng ….), phù hợp với nội hàm khái niệm của FATF và phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, không thu hẹp đối tượng báo cáo so với quy định tại Luật PCRT năm 2012.
Dự thảo Luật cũng đã luật hóa quy định tại Nghị định 87/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2013/NĐ-CP, theo đó, bổ sung đối tượng báo cáo là các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Trong quá trình xây dựng Luật, để đáp ứng khuyến nghị của FATF và đánh giá của APG tại Báo cáo đánh giá đa phương, đồng thời từ thực tiễn nhu cầu quản lý nhà nước về PCRT, cơ quan chủ trì soạn có đề xuất bổ sung đối tượng báo cáo mới nhưng chưa có khung pháp lý điều chỉnh là: tổ chức cung cấp dịch vụ tài sản ảo, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian kết nối người đi vay và cho vay dựa trên nền tảng công nghệ. Tuy nhiên, sau khi tổng hợp ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đánh giá tính khả thi, đồng thời để đảm bảo quy định tại Luật có tính, bao quát được các hoạt động phát sinh trong tương lai, dự thảo Luật được điều chỉnh lại theo hướng giao Chính phủ quy định các hoạt động mới phát sinh có tiềm ẩn rủi ro về rửa tiền. Đồng thời, tại dự thảo Luật cũng đã bổ sung quy định việc đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền được thực hiện đối với cả các hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền. Quy định này cũng đáp ứng một phần khuyến nghị số 15 của FATF và đánh giá của APG tại báo cáo đánh giá đa phương.
Bình luận về nội dung sửa đổi này, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, việc mở rộng phạm vi của đối tượng báo cáo nói riêng và việc sửa đổi, bổ sung Luật PCRT khẳng định nỗ lực của Việt Nam trong việc tuân thủ các chuẩn mực quốc tế về PCRT.
Theo TS.Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các nội dung sửa đổi, bổ sung mới của dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) căn cứ trên những nội dung sửa đổi trong các khuyến nghị của FATF với các bản cập nhật gần nhất. Đối với các đối tượng báo cáo mới nhưng chưa có khung pháp lý điều chỉnh thì dự thảo dự kiến điều chỉnh theo hướng giao Chính phủ quy định các hoạt động mới phát sinh có tiềm ẩn rủi ro về rửa tiền để đảm bảo quy định sẽ luôn bao quát được các hoạt động tiềm ẩn rủi ro có thể phát sinh trong tương lai. Bố cục Luật và các nội dung là khá rõ và cụ thể, trách nhiệm của các bộ, ngành trong công tác phòng, chống rửa tiền cũng đã được đưa vào với cơ chế phối hợp mạch lạc, rõ ràng hơn; quy trình kiểm soát, thực hiện báo cáo về phòng, chống rửa tiền của các tổ chức, đơn vị liên quan cũng được quy định khá rõ ràng chi tiết.
TS.Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực cũng nhấn mạnh, đối với dự thảo Luật hiện nay, nên xem xét, cân nhắc bổ sung các đối tượng báo cáo của Luật là các Công ty viễn thông đang cung cấp dịch vụ Mobile Money (TD, Viettel money), Dịch vụ chuyển tiền bưu chính, Dịch vụ chuyển tiền qua các công ty chuyển tiền quốc tế (VD Western Union), các công ty được cấp phép cung cấp dịch vụ tài sản ảo, kinh doanh tài chính - tiền tệ trên nền tảng số (TD, Fintech, Insurtech, Proptech…v.v.).
Về nội dung này, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, báo cáo về phòng chống rửa tiền là một trong những nghĩa vụ quan trọng của các tổ chức tín dụng (TCTD). Trong quá trình thực hiện các trách nhiệm báo cáo, triển khai các yêu cầu và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước cho các loại báo cáo: giao dịch đáng ngờ, giao dịch giá trị lớn, giao dịch chuyển tiền điện tử, các TCTD phản ánh gặp một số khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai; chưa phù hợp với thực tiễn và chuẩn mực quốc tế mới về PCRT gây khó khăn cho công tác phòng, chống rửa tiền, cần được nghiên cứu, sửa đổi tại Luật PCRT (sửa đổi), cụ thể:
Về báo cáo giao dịch đáng ngờ: Khoản 2 Điều 30 dự thảo Luật PCRT quy định “Đối với báo cáo giao dịch đáng ngờ, đối tượng báo cáo phải báo cáo trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh giao dịch” là tương đối ngắn, các TCTD gặp khó trong việc đảm bảo tuân thủ thời gian báo cáo, vì giao dịch đáng ngờ nhiều trường hợp sẽ bao gồm những chuỗi giao dịch, liên quan đến nhiều khách hàng, nhiều bên liên quan đến giao dịch khác nhau dẫn đến quá trình thu thập thông tin nhằm đánh giá, báo cáo giao dịch đáng ngờ là rất phức tạp, cần rất nhiều thời gian.
Để thời hạn báo cáo phù hợp với mục tiêu báo cáo và thông lệ khu vực, các tổ chức báo cáo có đủ thời gian phân tích, đánh giá các dấu hiệu đáng ngờ, qua đó nâng cao chất lượng báo cáo, đề nghị điều chỉnh thời hạn báo cáo từ 03 ngày đến 05 ngày làm việc kể từ thời điểm phát sinh hoặc phát hiện giao dịch đáng ngờ.
Về các dấu hiệu đáng ngờ: Điều 26 dự thảo Luật PCRT quy định các dấu hiệu đáng ngờ phần lớn vẫn là những dấu hiệu định tính, chưa thật sự rõ ràng và rất khó để xác định dấu hiệu đáng ngờ, ví dụ dấu hiệu: “tỷ lệ chiết khấu với giá trị cao so với bình thường”; “Khách hàng thuyết phục đối tượng báo cáo không báo cáo giao dịch cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền”; “Khách hàng thường xuyên đổi tiền có mệnh giá nhỏ sang mệnh giá lớn”, “Thông tin về nguồn gốc tài sản bảo đảm của khách hàng xin vay vốn không rõ ràng, minh bạch”… Đề nghị rà soát nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung (nếu có) thêm cho các đối tượng báo cáo những dấu hiệu đáng ngờ phù hợp với tình hình.
Về báo cáo giao dịch giá trị lớn, giao dịch chuyển tiền điện tử: Theo Luật PCRT, phạm vi các loại giao dịch phải báo cáo rất rộng và đang yêu cầu TCTD báo cáo các giao dịch có rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố rất nhỏ và không đáng kể như giao dịch giải ngân, giao dịch trả lương qua tài khoản,…. Phạm vi báo cáo rộng nên các TCTD gặp khó trong việc xác định các loại giao dịch phải báo cáo, thu thập đầy đủ các thông tin theo yêu cầu. Vì vậy, đề nghị điều chỉnh khái niệm “giao dịch chuyển tiền điện tử” và thuật ngữ “phương tiện điện tử” tại Khoản 9 Điều 4 của dự thảo Luật. Phạm vi các loại giao dịch phải báo cáo cũng nên được quy định, rõ ràng hơn. Đồng thời, không đưa các giao dịch liên quan đến giải ngân cho khách hàng vào diện giao dịch có giá trị lớn, giao dịch chuyển tiền điện tử, giao dịch đáng ngờ phải báo cáo do trước khi giải ngân cho khách hàng, các TCTD đã thẩm định kỹ các nội dung về mục đích sử dụng vốn, điều kiện vay vốn, năng lực tài chính, tính pháp lý và lịch sử tín dụng của khách hàng… nên nguồn tiền của các giao dịch này từ các TCTD là nguồn tiền hợp pháp, có nguồn gốc rõ ràng.
Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Tuấn Anh
Theo Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Tuấn Anh, Điều 26 Dự thảo quy định đối tượng báo cáo phải thực hiện báo cáo khi nghi ngờ hoặc có căn cứ nghi ngờ tài sản trong giao dịch có nguồn gốc do phạm tội mà có. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành không bắt buộc các đối tượng báo cáo phải thu thập thông tin về nguồn gốc tài sản trong giao dịch với tất cả các giao dịch của khách hàng thực hiện tại tổ chức tài chính. Quy định như vậy có thể dẫn đến cách hiểu là đối tượng báo cáo phải thực hiện xác minh nguồn gốc tài sản (để xác định xem có phải từ nguồn phạm tội không). Khi đó, các đối tượng sẽ gặp khó khăn trong việc tuân thủ quy định này. Tiêu chí xác định/ căn cứ nghi ngờ tài sản trong giao dịch có nguồn gốc từ tội phạm trong Dự thảo là chưa rõ ràng.
Ngoài ra, Điều 29 Dự thảo quy định doanh nghiệp được lựa chọn một trong hai hình thức ( điện tử thông qua hệ thống thông tin; văn bản). Trong trường hợp cần thiết, doanh nghiệp có thể lựa chọn fax, điện thoại, thư điện tử, nhưng phải có xác nhận lại bằng một trong hai hình thức trên. Hiện nay, hệ thống thông tin đang được sử dụng là STRClient. Khi thực hiện gửi báo cáo qua STRClient, doanh nghiệp được yêu cầu gửi lại báo cáo và các chứng từ hỗ trợ cho báo cáo qua đường thư điện tử do sự hạn chế của hệ thống STRClient. Nếu quy định như Dự thảo, vô hình trung, doanh nghiệp sẽ phải một lần nữa thực hiện gửi các tài liệu (báo cáo, các chứng từ hỗ trợ) qua đường văn bản (do hệ thống điện tử không được xác định là thành công). Việc này sẽ gây ra nhiều trở ngại cho ngân hàng và cơ quan nhà nước trong việc in ấn, lưu trữ chứng từ.
Cũng theo Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Tuấn Anh, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Ngân hàng Nhà nước hoặc các Bộ quản lý chuyên ngành) nên cân nhắc ban hành Bản mẫu về Quy định nội bộ liên quan đến phòng, chống rửa tiền, đặc biệt cho các tổ chức phi tài chính liên quan. Bản mẫu này không có giá trị áp dụng bắt buộc, nhưng là cơ sở tham khảo hữu ích cho các doanh nghiệp này tham khảo để tự xây dựng. Đồng thời, cần làm rõ các tiêu chí xác định thế nào được coi là “tài sản có nguồn gốc từ tội phạm”. Căn cứ vào đó, các đối tượng báo cáo mới có thể có những căn cứ hợp lý để nghi ngờ các hoạt động này.
Ngoài ra, cũng cần sửa đổi quy định áp dụng quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền theo hướng đối tượng báo cáo có trách nhiệm yêu cầu đại lý thực hiện quy định nội bộ do mình ban hành, thông qua cơ chế hợp đồng; bổ sung quy định cho phép các đối tượng báo cáo được lưu trữ các hồ sơ, tài liệu theo phương thức điện tử./.