Vừa qua, tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Dự án Luật sẽ tiếp tục được chỉnh lý, bổ sung để hoàn thiện trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4 tới đây. Quan tâm đến dự án Luật này, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu bày tỏđồng tình với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến, đề nghị về các vấn đề cụ thể như: bổ sung hành vi bạo lực gia đình áp dụng với vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay như hành vi lợi dụng phong tục, tập quán để ép kết hôn; áp dụng bổ sung hành vi bạo lực gia đình đối với trường hợp người có quan hệ nuôi dưỡng; đưa thêm nội dung tuyên truyền về việc xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình theo pháp luật…
Đóng góp ý kiến tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), TS.Trần Công Phàn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội luật gia Việt Nam cho rằng, về một số quy định mới, dự thảo Luật này đã được sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục những bất cập của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 nhằm đáp ứng với yêu cầu thực tiễn đặt ra đối với công tác này. Trong đó, nhiều quy định được bổ sung mới của Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) mang tính bền vững như “giáo dục chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình” (Điều 25), “Hỗ trợ kiểm soát hành vi bạo lực gia đình” (Điều 26). Nhiều quy định có tính mở nhằm phù hợp với sự phát triển của thực tiễn như “Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng” (Điều 47)…
Theo TS. Trần Công Phàn cùng các chuyên gia, những quy định mới này chưa được áp dụng trong thực tiễn, nhưng là tiền đề để triển khai lâu dài công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Do đó, để thực hiện những quy định mới cần chuẩn bị các điều kiện cần thiết, bảo đảm khả thi và hiệu quả khi đưa các quy định vào cuộc sống.
TS.Trần Công Phàn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội luật gia Việt Nam
Về các quy định bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình, các chuyên gia, nhà nghiên cứu chỉ rõ, những quy định tại Khoản 2 Điều 30 và các quy định khác Mục 2 Chương III của Dự thảo Luật cần được tiếp tục nghiên cứu để bảo vệ toàn diện quyền của nạn nhân bạo lực gia đình, trong đó có nhu cầu chính đáng của người bị bạo lực gia đình nhất là phụ nữ và trẻ em. Việc bố trí nơi tạm lánh khi người bị bạo lực gia đình, người thân thích của họ có nguy cơ bị xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, nếu họ có nhu cầu là cần thiết, nhưng ngược lại quy định này lại cho phép kẻ có hành vi bạo lực không phải chịu những điều kiện bất lợi do hậu quả hành vi gây ra. Do đó các chuyên gia kiến nghị cần nghiên cứu thêm để bảo đảm bình đẳng giới khi dự liệu quy định này.
Tham gia ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật, Phó Ban Chính sách - luật pháp, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Cao Thị Hồng Minh cùng các chuyên gia cho rằng cần cân nhắc quy định về nội dung tư vấn liên quan đến “Các biện pháp cai nghiện cờ bạc, rượu bia, ma túy và các chất gây nghiện khác” quy định tại điểm d khoản 1 Điều 17 dự thảo, bởi vì, về căn cứ pháp lý, dự thảo Luật quy định nội dung tư vấn liên quan đến “cai nghiện cờ bạc” nhưng rà soát pháp luật cho thấy chưa có quy định pháp luật nào xác định tiêu chí của một người bị coi là nghiện cờ bạc, cũng như biện pháp cai nghiện cờ bạc; Về nội dung liên quan đến “chất gây nghiện” Luật Phòng, chống ma túy 2021 giải thích khái niệm “Chất gây nghiện là chất kích thích hoặc ức chế thần kinh, dễ gây tình trạng nghiện đối với người sử dụng.” (Khoản 2 Điều 2) nhưng Luật Phòng, chống ma túy 2021 chỉ quy định về “Cai nghiện ma túy” (Cai nghiện ma túy là quá trình thực hiện các hoạt động hỗ trợ về y tế, tâm lý, xã hội, giúp người nghiện ma túy dừng sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, phục hồi thể chất, tinh thần, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi để chấm dứt việc sử dụng trái phép các chất này) (khoản 13 điều 2) mà Luật không quy định về biện pháp cai nghiện các chất gây nghiện khác; Về nội dung liên quan đến biện pháp cai nghiện rượu, bia thì Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia 2019 chỉ quy định việc chuẩn đoán điều trị, phục hồi chức năng đối với người nghiện rượu, bia mà không quy định cụ thể về biện pháp cai nghiện rượu bia.
Phó Ban Chính sách - luật pháp, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Cao Thị Hồng Minh
Về cơ sở thực tiễn, thống kê của Tòa án Nhân dân tối cao giai đoạn 2008-2018 cho thấy, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ly hôn là do bị bạo lực gia đình (bị đánh đập, ngược đãi) hoặc do vợ hoặc chồng nghiện ma túy, rượu chè, cờ bạc, ngoại tình. Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự liên quan đến tội phạm bạo lực gia đình, cũng chỉ ra rằng tình trạng tội phạm bạo lực gia đình có nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ những hệ lụy của các tệ nạn xã hội như: rượu chè, cờ bạc, nghiện ngập v.v làm phát sinh những mâu thuẫn trong cuộc sống gia đình.
Từ các thông tin trên, đại diện Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng việc sử dụng rượu bia có thể làm cho con người không làm chủ được hành vi cũng như cách ứng xử của mình và dẫn tới hành vi bạo lực gia đình. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải cứ ai sử dụng rượu, bia, ma túy đều có hành vi bạo lực gia đình, ngược lại, nhiều trường hợp người gây ra hành vi bạo lực gia đình lại không phải là người có sử dụng rượu, bia, ma túy
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đề nghị nghiên cứu, bổ sung “người gây bạo lực” là đối tượng được tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình (Khoản 2 Điều 17). Theo các chuyên gia, trong thực tế, trước khi gây bạo lực, người có hành vi bạo lực có thể từng là người bị bạo lực. Vì vậy, nếu Luật chỉ quy định về xử lý vi phạm, cấm tiếp xúc v.v mà không quy định việc đồng thời tư vấn, tham vấn, hỗ trợ tâm lý, chưa coi người có hành vi bạo lực cũng là đối tượng cần được tư vấn, trợ giúp thì chưa giải quyết gốc rễ vấn đề; Không những thế, còn có thể gia tăng kỳ thị, phân biệt đối xử với người có hành vi bạo lực.
Về hình thức tư vấn, các chuyên gia đề nghị nghiên cứu bổ sung hình thức tư vấn tại Nhà trường đối với đối tượng là trẻ em (khoản 3 Điều 17 dự thảo). Dự thảo đang quy định hình thức tư vấn phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng, tư vấn ở nơi khám chữa bệnh v.v. Tuy nhiên, để đối tượng là trẻ em dễ tiếp cận với công tác tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình thì nên nghiên cứu, bổ sung hình thức tư vấn tại Nhà trường (Phòng tham vấn học đường), hoặc tư vấn qua đường dây nóng, sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng, ứng dụng công nghệ như mạng xã hội v.v để nâng cao hiệu quả truyền thông và tư vấn cho nhóm đối tượng trẻ em. Ngoài ra, cũng cần lưu ý để có các kênh thông tin truyền thông chuyên biệt đối với các nhóm đối tượng tới đối tượng là người dân tộc thiếu số (tư vấn bằng tiếng dân tộc), người khuyết tật (tư vấn bằng ngôn ngữ phù hợp đối với người khuyết tật) với này.
Thêm vào đó, các chuyên gia đề nghị mở rộng chủ thể thực hiện tư vấn phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng (khoản 1 Điều 18 dự thảo). Khoản 1 Điều 18 chỉ quy định chủ thể thực hiện tư vấn sẽ do Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng hoặc Tổ tư vấn gia đình ở cộng đồng thực hiện. Quy định như dự thảo sẽ vô tình bó hẹp sự tham gia của các thành phần khác có kiến thức, kỹ năng về tư vấn phòng, chống bạo lực gia đình (ví dụ : người tham gia các hoạt động hòa giải, nhân viên tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình được quy định tại khoản 1 Điều 46 dự thảo).
Ngoài ra, về người thực hiện tư vấn (Khoản 2 Điều 19), các chuyên gia đề nghị tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa quy định liên quan đến bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tư vấn cho phù hợp với thực tiễn. Dự thảo Luật quy định người thực hiện tư vấn phải được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, tại một số địa phương, việc nâng cao yêu cầu đối với người thực hiện tư vấn, người tham gia hòa giải về phòng, chống bạo lực gia đình có thể gây khó khăn trong quá trình thực hiện, khó đảm bảo tính khả thi, đặc biệt đối với các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có nhiều người sinh hoạt tôn giáo.