PHỐI HỢP ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC XÂY DỰNG VĂN HÓA HỌC ĐƯỜNG

22/08/2022

Tại hội nghị “Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường” do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng cần nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng văn hoá học đường.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Phát huy sức mạnh của toàn hệ thống chính trị trong xây dựng văn hóa học đường

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Xây dựng "Văn hoá học đường" hướng tới Chân - Thiện - Mỹ

 

Toàn cảnh hội nghị

Thảo luận tại hội nghị, các ý kiến đã nhấn mạnh đến nhiều  giải pháp để đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường. Đáng chú ý, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Nguyễn Minh Triết kiến nghị nâng cao hiệu quả triển khai công tác phối hợp giữa Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và ngành giáo dục trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng văn hoá học đường. Theo đó, các cấp bộ đoàn, hội, đội cần phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục để triển khai nhân rộng các mô hình tiêu biểu trong việc triển khai các nội dung gắn với việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống, tình yêu quê hương, đất nước, văn hoá trong học đường. Cùng với đó, tiếp tục phối hợp để gia tăng số lượng, tần suất tổ chức các cuộc thi, chương trình, diễn đàn cho học sinh, sinh viên trong thời gian tới; góp phần thường xuyên đưa nội dung thiết thực đến học sinh, chuyển tải thông điệp một cách thường xuyên và liên tục để hình thành thói quen trở thành ý thức và biến thành những hành động cụ thể trong học sinh.

Một số địa phương đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các bộ ngành Trung ương có biện pháp quản lý, kiểm soát chất lượng các nội dung đăng tải trên mạng Internet, nhất là các kênh Youtube, TikTok…; cần có chế tài xử lý tình trạng bắt nạt trực tuyến nhằm đảm bảo môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho học sinh…

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, xây dựng và phát triển văn hoá học đường được coi là một trong những nhiệm vụ lớn, trọng tâm và quan trọng của toàn ngành giáo dục, tại mỗi địa phương và ở từng cơ sở Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngành giáo dục đang triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tập trung phát triển phẩm chất và năng lực của người học, lấy việc dạy người làm nội dung trọng tâm. Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là giải pháp toàn diện để củng cố, gia tăng tố chất văn hóa và phát triển con người. Đồng thời, cần rà soát để chuẩn hóa, ban hành các bộ quy tắc ứng xử với những chuẩn mực trong nhà trường. Đôn đốc, kiểm tra, uốn nắn để việc thực hiện này có hiệu quả nhất. Song song đó, tăng cường các yếu tố thuộc về phẩm chất, kiến thức, kỹ năng và chuẩn mực của đội ngũ nhà giáo, đúng với tinh thần “mỗi nhà giáo phải là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo".

Đại biểu phát biểu tại hội nghị

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy nội dung, phương pháp giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh chậm được đổi mới. Kỷ cương nhà trường ở một số cơ sở giáo dục chưa được quan tâm đúng mức, còn có những biểu hiện lệch chuẩn về văn hóa ứng xử. Vấn đề bạo lực học đường, bệnh thành tích, sự thiếu trung thực trong giáo dục chưa được khắc phục triệt để…

Thời gian tới, các đại biểu đề nghị cần đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục lý tưởng, đạo đức lối sống, giáo dục pháp luật trong nhà trường. Tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động giáo dục giá trị văn hóa, đạo đức, lối sống trong chương trình giáo dục, đào tạo. Đồng thời, tập trung xây dựng và hướng dẫn thực hiện các chuẩn mực về văn hóa đạo đức, hành vi ứng xử trong nhà trường, ngoài nhà trường và trên không gian mạng. Bên cạnh đó, thành lập Ban chỉ đạo xây dựng phát triển văn hóa học đường Trung ương. Ban chỉ đạo có đủ thẩm quyền lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp như đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực quản lý, xây dựng đội ngũ cán bộ và tăng cường nguồn lực cho xây dựng văn hóa học đường.

Ngoài ra, một số ý kiến cũng đề nghị cần tiếp tục tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, vai trò quan trọng của xây dựng văn hoá học đường và kiên trì tổ chức thực hiện, phấn đấu đạt các mục tiêu đề ra; nghiên cứu, hoàn thiện lý luận, khoa học, thực tiễn và tăng cường tuyên truyền để tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động; phát huy dân chủ và vai trò đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giáo dục, các thầy giáo, cô giáo xây dựng văn hoá học đường; tập trung xây dựng một số mô hình điểm và nhân rộng mô hình tốt; thường xuyên theo dõi, động viên, đôn đốc kiểm tra, định kỳ sơ kết, tổng kết công tác triển khai xây dựng văn hoá học đường để kịp thời định hướng, điều chỉnh cho phù hợp; tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật; kịp thời điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo, điều hành, quy chế, hướng dẫn liên quan tới xây dựng văn hóa học đường. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan, chỉ đạo rà soát sơ kết, tổng kết việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Ngoài ra cũng cần gắn việc xây dựng và tổ chức thực hiện văn hoá học đường với việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nói chung và tổ chức thực hiện đổi mới chương trình giáo dục nói riêng; đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục lý tưởng, đạo đức lối sống, giáo dục pháp luật trong nhà trường; tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động giáo dục giá trị văn hóa, đạo đức, lối sống trong chương trình giáo dục, đào tạo; phát huy vai trò quan trọng của nhà trường trong tạo dựng các giá trị văn hóa và thiết lập, củng cố, hoàn thiện các nguyên tắc ứng xử; tập trung xây dựng và hướng dẫn thực hiện các chuẩn mực về văn hóa đạo đức, hành vi ứng xử trong nhà trường, ngoài nhà trường và trên không gian mạng; xây dựng bộ tiêu chí về môi trường văn hóa học đường xanh, sạch đẹp, kỷ cương, an toàn, lành mạnh và thân thiện; lấy con người làm trung tâm, ưu tiên bồi dưỡng phẩm chất yêu nước, tính trung thực và tinh thần chủ động, sáng tạo, phát huy năng lực tự học, ý thực tự chủ, tự trọng, tự chịu trách nhiệm, rèn luyện bản lĩnh, tư duy phản biện, phong cách làm việc khoa học…./.

Thu Phương – Nghĩa Đức