Toàn cảnh Tọa đàm Góp ý Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)
Tham dự tọa đàm có: Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng; đại diện các cơ quan và chuyên gia, nhà nghiên cứu thuộc lĩnh vực có liên quan đến công tác bảo vệ người tiêu dùng.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, TS. Nguyễn Văn Hiển cho biết, Luật Bảo vệ người tiêu dùng được Quốc hội Khóa XII thông qua năm 2010 và có hiệu lực thi hành ngày 01/7/2011. Sau 10 năm triển khai thi hành luật, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được vẫn còn tồn tại những bất cập, hạn chế nhất định, có sự xung đột với những bộ luật khác. Đặc biệt, Việt Nam thời gian qua đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, theo đó có nhiều nội dung đòi hỏi yêu cầu cao hơn đối với việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
TS. Nguyễn Văn Hiển nhấn mạnh, mặc dù đã đưa ra rất nhiều quy định nhưng tính thực thi của Bảo vệ người tiêu dùng thời gian qua không cao, chưa tạo ra những tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế - xã hội. Cụ thể, quy định trách nhiệm của các chủ thể liên quan chưa rõ ràng, vai trò của cơ quan quản lý còn tương đối mỏng. Vì vậy, việc tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là rất cần thiết.
TS. Nguyễn Văn Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung cho ý kiến về: nội dung trọng tâm sửa đổi tại dự thảo Luật; sự tương thích của các quy định trong dự thảo Luật với các các cam kết quốc tế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; cơ chế giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh; …
Qua thảo luận, các chuyên gia cho rằng, vấn đề vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng ở Việt Nam hiện nay đã và đang diễn ra nhiều, có chiều hướng tiếp tục gia tăng, phổ biến là ở các lĩnh vực như: an toàn thực phẩm, an toàn về thông tin cá nhân của người tiêu dùng, tiêu thụ hàng hóa kém chất lượng. Phân tích về nguyên nhân của thực trạng này, có ý kiến nhấn mạnh, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, trước hết là vẫn còn một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng chưa thực sự ý thức được quyền của mình, mang tâm lý e ngại, động chạm;...
Bên cạnh đó, một số nhà sản xuất đặt lợi ích kinh doanh lên hàng đầu, né tránh trách nhiệm trong việc bảo đảm quyền lợi của những người mua hàng. Ngoài ra, về phía các tổ chức, cơ quan, hiệp hội bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng chưa thực sự phát huy được hết hiệu quả trong công tác chống lại các hành vi vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng.
Vì vậy, tại tọa đàm các chuyên gia kiến nghị, cần khẩn trương rà soát, xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý thuận lợi và đảm bảo khả năng thực thi hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cơ chế quản lý nhà nước cần thống nhất từ Trung ương đến địa phương, giữa các ngành và các lĩnh vực; xác định rõ vai trò đầu mối, điều tiết và giám sát các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên cả nước. Đồng thời, trong thời gian tới cũng cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực trình độ chuyên môn, đạo đức công vụ, ý thức trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, công chức tham gia công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho biết, trong suốt quá trình xây dựng Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Ban soạn thảo Luật đã rà soát và chú trọng dảm bảo tính tương thích của các quy định trong dự thảo Luật với các các cam kết quốc tế về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Theo ý kiến đánh giá, Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế và sự phát triển của Cách mạng Công nghiệp 4.0m (CMCN 4.0).
Theo Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2022, dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV tới đây./.