ỨNG DỤNG NGHIÊN CỨU NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ PHỤC VỤ TRỒNG TRỌT VÀ CHĂN NUÔI

18/07/2022

Đề cập đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Bộ Khoa học và Công nghệ, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, đối với hướng nghiên cứu xử lý chế biến quặng phóng xạ, nhiên vật liệu hạt nhân và xử lý chất thải phóng xạ, Viện Năng lượng nguyên tử đã sử dụng một số sản phẩm ứng dụng khác từ quặng đất hiếm phục vụ chăn nuôi, trồng trọt và nuôi trồng thủy sản.

Tổ công tác Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021” làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ

Toàn cảnh cuộc làm việc của Tổ công tác Đoàn giám sát với Bộ Khoa học và Công nghệ

Tại cuộc làm việc của Tổ công tác Đoàn Giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021” với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), báo cáo công tác thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 của Bộ, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển các ngành, lĩnh vực, Bộ KH&CN và các Bộ, ngành, địa phương liên quan tiếp tục thực hiện có hiệu quả các hoạt động KH&CN trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử (NLNT) nhằm tiếp tục triển khai Chiến lược ứng dụng NLNT vì mục đích hòa bình đến năm 2020 (Quyết định số 01/2006/QĐ-TTg ngày 03/01/2016), Quy hoạch tổng thể và các Quy hoạch chi tiết, đề án, kế hoạch đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ KH&CN triển khai nhiều hoạt động hợp tác với IAEA, Hợp tác vùng RCA, hợp tác song phương với các quốc gia mà Việt Nam đã ký Hiệp định hợp tác về sử dụng NLNT vì hòa bình, với nhiều dự án hợp tác kỹ thuật với IAEA phục vụ phát triển cơ sở hạ tầng hạt nhân và ứng dụng bức xạ trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN, hướng nghiên cứu vật lý hạt nhân cơ bản là hướng nghiên cứu thế mạnh của Viện NLNT, hàng năm đóng góp với nhiều công bố quốc tế. Hướng nghiên cứu lý thuyết hạt nhân tiếp tục phát huy thế mạnh truyền thống trong các các nghiên cứu cấu trúc và tương tác hạt nhân qua mô tả vi mô các phản ứng hạt nhân và tăng cường mở rộng mô hình nghiên cứu cũng như kỹ thuật tính toán cho quá trình phản ứng hạt nhân ở năng lượng thấp rất gần với vật lý thiên văn hạt nhân, mở ra hướng mới cho nhóm lý thuyết hạt nhân. Nhóm nghiên cứu vật lý hạt nhân thực nghiệm tập trung vào các nghiên cứu vật lý các hạt nhân không bền, nghiên cứu phản ứng hạt nhân và số liệu hạt nhân dưa trên các thiết bị máy gia tốc lớn trên thế giới, tiếp tục xây dựng và phát triển các nghiên cứu thực nghiệm trên các thiết bị trong nước.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy

Bên cạnh đó, ở hướng nghiên cứu vật lý, công nghệ và an toàn lò phản ứng, tính toán trên lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, các nghiên cứu tính toán vật lý, công nghệ và an toàn lò phản ứng được phát triển chủ yếu tại Viện Nghiên cứu hạt nhân, Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân thông qua các đề tài nhiệm vụ và hợp tác quốc tế. Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, công tác này đã đạt được các kết quả nổi bật như: Phát triển thành công công cụ tìm kiếm cấu hình nạp tải nhiên liệu tối ưu cho lò phản ứng VVER-1000; Tính toán ảnh hưởng của nhiên liệu có chứa Actini hiếm đến các tính toán vật lý và an toàn lò phản ứng năng lượng VVER (V491); Tính toán, mô phỏng, xây dựng hệ thực nghiệm nghiên cứu dòng chảy hai pha phục vụ phân tích an toàn hạt nhân; Tính toán các đặc trưng nơtron, thủy nhiệt và phân tích an toàn lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu do Liên bang Nga đề xuất cho Trung tâm khoa học công nghệ hạt nhân; nghiên cứu chiếu xạ thử nghiệm pha tạp đơn tinh thể Silic trên Lò Phản ứng hạt nhân Đà Lạt; Phần mềm “k0-Dalat” được nâng cấp phục vụ cho phân tích kích hoạt neutron trên nhiệt (ENAA); Xây dựng các mô hình tính toán sử dụng các chương trình tính toán động học lò phản ứng PARCS, NODAL3 để phân tích sự cố bật thanh điều khiển mất kiểm soát ra khỏi vùng hoạt lò phản ứng PWR nạp tải nhiên liệu UO2 và MOX; hoàn thành việc xây dựng các mô hình tính toán, phân tích động học và sự cố độ phản ứng LPƯ hạt nhân Đà Lạt sử dụng các chương trình PARCS, SCALE/TRITON, MCNP6 và Serpent 2.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy cũng cho biết, về hướng nghiên cứu xử lý chế biến quặng phóng xạ, nhiên vật liệu hạt nhân và xử lý chất thải phóng xạ, Viện NLNT đã tập trung vào phát triển lĩnh vực xử lý chất thải phóng xạ, xử lý thải và đánh giá môi trường cũng được ưu tiên phát triển thông qua dự án SXTN chế tạo chất keo tụ đa thành phần và dung dịch phenton thế hệ mới từ dung dich tẩy gỉ, chế tạo vật liệu hấp phụ hiệu năng cao SBA-15 để xử lý nước nhiễm xạ và nhiệm vụ cấp bộ về xin cấp phép cho phòng chuẩn ISO/IEC 17025 phục vụ cho đánh giá môi trường. Tiến hành các nghiên cứu liên quan đến trạng thái của viên gốm nhiên liệu; công nghệ thu nhận tổng oxit đất hiếm, thori và uran từ monazite Việt Nam; công nghệ tách loại chì và các tạp chất ra khỏi kẽm kim loại phế liệu và công nghệ xử lý quặng cát kết urani để xây dựng bộ số liệu kinh tế kỹ thuật. Tổng hợp chế phẩm citrat đất hiếm, sản xuất thử nghiệm tổng oxit đất hiếm 95% một số sản phẩm ứng dụng khác từ quặng đất hiếm phục vụ chăn nuôi, trồng trọt và nuôi trồng thủy sản.

Đối với hướng nghiên cứu phát triển năng lực hỗ trợ kỹ thuật về bảo đảm an toàn, an ninh và bảo vệ môi trường, Viện NLNT đã nghiên cứu và có được một số kết quả liên quan đến đánh giá khả năng phát tán và ảnh hưởng của phóng xạ từ các nhà máy điện hạt nhân Cảng Phòng Thành và Xương Giang đến Việt Nam. Duy trì, cập nhật và bổ sung số liệu quan trắc phóng xạ môi trường tại phía Bắc, phía Nam và Ninh Thuận; triển khai tích cực xây dựng Mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia, lắp đặt các thiết bị online đo phóng xạ tại một số trạm địa phương (Lào Cai, Lạng Sơn, Móng Cái, Bãi Cháy (Quảng Ninh), Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng), đầu tư trang thiết bị cho trạm điều hành chính và trạm vùng bảo đảm kịp thời phát hiện diễn biến bất thường về bức xạ trên lãnh thổ Việt Nam và hỗ trợ việc chủ động ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân. Sử dụng kỹ thuật đồng vị để đánh giá khả năng lưu giữ carbon trong đất nông nghiệp có được các dữ liệu về điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, lịch sử, hiện trạng sử dụng đất, đặc điểm đất và hàm lượng cacbon trong đất làm cơ sở cho việc đánh giá ảnh hưởng của các biện pháp canh tác khác nhau đến cấu trúc đất và xây dựng bản đồ xói mòn.

Ngoài ra, theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, đối với môi trường biển, Viện NLNT đã xây dựng được phương pháp nghiên cứu động học nước biển ven bờ (thời gian lưu, hệ số khuếch tán, tốc độ pha trộn của vật chất đến từ lục địa, v.v…) sử dụng các đồng vị radi tự nhiên làm chất chỉ thị, góp phần giải quyết bài toán đánh giá lan truyền của chất thải vào vùng biển ven bờ, tính toán lưu lượng thải tối đa cho phép vào môi trường biển theo các tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế; đã thiết lập được phương pháp đánh giá khả năng phát tán phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân vào môi trường biển trong một số tai nạn; chế tạo thiết bị quan trắc tại hiện trường ô nhiễm phóng xạ Cs-134 và Cs 137 trong nước biển; xây dựng phương pháp đánh giá liều công chúng đối với cơ sở hạt nhân có lò phản ứng nghiên cứu; tối ưu hóa hình học mẫu đo môi trường bằng mô phỏng Monte Carlo đối với phương pháp phổ gamma phông thấp; đồng thời, góp phần đào tạo và hình thành nhóm chuyên gia có đủ năng lực đánh giá tình trạng, mức độ tác động và khả năng dự báo lan truyền ô nhiễm phóng xạ trong môi trường biển. 

Hồ Hương

Các bài viết khác