ĐBQH Nguyễn Thị Lệ Thủy: Hoạt động giám sát nên bắt đầu sớm, thường xuyên với hình thức phù hợp và tăng cường tính minh bạch
Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 04 chuyên đề giám sát trình Quốc hội xem xét, quyết định. Trong đó, chuyên đề giám sát về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (dự kiến giao Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì tham mưu về nội dung) được được đánh giá là nhận được sự quan tâm của xã hội, phù hợp với thực tiễn đặt ra.
Để có sự đóng góp thêm về chuyên đề giám sát trên, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội phỏng vấn TS.Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát năm 2023 tại Kỳ họp thứ 3.
Phóng viên: Thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, công tác biên soạn sách giáo khoa đã và được triển khai theo đúng Nghị quyết. Ông có thể cho biết đánh giá của mình về công tác biên soạn sách giáo khoa trong thời gian qua?
TS.Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo): Câu chuyện một chương trình vài bộ sách giáo khoa thực ra đã được đề cập một cách không chính thức trong nhóm biên soạn Dự thảo Nghị định Hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật giáo dục 2005. Khi ấy một số chuyên gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cùng với chuyên gia Văn phòng Chính phủ bàn thảo là nên có nhiều bộ sách giáo khoa. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, chính sách thì hay nhưng sợ chẳng có ai làm. Người ta e ngại bỏ tiền ra làm sách giáo khoa lỡ không được phê duyệt thì mất hết. Về sau này khi có Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội được ban hành đã là một trong những cơ sở để Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” cho chương trình giáo dục phổ thông mới.
Thực tế, những “lùm xùm” trong biên soạn sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới thời gian qua như vẫn còn những “hạt sạn” trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 của bộ Cánh diều đã cho thấy, chúng ta chưa chủ động tìm kiếm được các chuyên gia giỏi với các tiêu chuẩn về năng lực, trình độ cao, chuyên nghiệp để viết sách. Ngoài ra, việc thẩm định sách giáo khoa còn bất cập, cơ quan thẩm định sách chưa làm tốt trách nhiệm được giao.
Ở một số quốc gia trên thế giới có cả 1 viện nghiên cứu về sách giáo khoa, tập trung vào các vấn đề: Chính sách sách giáo khoa, lý luận khoa học về sách giáo khoa... Viện nghiên cứu này cũng có chức năng tham mưu cho cơ quan quản lý Nhà nước triển khai theo đúng hướng khi tham gia vào công tác chỉ đạo, giám sát thực hiện việc biên soạn sách giáo khoa. Tuy nhiên, ở nước ta lại không có một viện có chức năng tương tự nên rất sẽ gặp phải những khó khăn triển khai khi biên soạn một bộ sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Phóng viên: Thưa ông, từ những bất cập trong biên soạn sách giáo khoa lớp 1 của bộ Cánh diều thời gian qua cho thấy, công tác giám sát việc biên soạn sách giáo khoa cũng rất quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng sách để phục vụ cho người học. Theo ông, để có được bộ sách giáo khoa cho các lớp học, cấp học đạt chuẩn, các nhà xuất bản cần chú trọng những yếu tố nào ở công đoạn giám sát?
TS.Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo): Tôi cho rằng, dưới sự quản lý của Nhà nước, chúng ta cần phải có 1 bộ sách giáo khoa chuẩn và việc biên soạn sách giáo khoa đòi hỏi phải bao gồm những người có kinh nghiệm với những tiêu chuẩn chuẩn cụ thể.
Ở nhiều nước như Cộng hòa Pháp, việc quản lý sách giáo khoa được đánh giá là tốt nên Việt Nam có thể tham khảo, học hỏi. Theo các quy định được đưa ra trong các văn bản pháp luật của Cộng hòa Pháp, sách giáo khoa được xuất bản bởi các nhà xuất bản giáo dục công và tư dùng trong các trường dựa theo chương trình giáo dục và khuyến cáo chính thức của Bộ Giáo dục. Một khi các nhà xuất bản nhận được khuyến cáo hoặc các hướng dẫn, họ sẽ có 14 tháng trước khi xuất bản. Sách giáo khoa được biên soạn phải tuân theo chương trình giáo dục, được sự chấp thuận của Bộ Giáo dục, trang bìa hoặc tên ghi bên ngoài phải ghi rõ sách giáo khoa phục vụ cho lớp và cấp học nào. Nhà xuất bản cũng biên tập sách hướng dẫn cho giáo viên gắn với sách bài tập hoặc sách giáo khoa. Những tài liệu này được viết với trách nhiệm của tác giả và không thay thế các sách giáo khoa chính thức cung cấp những hướng dẫn về phương pháp dạy học và về chương trình giáo dục. Những sách giáo khoa dự định sử dụng trong nhà trường cần phải được phê chuẩn bởi Bộ Giáo dục. Ở Pháp có một Uỷ ban Quốc gia có quyền phê chuẩn và giám sát tất cả các xuất bản phẩm cho người đọc trẻ tuổi. Điều đó có nghĩa là tất cả các sách, không chỉ sách giáo khoa phục vụ các đối tượng tuổi học sinh đều chịu sự giám sát của cơ quan này.
TS.Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Theo tôi, để có được bộ sách giáo khoa đạt chất lượng, không có những “hạt sạn” và bị dư luận xã hội phản ánh thì khi biên soạn xong sách giáo khoa, các nhà xuất bản cần thực hiện thêm một bước nữa là tiến hành thử nghiệm, giám sát việc giảng dạy, học tập dựa vào sách giáo khoa làm chính, đánh giá kết quả thử nghiệm qua các bài test và kết quả sẽ dùng làm cơ sở điều chỉnh sách giáo khoa. Việc đánh giá cũng nên thực hiện ở các vùng, miền vì như vậy cũng sẽ biết được bộ sách giáo khoa đó có phù hợp với học sinh ở các vùng miền, địa phương khác nhau. Ngoài ra, những người được giao thẩm định sách giáo khoa cũng cần phải được tuyển chọn hội đủ năng lực, trình độ và có tinh thần trách nhiệm cao.
Phóng viên: Theo dự kiến, trong năm 2023, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thực hiện giám sát Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Dự kiến giao Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì tham mưu về nội dung. Với tư cách là một chuyên gia từng công tác nhiều năm trong ngành Giáo dục, xin ông cho biết ý kiến về việc cần giám sát những nội dung trọng tâm nào?
TS.Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo): Theo tôi, Trước khi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cùng với Đoàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các nhà xuất bản đi giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội thì cần xây dựng bộ tiêu chí đo lường, giám sát, đánh giá. Việc giám sát nên bắt đầu từ việc cụ thể hóa việc triển khai các Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến nội dung này trên các bình diện: mục tiêu, kế hoạch, nội dung triển khai, nguồn lực thực hiện (con người và tài chính), kết quả đạt được và những tác động đến việc thực hiện chương trình giáo dục cũng như tác động xã hội khác.
Việc cụ thể hóa việc giám sát và đánh giá rất cần xây dựng các tiêu chí và các chỉ số để thu thập được bằng chứng khách quan mới có thể đưa ra những khuyến cáo giúp cho ngành giáo dục thực hiện hiệu quả Nghị quyết hơn và có thể có những điều chỉnh chính sách cần thiết. Bên cạnh đó, dư luận phản ánh nhiều đến việc buông lỏng chất lượng biên soạn sách giáo khoa thì đoàn giám sát nên chú ý hơn đến việc xem xét việc hoàn thiện và thực hiện luật pháp liên quan như quy trình biên soạn sách giáo khoa, thẩm định cho đến khi xuất bản có phù hợp với quy trình biên soạn sách giáo khoa chung theo kinh nghiệm của thế giới không. Ví dụ như Đoàn giám sát có thể xem xét nội dung biên soạn sách giáo khoa gồm những gì, trong quá trình biên soạn, tiêu chuẩn năng lực của người biên soạn, nhà xuất bản có lắng nghe ý kiến đóng góp của các thầy cô giáo, học sinh và phụ huynh hay không và qua kênh thông tin nào có thể có được sự đóng góp của các bên liên quan. Như vậy, nhà xuất bản phải xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, thực hiện biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về biên soạn và sử dụng sách giáo khoa. Nói cách khác, Đoàn giám sát cần trả lời câu hỏi dư luận quan tâm việc có hay không việc buông lỏng kiểm soát chất lượng sách giáo khoa và với những quy định luật pháp mà thuộc thẩm quyền Bộ trưởng ban hành đã đầy đủ, kịp thời và có hiệu lực trên thực tế hay chưa? Những khuyến cáo nào cần được đưa ra cho những cấp nào?
Để công tác giám thự minh bạch, khách quan, Đoàn công tác phải thu thập được các bằng chứng thông qua các chỉ số, bộ tiêu chí về tác giả biên soạn, công tác đấu thầu, chọn sách… Ngoài ra, việc lựa chọn cán bộ, chuyên gia giám sát phải là người làm việc độc lập, không thuộc Bộ Giáo dục-Đào tạo nhưng lại phải có sự am hiểu về phân tích chính sách giáo dục, có kinh nghiệm trong giám sát và đánh giá dự án trong giáo dục. Nếu không rất dễ dẫn đến cảnh "cưỡi ngựa xem hoa" nặng về nghe báo cáo "thành tích" nhưng những vấn đề cử tri quan tâm lại chưa xử lý được Thông qua công tác giám sát, ngành giáo dục có thể biết được những hạn chế, lỗ hổng trong công tác biên soạn để hoàn thiện được những bộ sách giáo khoa đạt chất lượng tốt nhất.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!