Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”
Tại hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã định hướng các nội dung tập trung thảo luận về 13 nội dung liên quan đến vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội. Đó là về nhận thức nội hàm “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội”; về đổi mới Quốc hội, đổi mới pháp luật về bầu cử, thành lập thiết chế bảo vệ Hiến pháp, hoàn thiện cơ chế thực hiện quyền trưng cầu ý dân; về việc thành lập Ủy ban Quốc gia về quyền con người; thể chế hóa cụ thể hơn về vị trí, vai trò của Chủ tịch nước; về việc thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia; tổ chức Tòa án, thẩm quyền xét xử không phụ thuộc vào đơn vị hành chính; đổi mới tổ chức hoạt động của Viện kiểm sát; tiếp tục thu gọn đầu mối cơ quan điều tra; tiếp tục đổi mới tổ chức hoạt động của cơ quan thi hành án; đổi mới cơ chế phân cấp, phân quyền trong bộ máy nhà nước.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc và định hướng thảo luận tại hội nghị
Các đại biểu bày tỏ đồng tình cao với nhiều nội dung trong dự thảo Đề án và đánh giá cao Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án, Tổ biên tập trong chỉ đạo xây dựng, nghiên cứu, tiếp thu những vấn đề lớn, cốt lõi với tinh thần trách nhiệm cao, khách quan, công tâm. Các đại biểu cho rằng, việc Ban Chỉ đạo làm việc với các cơ quan và qua buổi làm việc với Đảng đoàn Quốc hội thể hiện sự thận trọng xem xét vấn đề trước quyết định là rất phù hợp, là cơ sở để Tổ biên tập tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Đề án.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng lưu ý đối với một số nội dung còn ý kiến khác nhau cần bảo đảm xem xét nhìn nhận một cách tổng thể, toàn diện, đặt trong tổng thể mô hình tổ chức bộ máy nhà nước trong từng giai đoạn; cân nhắc tính khả thi và rà soát các thuật ngữ để bảo đảm cách hiểu chung, thống nhất.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Đảng đoàn Quốc hội đánh giá cao Ban Chỉ đạo đã có các hội nghị lấy ý kiến của các cơ quan trong đó có Đảng đoàn Quốc hội về dự thảo Đề án. Chủ tịch Quốc hội cho biết, dựa trên cơ sở tài liệu đã nhận, Đảng đoàn Quốc hội đã nghiêm túc lấy ý kiến tập thể, thể chế thành văn bản và có báo cáo gửi đến Ban Chỉ đạo. Tuy nhiên đây là vấn đề lớn và khó nên mới có thể cho ý kiến bước đầu và còn phải tiếp tục thảo luận nhiều vòng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị
Chủ tịch Quốc hội cho rằng dự thảo Đề án lấy ý kiến tại hội nghị lần này đã tiếp thu, chỉnh lý cơ bản, hoàn chỉnh, bảo đảm chất lượng theo đúng tính chất của một đề án chính trị, pháp lý để trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét ban hành nghị quyết. Đảng đoàn Quốc hội đánh giá cao công tác chuẩn bị xây dựng đề án đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng và rất thận trọng. Thường trực Ban Chỉ đạo và trực tiếp Trưởng Ban Chỉ đạo và Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo sát sao, tổ chức bài bản việc nghiên cứu, biên tập nội dung rồi, huy động sự tham gia đông đảo của các chuyên gia pháp lý, các nhà khoa học hàng đầu của cả nước; tổ chức được nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, hội nghị lấy ý kiến của 63 tỉnh, thành ủy ở 3 miền Bắc, Trung, Nam; lựa chọn nội dung tổ chức làm việc, trao đổi sâu với một số cơ quan. Chủ tịch Quốc hội khẳng định, điều này đã thể hiện Ban Chỉ đạo và nhất là Trưởng Ban Chỉ đạo đã cầu thị, lắng nghe nhất là đối với những vấn đề còn ý kiến khác nhau bởi đây là đề án rất là quan trọng, với nội dung rộng và khó.
Về chuyên đề của Đảng đoàn Quốc hội được phân công phụ trách, Chủ tịch Quốc hội cho biết Đảng đoàn Quốc hội đã nghiêm túc triển khai với nhiều nỗ lực, cố gắng và tinh thần trách nhiệm cao nhất. Nhiều nội dung trong các chuyên đề do Đảng đoàn Quốc hội xây dựng và ý kiến của các thành viên Đảng đoàn tại các hội thảo, toạ đàm của Ban Chỉ đạo đến nay đã được tiếp thu, thể hiện trong dự thảo Đề án. Theo Chủ tịch Quốc hội, các ý kiến tại hội nghị mới chỉ là ý kiến bước đầu song nhiều vấn đề đã nhận được sự thống nhất cao và từ nay đến khi trình Ban Chấp hành Trung ương vẫn còn điều kiện để nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận sâu hơn, có sự lắng nghe lẫn nhau để bảo đảm chất lượng dự thảo Đề án.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định định hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Trao đổi về một số vấn đề cụ thể, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam thì trước hết Nhà nước phải đáp ứng các đặc trưng phổ quát của Nhà nước pháp quyền và phải thể hiện được những đặc trưng riêng của “pháp quyền XHCN Việt Nam”. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế là cần thiết nhưng cũng không thể áp dụng một cách máy móc được, mà điều quan trọng cuối cùng là người Việt Nam phải tự chủ quyết định các vấn đề của mình để đáp ứng tối đa lợi ích quốc gia, dân tộc.
Bên cạnh đó, dự thảo Đề án đề cập đến các mốc thời gian xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Theo Chủ tịch Quốc hội, dù phân kỳ như thế nào thì cần khẳng định rõ từ nay đến năm 2030 và kể cả sau 2030 cho đến sau này vẫn phải là Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Nhấn mạnh sau năm 2030 chúng ta nâng cao hơn nữa về trình độ, năng lực phát triển, mức độ hoàn thiện của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam nhưng bản chất là không thay đổi, Chủ tịch Quốc hội đề nghị dự thảo Đề án cần thể hiện rõ nét hơn nữa tinh thần này.
Chủ tịch Quốc hội cũng bày tỏ đồng tình với các ý kiến tại Hội nghị về việc khi xem xét một vấn đề cụ thể thì phải đặt trong tổng thể. Các nội dung trong dự thảo Đề án cũng cần bám sát tinh thần này.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận hội nghị
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trong một thế giới đang biến động thì định hướng để Nhân dân yên tâm, Đảng yên tâm là định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là Đảng lãnh đạo, là văn hóa, truyền thống Việt Nam.
Chủ tịch nước đánh giá hội nghị đã thảo luận nghiêm túc, dân chủ, thẳng thắn; đồng thời đánh giá cao công tác chuẩn bị của Đảng đoàn Quốc hội, Tổ biên tập. Đến nay, Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập và Đảng đoàn Quốc hội đã đạt được sự đồng thuận rất cao về nhiều vấn đề. Chủ tịch nước ghi nhận các ý kiến tại hội nghị đều thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao, rất tâm huyết, tất cả vì sự phát triển của đất nước, vì sự nghiệp của Nhân dân, vì sự trường tồn của chế độ xã hội chủ nghĩa của nước ta. Chủ tịch nước đề nghị Tổ biên tập ghi chép tất cả ý kiến, chọn lọc những vấn đề đã chín, đã rõ, đã được khẳng định để đưa vào dự thảo đề án, dự thảo Nghị quyết trình Ban chấp hành Trung ương.
Chủ tịch nước làm rõ, các vấn đề được nêu trong dự thảo Đề án đều có cơ sở, nền tảng chính trị, pháp lý rõ ràng. Giai đoạn từ nay đến 2030 tuân thủ theo Hiến pháp 2013 và Cương lĩnh 2011 và sau 2030 tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện trên nền tảng xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Các đại biểu tham dự hội nghị
Khái quát các nội dung thảo luận, Chủ tịch nước cho biết, các ý kiến phát biểu tại hội nghị đều thống nhất rất cao nhiều nội dung dự thảo đề án liên quan đến tổ chức, hoạt động của Quốc hội. Các đại biểu thống nhất đánh giá, trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, thời gian qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nỗ lực lớn trong việc ban hành, điều chỉnh các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, tăng cường giám sát những vấn đề quan trọng, những vấn đề bức xúc của đời sống Nhân dân, bảo đảm bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân. Đặc biệt, thời gian gần đây, Quốc hội đã tập trung giải quyết nhiều vấn đề lớn, cấp bách, hoàn thiện thể chế kinh tế-xã hội, chính sách tài khóa hỗ trợ chương trình phòng, chống dịch COVID-19, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ tịch nước khẳng định, chúng ta đã xây dựng được một hệ thống pháp luật cơ bản, đầy đủ, đồng bộ, toàn diện để điều chỉnh các quan hệ xã hội, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập quốc tế; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Chưa bao giờ đất nước chúng ta có được cơ đồ như hôm nay là nhờ có phần đóng góp, tác động của hệ thống chính sách, pháp luật, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Cùng với đó, cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp từng bước có hiệu quả. Hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội có nhiều đổi mới, chất lượng, hiệu quả. Chủ tịch nước yêu cầu, Tổ biên tập chọn lọc vấn đề, biên tập để những vấn đề cốt lõi, quan trọng phải được đưa vào Đề án với cách thể hiện đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu, bảo đảm thống nhất trong cách hiểu.
Chủ tịch nước đề nghị thống nhất trong nhận thức về “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội”.
Chủ tịch nước đề nghị Tổ biên tập nghiên cứu thật kỹ lưỡng các ý kiến phát biểu tại hội nghị; trên cơ sở có căn cứ lý luận, khoa học, thực tiễn, có lập luận đầy đủ, rõ ràng, thuyết phục để chỉnh sửa dự thảo đề án, báo cáo Ban chỉ đạo trong Phiên họp lần thứ tư.
Một số hình ảnh tại hội nghị:
Toàn cảnh hội nghị
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường giới thiệu đại biểu
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc hội nghị
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành thảo luận tại hội nghị
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo về những nội dung liên quan đến ý kiến của Đảng đoàn Quốc hội về dự thảo Đề án
Các đại biểu tham dự hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định bày tỏ đồng thuận cao với dự thảo Đề án và cho rằng Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập đã rất khách quan, công tâm, trách nhiệm. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị rà soát để bảo đảm việc sử dụng các thuật ngữ một cách thống nhất
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại hội nghị
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đồng tình và đánh giá cao sự chuẩn bị của Ban Chỉ đạo trong chỉ đạo xây dựng và nghiên cứu những vấn vấn đề lớn, cốt lõi được thể hiện trong dự thảo Đề án. Đồng thời đề nghị tiếp tục rà soát dự thảo Đề án để đưa ra những vấn đề khả thi trong từng giai đoạn; đối với những vấn đề chưa chín, chưa được khẳng định nên thể hiện theo hướng đề xuất, nghiên cứu cho giai đoạn sau
Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc phát biểu tại hội nghị
Các đại biểu phát biểu tại hội nghị