Tổ công tác Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021” làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy
Tại cuộc làm việc của Tổ công tác Đoàn Giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021” với Bộ Khoa học và Công nghệ, báo cáo công tác thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 của Bộ, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, về vấn đề ứng dụng khoa học và công nghệ trong tiết kiệm chống lãng phí, các đơn vị thuộc Bộ đã chủ động tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý để tiết kiệm chi phí, chống lãng phí và tăng hiệu quả xử lý công việc; Tăng cường sử dụng các thiết bị năng lượng mặt trời để tiết kiệm điện; Ưu tiên ứng dụng Khoa học và Công nghệ trong hoạt động thường xuyên của doanh nghiệp như sử dụng hệ thống E-Office quản lý hồ sơ điện tử, hạn chế việc lưu trữ thủ công nhằm tiết kiệm các chi phí văn phòng phẩm, chi phí kho phục vụ lưu trữ, quản lý, trao đổi; gửi thư mời/thư chúc mừng/thông báo/giấy triệu tập/băng rôn/khẩu hiệu… qua phương thức điện tử, tiết kiệm chi phí in ấn và lắp đặt; chú trọng đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại cho các đơn vị sản xuất trên cơ sở đánh giá hiệu quả và định mức đã được phê duyệt.
Về ứng dụng Khoa học và Công nghệ để tăng hiệu suất sử dụng trang thiết bị, máy móc, phương tiện làm việc, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, các đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã ứng dụng tiến bộ của khoa học, công nghệ để tăng hiệu suất sử dụng trang thiết bị, máy móc, phương tiện làm việc tại các đơn vị sản xuất. Cụ thể, các đơn vị đã sử dụng hệ thống trang thiết bị công nghệ cao trong hoạt động sản xuất gỗ như: Máy CNC Router, Máy CNC thay dao tự động, Máy CNC 4 đầu… Việc ứng dụng các thiết bị máy móc công nghệ cao đã giúp tiết kiệm chi phí nhân công, thời gian sản xuất nhanh gấp 3-5 lần so với các phương pháp sản xuất truyền thống, các sản phẩm tạo ra có tính thẩm mỹ cao, tỷ lệ sai sót thấp. Ứng dụng hệ thống hút bụi tự động tại các xưởng sản xuất, khắc phục được việc xả thải bụi bẩn ra môi trường, an toàn với sức khỏe người lao động.
Toàn cảnh cuộc làm việc của Tổ công tác Đoàn giám sát với Bộ Khoa học và Công nghệ
Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, việc ứng dụng khoa học, công nghệ mới trong vấn đề tiết kiệm, chống lãng phí, tăng hiệu suất sử dụng là một trong những ưu tiên của ban lãnh đạo Công ty giai đoạn 2016 - 2021. Ứng dụng khoa học, công nghệ trong hoạt động của doanh nghiệp đã có những kết quả đạt được như giảm chi phí nhân công, hạn chế chi phí cho sản phẩm không đạt chất lượng phải loại bỏ như khi sản xuất thủ công, trang thiết bị hiện đại có thể sử dụng lâu dài… Từ những kết quả tích cực đạt được, Ban lãnh đạo Công ty sẽ tập trung kiện toàn công tác ban hành các tiêu chuẩn, giải pháp tiết kiệm năng lượng, cũng như ưu tiên ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất nhằm đạt hiệu quả tốt nhất trong tiết kiệm, chống lãng phí.
Bên cạnh đó, trình bày các giải pháp đổi mới tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nêu rõ, để thực hiện các giải pháp thực hành tiết kiệm, sử dụng hiệu quả năng lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã trình Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 24/2018/QĐ-TTg ngày 18/5/2018 ban hành Danh mục và lộ trình phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng phải loại bỏ và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây dựng mới.
Ngày 22/01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 108/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch phát triển, ứng dụng NLNT thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Triển khai Quyết định 108/QĐ-TTg, Cục NLNT đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện việc thu xếp nguồn kinh phí để tổ chức lập quy hoạch.
Ngày 27/9/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP về các nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030. Tại mục 3, phần III “Nhiệm vụ và giải pháp” của Nghị quyết đã quy định “Cho phép sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên của NSNN để lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành”. Giao Bộ Tài chính khẩn trương hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ và các địa phương việc sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên theo quy định của pháp luật về NSNN để lập, thẩm định, công bố và điều chỉnh quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành. Bố trí kinh phí chi thường xuyên năm 2021 để các bộ, ngành và địa phương tổ chức lập các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành. Giao các bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật cho lập, thẩm định, công bố và điều chỉnh quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý theo trình tự, thủ tục rút gọn.”
Đối với các giải pháp đổi mới tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, Cục Sở hữu trí tuệ thực hiện chức năng tổ chức quản lý và triển khai thực hiện hoạt động xác lập quyền sở hữu công nghiệp. Trong giai đoạn từ 2016-2021, để nâng cao năng lực xử lý đơn (lượng đơn xử lý trên tổng số đơn tiếp nhận) nhằm giảm thiểu lượng đơn tồn đọng, Cục đã áp dụng nhiều giải pháp đổi mới liên quan tới hoạt động xác lập quyền sở hữu công nghiệp. Cụ thể, Cục đã điều chỉnh quy trình thẩm định: Bỏ công đoạn thẩm định của thẩm định viên trong quy trình thẩm định; Điều chỉnh định mức xử lý đơn: Tăng định mức của thẩm định viên nhãn hiệu khoảng 25%; thẩm định viên sáng chế khoảng 30%; thẩm định viên KDCN khoảng 12%; Giảm số bậc và rút ngắn thời gian giữ bậc định mức; Không áp dụng định mức lao động của Lãnh đạo các Trung tâm thẩm định để tập trung vào công tác quản lý, đưa vào áp dụng các phần mềm tra cứu mới (IP Search), mua quyền truy cập để tra cứu trên cơ sở dữ liệu sở hữu công nghiệp thương mại (Questel, Orbit), trang bị máy tính chuyên dùng để nâng cao tốc độ xử lý đơn, tăng cường đào tạo chuyên môn cho các thẩm định viên.
Theo đó, trong giai đoạn này, mặc dù lượng đơn sở hữu công nghiệp tiếp nhận vào Cục tăng 26,6% so với giai đoạn trước và tăng trưởng khoảng 7%/năm, nhưng năng lực xử lý đơn sở hữu công nghiệp của Cục tăng cao. Năm 2016, số đơn xử lý chiếm 67% đơn nộp vào. Số đơn xử lý đã tăng lên xấp xỉ số đơn nộp vào trong năm 2021, dần đáp ứng được nhu cầu của tổ chức, cá nhân và toàn xã hội.