LÀM RÕ NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA THANH TRA NHÂN DÂN, ĐẢM BẢO PHÙ HỢP THỰC TẾ

11/07/2022

Góp ý hoàn thiện dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại Kỳ họp thứ 3, các đại biểu Quốc hội cho rằng cần quy định rạch ròi, cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra nhân dân sao cho phù hợp với thực tế, đồng thời cần tăng cường tập huấn chuyên môn, bồi dưỡng kỹ năng để nâng cao hiệu quả công tác này.

 

Tham gia ý kiến hoàn thiện dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nêu thực tế, hoạt động của Thanh tra nhân dân rất hạn chế do không có đủ điều kiện, thời gian, trình độ chuyên môn thực hiện nhiệm vụ hoặc các kiến nghị của Thanh tra nhân dân được xem xét cũng vẫn còn bỏ ngỏ. Có trường hợp ngại làm phiền lòng chính quyền nên cũng không mạnh dạn tham gia góp ý, chủ yếu thông qua Mặt trận và hoạt động của các cấp ở xã. Cho nên, để Thanh tra nhân dân hoạt động hiệu quả, đúng tính chất, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng cần quy định rạch ròi, cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra nhân dân, tập huấn chuyên môn, kỹ năng cho hoạt động dễ dàng.

Mặt khác, theo đại biểu, Ban Thanh tra nhân dân hoạt động có sự trùng lắp, chồng lấn với Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, đây là mô hình tự quản của người dân, cần lồng ghép, sắp xếp lại với nhau để hoạt động có hiệu quả. Thực tế có người dân tự giác làm công việc nhưng lại không có chế độ gì nên có lúc cũng xao lãng việc. Muốn tham gia thì làm, còn không thì chẳng sao nên tùy nơi Ban Thanh tra nhân dân hoạt động chẳng qua là một hình thức, nên cần phải nghiên cứu, xem xét lại trong hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân.

Đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk tham gia thảo luận

Quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk đề nghị cân nhắc điều chỉnh nhiệm kỳ của Ban Thanh tra nhân dân của cấp xã tại khoản 2 Điều từ 2 năm lên 5 năm để đảm bảo xuyên suốt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tránh xáo trộn không cần thiết, giảm bớt số lượng lần bầu, đảm bảo thống nhất với nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và Công đoàn.

Bên cạnh đó, đại biểu Bố Thị Xuân Linh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuân kiến nghị, ngoài các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Ban thanh tra nhân dân tại các điểm 58, 59, 60, 61, đại biểu đề nghị bổ sung thêm các điều, khoản quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Ban giám sát đầu tư cộng đồng nhằm tạo cơ sở pháp lý và hoạt động của Ban giám sát đầu tư cộng đồng, góp phần thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và quyền làm chủ của nhân dân trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội cũng như xây dựng nông thôn mới. Qua đó, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quá trình đầu tư phòng, chống tham nhũng lãng phí, nâng cao chất lượng công trình, dự án trên địa bàn và ở địa phương.

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Danh Tú – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiến Giang nêu rõ, theo quy định tại Điều 2, Điều 29 và Điều 32 dự thảo luật thì Thanh tra nhân dân là hình thức kiểm tra, giám sát của nhân dân thông qua Ban Thanh tra nhân dân là hình thức nhân dân kiểm tra, nhân dân giám sát. Như vậy, Ban Thanh tra nhân dân có 2 nhiệm vụ là kiểm tra và giám sát. Tuy nhiên, Chương V về Thanh tra nhân dân thì Điều 58 chỉ quy định Ban Thanh tra nhân dân có nhiệm vụ giám sát, chưa quy định về nhiệm vụ kiểm tra của Ban Thanh tra nhân dân. Như vậy, quy định về nhiệm vụ của Ban Thanh tra nhân dân tại Chương V dự thảo luật là chưa đầy đủ và chưa thống nhất với các nội dung tại Chương I, Chương II, Chương III của dự thảo luật.

Về chức năng kiểm tra và chức năng giám sát, đại biểu Nguyễn Danh Tú nhấn mạnh, đây là 2 chức năng khác nhau, với thẩm quyền, trình tự, thủ tục, hệ quả pháp lý khác nhau. Tuy nhiên, dự thảo luật chưa có sự phân biệt giữa hoạt động kiểm tra, hoạt động giám sát của Ban Thanh tra nhân dân. Vì vậy, đại biểu đề nghị dự thảo luật cần tiếp tục nghiên cứu quy định cụ thể hơn các nội dung liên quan hoạt động kiểm tra, hoạt động giám sát của Ban Thanh tra nhân dân, bảo đảm chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ, khả thi.

Đại biểu Nguyễn Danh Tú – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiến Giang

Thêm vào đó, về Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, dự thảo Luật có quy định về 2 tổ chức là Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Đối với Ban Thanh tra nhân dân, dự thảo luật quy định tương đối nhiều nội dung, như về khái niệm thanh tra nhân dân và có Chương V với 3 mục, 7 điều quy định về thanh tra nhân dân, trong đó quyết định về tổ chức, hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân. Tuy nhiên, đối với Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, dự thảo luật quy định nhân dân kiểm tra, nhân dân giám sát thông qua Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, nhưng chưa quy định về khái niệm giám sát đầu tư của cộng đồng, cũng như chưa có quy định cụ thể về tổ chức hoạt động, nhiệm vụ của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Danh Tú đề nghị dự thảo luật cần xem xét, bổ sung thêm các quy định cụ thể hơn về Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng để bảo đảm quá trình triển khai thực hiện được thống nhất, bảo đảm cân đối, hài hòa các quy định về Ban Thanh tra nhân dân.

Cùng bày tỏ quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Cầm Hà Chung – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ cho biết, về Thanh tra nhân dân. Khoản 2 Điều 59 dự thảo luật quy định "khi cần thiết được chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước giao xác minh những vụ việc nhất định.” Quy định này vô hình trung đã biến chủ thể giám sát thành người giúp việc cho đối tượng chịu giám sát và chưa đảm bảo tính khả thi, hiệu quả trong thực tiễn. Đại biểu đề nghị xem xét bỏ quy định này để đảm bảo tính độc lập trong hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân.

Tán thành việc chuyển quy định hiện hành do Luật Thanh tra điều chỉnh sang luật này điều chỉnh, đại biểu Trần Nhật Minh – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đề nghị không nên tiếp tục kế thừa quy định tại khoản 2 Điều 67 của Luật Thanh tra năm 2010. Khi cần thiết được Chủ tịch Ủy ban cấp xã, người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước giao xác minh những vụ việc nhất định. Bởi vì quy định này một mặt vô hình chung đã phủ định tính độc lập trong hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân. Biến tổ chức này thành chủ thể giúp việc cho đối tượng chịu sự giám sát và khó có thể hoạt động khách quan khi đối tượng chịu sự giám sát lại có thể giao nhiệm vụ cho chủ thể có quyền giám sát. Mặt khác, quy định này cũng chưa phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 61 về hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân cấp xã và khoản 1 Điều 63 về hoạt động của Báo Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước.

Hồ Hương