Thực hiện Kế hoạch giám sát của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 -2021”số 06/KH-ĐGS ngày 30/9/2021 và Kế hoạch giám sát, khảo sát tại một số bộ, ngành, địa phương, Đoàn Giám sát của Quốc hội làm việc với Kiểm toán Nhà toán tại Nhà Quốc hội vào sáng 5/07 dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương – Trưởng Đoàn Giám sát.
Báo cáo với Đoàn Giám sát, Phó Tổng kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh cho biết, thực hiện các quy định về thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Kiểm toán Nhà nước đã ban hành Chương trình hành động của Kiểm toán Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm và giai đoạn theo Chương trình tổng thể của Chính phủ, ban hành các Chương trình hành động của Kiểm toán Nhà nước triển khai Nghị quyết 01 của Chính phủ hàng năm; công văn hướng dẫn các đơn vị về tổ chức thực hiện dự toán năm, trong đó yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Để nâng cao chất lượng công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Phó Tổng kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh cũng cho biết, Kiểm toán Nhà nước đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán; có chế tài xử lý đối với các trường hợp không thực hiện, đặc biệt là đối với các kiến nghị tồn đọng nhiều năm.
Đồng thời, chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tiếp tục xử lý các vấn đề về cơ chế, chính sách, các tồn tại trong công tác quản lý đã nêu tại từng báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước; Chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp tục rà soát để hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi,, bổ sung, ban hành mới 591 văn bản Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị nhưng chưa thực hiện, gồm: 07 luật, 31 nghị định, 96 thông tư và 457 văn bản khác không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn. Chỉ đạo Bộ Tư pháp làm đầu mối đôn đốc, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị về hoàn thiện cơ chế chính sách.
Phó Tổng kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh báo cáo Đoàn Giám sát
Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cũng đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các đơn vị tiếp tục thực hiện chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 07 –NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị, trong đó: Đẩy mạnh triển khai quản lý chi ngân sách theo kết quả thực hiện nhiệm vụ gắn với thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; đổi mới cơ chế tự chủ tài chính, giao tự chủ tài chính cho đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm đầu mối, tinh gọn theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017; thực hiện đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; chuyển mạnh cơ chế cấp phát theo dự toán sang cơ chế thanh toán theo đặt hàng; tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy quá trình cơ cấu lại Doanh nghiệp Nhà nước.
Nhận diện thực trạng tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thời gian qua; xác định đúng hạn chế và nguyên nhân của hạn chế trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để đưa ra những giải pháp mang tính đột phá, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc huy động các nguồn lực ngân sách.
Phó Tổng kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh, cần nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc triển khai thực hiện các quy định pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật tài chính. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan chủ quản trong quá trình phân bổ, quản lý, sử udngj, chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách tại các đơn vị trực thuộc để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế của các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước, ngăn ngừa và khắc phục triệt để các sai phạm liên quan kết luận thanh tra, kiểm toán ngân sách nhà nước qua các năm./.