Chủ tịch Hạ viện Vương Quốc Anh chủ trì Lễ đón và hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội đàm với Chủ tịch Thượng viện Anh
Chủ tịch Hạ viện Anh Lindsay Hoyle chào đón Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Theo chương trình, từ ngày 28-30/6 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ có các cuộc gặp song phương với lãnh đạo cấp cao Anh, trong đó hội đàm với Chủ tịch Hạ viện Lindsay Hoyle và Chủ tịch Thượng viện Anh John McFall; gặp và trao đổi với nhiều quan chức cấp cao của Chính phủ, Quốc hội Anh; gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp Anh, các tập đoàn lớn về kinh tế, tài chính, giáo dục; tổ chức Tọa đàm kinh tế-thương mại, Tọa đàm giáo dục... Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Hoàng Anh Tuấn, Học viện Ngoại giao về ý nghĩa và kỳ vọng về chuyến thăm này.
Phóng viên: Từ ngày 28-30/6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam sang thăm chính thức Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len, là chuyên gia nhiều năm nghiên cứu trong lĩnh vực ngoại giao, ông có đánh giá như thế nào ý nghĩa của chuyến thăm trong bối cảnh hiện nay?
PGS.TS Hoàng Anh Tuấn, Học viện Ngoại giao: Việt Nam và Anh thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 11/9/1973. Quan hệ hai nước thực sự khởi sắc kể từ sau chuyến thăm của Thủ tướng Võ Văn Kiệt năm 1993 – chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới Anh. Tiếp đó, là chuyến thăm chính thức Vương quốc Anh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam vào ngày 22/1/2013;…
Vào tháng 3/2008, hai nước ký Tuyên bố chung thúc đẩy quan hệ theo hướng "Quan hệ đối tác vì sự phát triển” và đến tháng 9/2010, mối quan hệ Việt Nam – Anh được nâng cấp lên "Đối tác chiến lược".
Kể từ khi hai Bên thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược (năm 2010), hợp tác Việt Nam - Anh trong khuôn khổ song phương và đa phương đã có nhiều bước tiến tích cực trên các lĩnh vực, tiếp tục được kỳ vọng phát triển lên tầm cao mới trong bối cảnh nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Những thay đổi tích cực trước hết do đường lối đối ngoại của hai bên đã có những điều chỉnh phù hợp với tình hình mới, trong đó hai nước đồng thời đánh giá cao và coi trọng vị trí, vai trò của nhau trong khu vực và trên thế giới, nhất là từ khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit). Hai bên cũng đã phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương. Anh đã ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021. Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trao quy chế đối tác đối thoại cho Anh cũng như trong việc Anh xin gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
PGS.TS Hoàng Anh Tuấn, Học viện Ngoại giao
Điểm lại những dấu mốc quan trọng gần đây có thể thấy, các nhà lãnh đạo Anh có nhiều chuyến thăm quan trọng đến Việt Nam, như: Chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Eleanor Laing (tháng 10-2016), Công tước xứ Cambridge - Hoàng tử William Arthur Philip Louis (tháng 11-2016), Công tước xứ York - Hoàng tử Andrew Albert Christian Edward (tháng 12-2018). Năm 2020 đánh dấu thời điểm Anh không còn là thành viên của EU. Để đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới, Anh tích cực mở rộng quan hệ và tầm ảnh hưởng trên thế giới, đồng thời củng cố những quan hệ đã có, trong đó Việt Nam là một đối tác quan trọng. Tháng 9-2020, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Phát triển Vương quốc Anh Dominic Raab có chuyến thăm chính thức Việt Nam. Tháng 12-2020, trong chuyến thăm của Bộ trưởng Thương mại quốc tế Elizabeth Truss, hai nước ký kết Biên bản kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Anh (UKVFTA). Trong năm 2021, có các chuyến thăm của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Phát triển Vương quốc Anh D. Raab (tháng 6-2021) và Bộ trưởng Quốc phòng Robert Wallace (tháng 7-2021);…
Như vậy, năm 2021, bất chấp những khó khăn của đại dịch COVID-19, phía Anh đã cử nhiều Đoàn lãnh đạo cấp cao thăm Việt Nam. Hai Bên đã phối hợp triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương, duy trì phối hợp tốt tại các diễn đàn đa phương, đặc biệt là Liên hợp quốc (LHQ), Hội đồng Bảo an LHQ, trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) và ASEAN - Anh.
Triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội XIII, trên cở sở mối quan hệ hợp tác song phương tốt đẹp giữa hai nước, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình góp phần quan trọng trong việc duy trì và làm sâu sắc quan hệ hợp tác song phương; khẳng định sự coi trọng của ta đối với quan hệ hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Anh.
Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ thúc đẩy tiếp xúc với các đối tác; tăng cường kết nối, thúc đẩy hợp tác, đặc biệt thúc đẩy thực thi, triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Anh (UKVFTA), tạo động lực mới cho quan hệ giữa Việt Nam với Anh trên các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại, an ninh - quốc phòng, giáo dục - đào tạo và ứng phó biến đổi khí hậu (triển khai cam kết tại COP-26,…. Thông qua các hoạt động tiếp xúc làm việc với chính giới, doanh nghiệp và cộng đồng người Việt Nam góp phần thu hút nguồn lực phục vụ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội hậu COVID-19.
Với vai trò là người đứng đầu cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, chuyến thăm cũng là dịp để chuyển tải thông điệp lập trường của Việt Nam đối với một số vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Đặc biệt, thông qua kênh nghị viện để rà soát, thúc đẩy xây dựng các chính sách pháp luật làm đòn bẩy cho hợp tác kinh tế, tạo khung khổ pháp lý thuận lợi, thúc đẩy triển khai hiệu quả Hiệp định UKVFTA trong bối cảnh hậu Brexit.
Diễn ra trong bối cảnh, hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao; duy trì trao đổi đoàn Lãnh đạo cấp cao giữa hai nước, hai Quốc hội; chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ giúp tăng cường tin cậy chính trị và thúc đẩy hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Nghị viện Anh.
Phóng viên: Trên kênh hợp tác nghị viện, đây là chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam tới Anh sau 11 năm. Vậy, ông có bình luận gì tiềm năng hợp tác giữa hai nghị viện trong thời gian tới?
PGS.TS Hoàng Anh Tuấn, Học viện Ngoại giao: Qua nghiên cứu cho thấy, quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội Anh (cả Hạ viện và Thượng viện) trong thời gian qua có nhiều bước phát triển với nhiều hoạt động thiết thực hiệu quả.
Điểm lại các sự kiện ngoại giao quan trọng giữa hai nghị viện có thể thấy, hai Bên đã duy trì trao đổi đoàn các cấp, trong đó ở đoàn cấp cao, phía Việt Nam có các chuyến thăm của: Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh (1994), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An (tháng 3/2005), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (tháng 12/2011); phía Anh có các chuyến thăm của Phó Chủ tịch Hạ viện Eleanor Laing (tháng 10/2016);…
Bên cạnh đó, hai Bên còn thường xuyên trao đổi đoàn thông qua các Ủy ban thuộc Quốc hội hai nước; Nhóm Nghị sĩ liên đảng Anh quan tâm tới Việt Nam (APPG) cũng như Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Anh… Đặc biệt, hai Bên còn duy trì trao đổi Đoàn các cấp, duy trì tiếp xúc, tham vấn tại các diễn đàn nghị viện đa phương, đặc biệt là tại Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới (IPU), Hội nghị Đối tác Nghị viện Á - Âu (ASEP).
Do đó, trên nền tảng quan hệ tốt đẹp giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Anh trong những năm qua, kỳ vọng thời gian tới, hai Bên sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc trao đổi Đoàn các cấp, duy trì tiếp xúc, tham vấn tại các diễn đàn nghị viện đa phương. Sự hợp tác hiệu quả giữa Quốc hội hai nước sẽ là nhân tố quan trọng trong việc thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược Việt - Anh.
Phóng viên: Thực hiện đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng, đối ngoại Quốc hội đã luôn là một kênh rất quan trọng, đóng góp cho sự phát triển chung của công tác đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước. Qua quan sát, ông có nhận định như thế nào về những đổi mới trong ngoại giao nghị viện nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV thời gian vừa qua?
PGS.TS Hoàng Anh Tuấn, Học viện Ngoại giao: Trong năm 2021, mặc dù là năm chuyển giao nhiệm kỳ Quốc hội, cùng với đó là những tác động lớn của đại dịch COVID-19, song đối ngoại Quốc hội không những vẫn đảm bảo được mạch phát triển mà còn diễn ra sôi động với nhiều hoạt động song phương, đa phương, qua đó nâng tầm công tác đối ngoại của Quốc hội, đưa đối ngoại Quốc hội đi vào hiệu quả và thực chất cùng nền ngoại giao Việt Nam nói chung.
Hoạt động của Quốc hội Việt Nam tại các cơ chế nghị viện đa phương được nâng tầm từ “tham gia tích cực, chủ động, có trách nhiệm” lên từng bước tham gia “dẫn dắt”, bảo vệ và thúc đẩy hiệu quả các lợi ích chiến lược của Việt Nam; khẳng định sự tham gia tích cực, có trách nhiệm vào các diễn đàn nghị viện đa phương, qua đó xác lập vị thế trong nền ngoại giao nghị viện thế giới.
Không chỉ thể hiện sự trách nhiệm, tích cực, chủ động hội nhập trên diễn đàn nghị viện đa phương thế giới, Quốc hội Việt Nam còn không ngừng nâng cao vị thế, tiếng nói của mình trong các diễn đàn nghị viện khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Đông Nam Á. Quốc hội Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Quốc hội các nước củng cố hệ thống đa phương, thúc đẩy hợp tác hướng tới xây dựng khu vực hòa bình, ổn định, tự cường và thịnh vượng.
Vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã có những đóng góp rất quan trọng; thúc đẩy quá trình đoàn kết và thống nhất trong AIPA; tăng cường hợp tác và liên kết nội khối, tác động tích cực tới chính sách và việc thực thi pháp luật của các nước trong ASEAN. Đặc biệt, Quốc hội Việt Nam luôn tôn trọng nguyên tắc của ASEAN là bảo đảm tình hữu nghị, tôn trọng độc lập, chủ quyền và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, đề cao nguyên tắc đồng thuận của tổ chức này. Đặc biệt, Tổng Thư ký Liên nghị viện ASEAN (AIPA) hiệm kỳ 2019 – 2022 do bà Nguyễn Tường Vân (Phó Vụ trưởng Vụ Đối ngoại, VPQH) đảm nhiệm. Tổng Thư ký AIPA Nguyễn Tường Vân đã có nhiều đóng tích cực trong tiến trình hoạt động và phát triển của AIPA bắt đầu từ năm 1997.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ luôn nhấn mạnh, Quốc hội Việt Nam chủ trương đẩy mạnh hoạt động ngoại giao nghị viện, tăng cường hợp tác nghị viện song phương, đồng thời tích cực tham gia các diễn đàn nghị viện đa phương khu vực và quốc tế với tinh thần là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, đóng góp tích cực cho việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Ngoại giao Nghị viện luôn là một kênh rất quan trọng, đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước. Trước bối cảnh tình hình thế giới, khu vực được dự báo có những biến động khó lường, công tác đối ngoại của Quốc hội nói chung và các chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói riêng sẽ tiếp tục khẳng định năng lực phát huy sức mạnh mềm từ khía cạnh lập pháp, đóng góp cho nhiệm vụ tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại chung của đất nước.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn PGS. TS Hoàng Anh Tuấn!