BẢO ĐẢM TÍNH TỔNG THỂ, ĐỒNG BỘ TOÀN DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG ĐƯỜNG BỘ CAO TỐC KHÁNH HÒA - BUÔN MA THUỘT

01/07/2022

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội trong việc xem xét, quyết định giao cho một cơ quan làm đầu mối chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện nhằm bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ toàn Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến tại Tổ và Hội trường về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 (Dự án). Qua tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội có 144 lượt ý kiến phát biểu tại Tổ, 37 lượt ý kiến phát biểu tại Hội trường. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 12/6/2022, Tổng Thư ký Quốc hội đã gửi dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội và nhận được 370 ý kiến góp ý, trong đó có 320 ý kiến nhất trí hoàn toàn với dự thảo, 50 ý kiến góp ý trực tiếp vào dự thảo Nghị quyết. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý và giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án.

Trình bày Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý và giải trình dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, việc đầu tư tuyến đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng, Kết luận của Bộ Chính trị, thúc đẩy phát triển du lịch, giao thương hàng hóa, thu hút đầu tư giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa hai tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa chỉ còn khoảng 1,5 giờ thay cho 3,5 - 4 giờ như hiện nay, bảo đảm nhu cầu vận tải ngày càng gia tăng khi đẩy mạnh đầu tư khu kinh tế Vân Phong và các cảng biển sẽ tăng nhu cầu kết nối hàng hóa, lưu thông giữa Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ, góp phần phát huy tiềm năng và khai thác lợi thế của vùng Tây Nguyên; kết nối, giao thương với các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, đồng thời củng cố vị trí chiến lược về an ninh, quốc phòng cho vùng Tây nguyên và đất nước.

Dự án được lập trên cơ sở xem xét sự phù hợp với các quy hoạch có liên quan để bảo đảm tầm nhìn dài hạn và phù hợp với định hướng phát triển trong tương lai bao gồm các quy hoạch: mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050... Thực hiện Luật Quy hoạch, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai đồng thời 05 quy hoạch (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không) là điều kiện thuận lợi để hoàn thành ý tưởng quy hoạch một hệ thống giao thông đồng bộ và hiện đại, bảo đảm kết nối hiệu quả giữa các phương thức nhằm tái cơ cấu thị phần vận tải; nâng cao chất lượng vận tải và giảm chi phí logistics; bảo đảm tầm nhìn dài hạn (đến năm 2050). Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương cập nhập Dự án trong quá trình lập quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống quy hoạch.

Về hình thức đầu tư, theo tính toán, nếu đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), mức vốn góp nhà nước lên đến 82% tổng mức đầu tư với thời gian hoàn vốn là 22 năm dẫn tới việc đầu tư theo phương thức PPP là khó khả thi. Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay việc thu xếp, tiếp cận nguồn tín dụng của các nhà đầu tư còn khó khăn, đồng thời thực tế triển khai một số dự án BOT thời gian qua cho thấy tiến độ chưa đạt yêu cầu đề ra và khó xác định được thời gian hoàn thành. Trong khi đó, Dự án có tính chất quan trọng, cấp bách, vì vậy đề xuất của Chính phủ là có cơ sở.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng cho biết, việc đầu tư quy mô 2 làn xe không đáp ứng được tiêu chuẩn đường cao tốc với năng lực thông hành thấp dẫn đến sẽ phải sớm đầu tư mở rộng nên không hiệu quả về đầu tư. Vì vậy, Dự án đã đề xuất phân kỳ đầu tư quy mô mặt cắt ngang tối thiểu 4 làn xe là phù hợp với nhu cầu vận tải và khả năng cân đối vốn. Đồng thời, để bảo đảm an toàn giao thông trong khai thác, dự kiến các điểm dừng xe khẩn cấp sẽ được bố trí hợp lý, kết hợp với việc vận hành đường bộ cao tốc thông qua hệ thống giao thông thông minh nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các tình huống cấp bách để bảo đảm giao thông được thông suốt. Thực tế, việc bố trí làn dừng đỗ xe khẩn cấp không liên tục này cũng được áp dụng đồng bộ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã và đang đầu tư xây dựng.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ trong bước nghiên cứu khả thi chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, xác định hướng tuyến và phương án thiết kế bảo đảm phù hợp với quy định pháp luật và thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương.

Về phân chia các dự án thành phần, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu giao Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội trong việc xem xét, quyết định giao cho một cơ quan làm đầu mối chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Dự án bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ toàn Dự án; Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm trong việc phân cấp cho các địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện các dự án thành phần bảo đảm tiến độ, chất lượng. Về việc phân chia dự án thành phần như Nghị quyết đã bảo đảm điều kiện vận hành độc lập, theo đó, đa số các dự án thành phần được phân chia tại khu vực ranh giới giữa hai địa phương, thuận lợi trong việc phân cấp ủy quyền cho các địa phương tổ chức thực hiện theo cơ chế đặc thù tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, đồng thời, đây là nội dung trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và phải được Quốc hội cho phép làm cơ sở sở triển khai các bước tiếp theo, do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Nghị quyết.

Sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án đã được lập theo quy định của Luật Xây dựng và quy định của pháp luật có liên quan, trong đó yếu tố lạm phát đã được tính toán trong chi phí dự phòng theo quy định. Tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, trong quá trình nghiên cứu khả thi, đề nghị Chính phủ trên cơ sở số liệu khảo sát chi tiết và các giải pháp thiết kế cụ thể sẽ tính toán theo quy định, cập nhật chi phí nguyên vật liệu tại thời điểm quyết định đầu tư để xác định chính xác các chi phí đầu tư, bảo đảm tính đúng, tính đủ, không để xảy ra thất thoát, lãng phí.

Đến nay, Hội đồng nhân dân của các địa phương có Dự án đi qua đã có nghị quyết và cam kết bố trí đủ vốn ngân sách địa phương cho Dự án trong giai đoạn 2021-2025, đối với phần vốn còn lại trong  giai đoạn 2026-2030 các địa phương cam kết thực hiện tuân thủ quy định tại khoản 2 Điều 89 Luật Đầu tư công năm 2019. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để bảo đảm tính khả thi về nguồn vốn cho Dự án, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin thể hiện nội dung này tại khoản 4 Điều 3 dự thảo Nghị quyết.

Trong điều kiện nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội rất lớn, tuy nhiên nguồn vốn ngân sách nhà nước khó khăn, không thể đáp ứng được hết yêu cầu thực tiễn; vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước chủ yếu là vốn vay, việc thu phí bảo trì trên đầu phương tiện hằng năm không thể đáp ứng đủ nhu cầu vốn để thực hiện công tác vận hành, bảo trì các công trình đường bộ. Do đó, việc thu phí dịch vụ sử dụng các tuyến đường bộ cao tốc đầu tư toàn bộ bằng vốn ngân sách nhà nước là cần thiết, vừa bảo đảm nguồn kinh phí thực hiện công tác vận hành, khai thác và bảo trì công trình dự án, vừa tạo nguồn vốn để tái đầu tư kết cấu hạ tầng. Hơn nữa, Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được Quốc hội thông qua cũng áp dụng cơ chế này.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định tại dự thảo Nghị quyết về một trong những cơ chế, chính sách đặc biệt được áp dụng trong triển khai thực hiện Dự án là việc cho phép thu phí để thu hồi vốn đầu tư Dự án hoàn trả vào ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo tỷ lệ vốn góp đầu tư Dự án. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải chủ trì, Bộ Tài chính, các Bộ, ngành trung ương, các tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa xây dựng phương án và tổ chức thu phí để thu hồi vốn đầu tư Dự án.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương rà soát năng lực thực hiện các dự án thành phần thuộc phạm vi quản lý và các địa phương cam kết khả năng triển khai thực hiện. Trường hợp không bảo đảm đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý, các địa phương cần phải thuê các đơn vị tư vấn quản lý dự án chuyên nghiệp có đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện quản lý theo quy định của pháp luật hiện hành. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu và thể hiện nội dung này tại khoản 2 và khoản 3 Điều 3 dự thảo Nghị quyết./.

Thu Phương