Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh
Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, về hợp tác đầu tư nước ngoài trong hoạt động điện ảnh, có ý kiến cho rằng dự thảo Luật quy định về các hình thức đầu tư hẹp hơn pháp luật về đầu tư. Có ý kiến đề nghị làm rõ bảo đảm phù hợp, thống nhất với quy định pháp luật đối với quy định phần góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 51% khi hợp tác đầu tư với cơ sở điện ảnh của Việt Nam để sản xuất, phát hành, phổ biến phim; làm rõ 51% vốn điều lệ là thuộc vốn điều lệ của tổ chức kinh tế hay vốn điều lệ đối với 01 bộ phim. Có ý kiến cho rằng phần góp vốn của nhà đầu tư nên cao hơn 51% vốn điều lệ để tăng cường thu hút đầu tư.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định về hợp tác đầu tư nước ngoài về điện ảnh trong dự thảo Luật là thực hiện nội luật hóa cam kết của Nhà nước với tổ chức quốc tế trong lĩnh vực điện ảnh. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật được chỉnh lý, bổ sung quy định cụ thể tỷ lệ phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài với cơ sở điện ảnh của Việt Nam để sản xuất, phát hành, phổ biến phim không vượt quá 51% vốn điều lệ bảo đảm tuân thủ cam kết quốc tế và phù hợp yếu tố đặc thù của ngành dịch vụ, vừa đáp ứng nhu cầu giải trí, vừa là công cụ có ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục và quảng bá hình ảnh đất nước. Vốn điều lệ quy định trong dự thảo Luật là vốn điều lệ của tổ chức kinh tế. Dự thảo Luật cũng đã chỉnh lý, bổ sung quy định về các hình thức đầu tư về vốn theo Luật Đầu tư.
Đối với những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh, có ý kiến cho rằng, một số quy định về hành vi bị nghiêm cấm trong dự thảo Luật còn chung chung, chưa thực sự lượng hóa cụ thể; đề nghị cần hạn chế những nội dung cấm mơ hồ vì điện ảnh là ngành nghệ thuật sáng tạo. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến đại biểu và rà soát, chỉnh lý lại khoản 1 Điều 9, bỏ cụm từ “các nội dung bị cấm bởi Luật và các quy định hành chính khác”; sửa đổi, lược bỏ một số từ ngữ chưa cụ thể, rõ ràng, trùng lặp. Đồng thời, bổ sung quy định cấm một số hành vi vi phạm cụ thể về nội dung, quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động điện ảnh.
Toàn cảnh phiên họp
Về sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước, có ý kiến đề nghị làm rõ hơn về chủ thể đầu tư dự án phim sử dụng ngân sách nhà nước. Có ý kiến đề nghị bổ sung chủ thể đầu tư sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước tại địa phương, tổ chức chính trị tại trung ương. Có ý kiến đề nghị cần huy động thêm nguồn lực xã hội để thực hiện. Giải trình nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước để phục vụ nhiệm vụ chính trị. Căn cứ tính chất, yêu cầu và để bảo đảm linh hoạt, phù hợp thực tế, nâng cao hiệu quả của sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước, cần quy định giao nhiệm vụ chủ đầu tư tập trung cho một số cơ quan, tổ chức ở trung ương (bao gồm cả tổ chức chính trị) và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Trong điều kiện ngân sách nhà nước có hạn, cần có cơ cơ chế thu hút, huy động nguồn lực xã hội tham gia. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý, quy định chủ đầu tư sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước là các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, nghề nghiệp ở trung ương và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (khoản 2 Điều 14); bổ sung quy định “Chủ đầu tư dự án sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước được huy động các nguồn tài chính hợp pháp khác để thực hiện” (khoản 4 Điều 14).
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho biết, đa số ý kiến nhất trí với hình thức sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước bao gồm giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu. Có ý kiến băn khoăn vì thiếu tiêu chí cụ thể xác định phim giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu. Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể phim được giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu; giao Chính phủ quy định Danh mục phim đặt hàng, giao nhiệm vụ. Tiếp thu đa số ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật quy định các hình thức sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước bao gồm giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu để phù hợp với quy định của Luật Đầu tư. Nhằm khắc phục hạn chế, bất cập trong thời gian qua, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác giao nhiệm vụ sản xuất phim, phù hợp đặc thù lĩnh vực điện ảnh, dự thảo Luật giao Chính phủ quy định cụ thể tiêu chí, quy trình lựa chọn dự án sản xuất phim trong các trường hợp, loại phim phục vụ nhiệm vụ chính trị, áp dụng hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định cụ thể về việc quản lý, phổ biến, khai thác những bộ phim do Nhà nước đầu tư sản xuất. Giải trình nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nêu rõ, trong những năm qua, phim do Nhà nước đầu tư sản xuất có số lượng hạn chế; việc quản lý, khai thác, phổ biến đạt hiệu quả chưa cao và còn vướng mắc về vấn đề bản quyền. Để góp phần khắc phục hạn chế nêu trên, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung quy định khuyến khích phổ biến phim Việt Nam sản xuất sử dụng ngân sách nhà nước trên truyền hình, rạp chiếu phim, phục vụ đồng bào vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và nông thôn. Vấn đề bản quyền phim đang được quy định cụ thể tại dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ và Bộ luật Dân sự. Do vậy, dự thảo Luật bổ sung quy định “Quyền sở hữu phim, quyền sở hữu quyền tác giả và quyền liên quan đối với phim sử dụng ngân sách nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật”.