CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN - ĐIỂM NHẤN TỪ VAI TRÒ DẪN DẮT CỦA CHỦ TỌA

09/06/2022

Sau 2,5 ngày thực hiện với tinh thần khẩn trương, trí tuệ, sâu sắc, đi thẳng vào vấn đề, kết thúc nội dung rõ ràng, xuyên suốt... Phiên họp Chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra thành công tốt đẹp. Đây cũng là nội dung luôn được Nhân dân và cử tri cả nước đặc biệt quan tâm theo dõi tại mỗi kỳ họp Quốc hội. Tạo nên thành công này, ngoài chất lượng câu hỏi, câu trả lời và các ý kiến tranh luận thì vai trò điều hành, dẫn dắt của Chủ tọa là vô cùng quan trọng…

 

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV chất vấn 04 nhóm vấn đề

Sau 2,5 ngày làm việc khẩn trương, sôi nổi, tập trung trí tuệ và trách nhiệm cao (từ chiều 07- 09/6/2022), Quốc hội đã hoàn thành tốt đẹp Phiên chất vấn và trả lời chất chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV.

Phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi, thu hút được sự quan tâm, chú ý rộng rãi của Nhân dân và cử tri cả nước. Cùng với ba vị Bộ trưởng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm trả lời chính, các đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Bộ trưởng các bộ: Công Thương; Tài nguyên và Môi trường; Giáo dục và Đào tạo; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Xây dựng đã tham gia trả lời, giải trình, làm rõ thêm các nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã thay mặt Chính phủ báo cáo làm rõ hơn những vấn đề trách nhiệm chung của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội tham gia phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Thống kê cho thấy, đã có 266 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký tham gia chất vấn; 131 lượt đại biểu Quốc hội đã thực hiện tại phiên chất vấn, trong đó có 34 đại biểu đặt câu hỏi đối với Phó Thủ tướng Chính phủ; 28 lượt đại biểu Quốc hội đã tiến hành tranh luận để làm rõ hơn những vấn đề đại biểu quan tâm.

Thông qua phiên chất vấn, các vị đại biểu Quốc hội đã quán triệt đầy đủ các nguyên tắc về cách thức đặt câu hỏi, trả lời chất vấn và cách thức trao đổi, cách thức tranh luận đảm bảo đúng thời gian quy định, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao; Các Bộ trưởng đều thể hiện bản lĩnh, nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách. Kết quả phiên chất vấn cho thấy, việc lựa chọn các nhóm vấn đề chất vấn là đúng và trúng những vấn đề đã kéo dài nhiều năm nhưng chưa được giải quyết một cách đầy đủ và căn cơ. Kết quả của phiên chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy sự cầu thị, nghiêm túc, trách nhiệm cao của tập thể Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng, Trưởng ngành,...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV

Đảm bảo đúng quy định Nội quy kỳ họp

Điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã thể hiện rõ nét vai trò của Chủ tọa phiên họp. Dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Quốc hội, phiên chất vấn từ chiều 07/6 đến hết ngày 09/6 đã diễn ra đúng quy định của Nội quy kỳ họp; giữ nhip độ đều đặn trong suốt kỳ chất vấn; linh hoạt trong những trường hợp cần thiết.

Đồng thời, bảo đảm sự bình đẳng giữa các đại biểu có quyền chất vấn và giữa những chức danh phải trả lời chất vấn theo đúng tại khoản 3, Điều 21, Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành. Trong suốt quá trình diễn ra hoạt động chất vấn, đã phát huy tính được tính dân chủ, nhất là trong tranh luận, giải trình. 

Linh hoạt, uyển chuyển

Dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, phiên chất vấn diễn ra theo phương châm 'Hỏi nhanh - Đáp gọn'. Theo đó, về cách thức đặt câu hỏi chất vấn, mỗi lượt có 3-5 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, mỗi đại biểu nêu chất vấn đều tuân thủ không quá 1 phút. Bộ trưởng/trưởng ngành trả lời không quá 3 phút/chất vấn.

Với sự linh hoạt, uyển chuyển, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dẫn dắt hoạt động chất vấn đi đúng quỹ đạo theo những nhóm vấn đề đã được Quốc hội lựa chọn, cân bằng thời gian hỏi và trả lời để bảo đảm đúng trọng tâm. Đồng thời, tạo được không khí tranh luận sôi nổi, thẳng thắn, đi đến cùng vấn đề được nêu.

Không máy móc trong điều hành, để tăng tính đối thoại trong nghị trường Quốc hội, tại phiên chất vấn, tất cả đại biểu giơ biển tranh luận đều được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mời phát biểu theo đúng quy định không quá 3 phút.

Sự linh hoạt từ Chủ tọa điều hành phiên chất vấn còn thể hiện rõ thông qua việc, Chủ tịch Vương Đình Huệ đã kịp thời nhắc các Bộ trưởng/trưởng ngành những nội dung cần trả lời trong trường hợp bộ trưởng/trường ngành không bao quát hết được câu hỏi  để các đại biểu đều cảm thấy hài lòng với việc câu hỏi chất vấn nêu được trả lời đầy đủ.

Chia sẻ với những áp lực, “sức nóng” từ nghị trường đối với các vị Bộ trưởng/tư lệnh ngành, Chủ tịch Quốc hội lưu ý mỗi đại biểu Quốc hội chỉ lựa chọn một đến vài vấn đề thực sự nổi cộm, cấp thiết, đã nghiên cứu sâu để đặt câu hỏi; cách thức truyền đạt nội dung chất vấn cần rõ ràng, mạch lạc để Bộ trưởng/trưởng ngành có thể tổng hợp, lĩnh hội được đầy đủ nội dung chất vấn.

Bên cạnh đó, tránh biến chất vấn thành phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ luôn ưu tiên dành thời gian cho Bộ trưởng/trưởng ngành có đủ thậm chí thêm thời gian để có thể giải trình, trả lời làm rõ, sâu hơn các vấn đề được đại biểu nêu. Đồng thời, yêu cầu các bộ trưởng/trưởng ngành có liên quan thuộc phạm vi quản lý cùng tham gia phát biểu, giải trình. Qua đó, các nội dung được nêu tại phiên chất vấn được trả lời cơ bản toàn diện, triệt để, dưới nhiều góc độ,…

Truy đến cùng vấn đề

Với vai trò Chủ tọa, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã điều hành phiên chất vấn khoa học, kỹ lưỡng trong từng câu chữ, sâu sắc từng nội dung vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Theo dõi từng lĩnh vực chất vấn, có thể thấy, sau mỗi ý kiến trả lời chất vấn, Chủ tọa đã nêu những nội dung mà Bộ trưởng/trưởng ngành chưa trả lời hoặc trả lời chưa thỏa đáng theo ý kiến chất vấn của đại biểu Quốc hội, từ đó tạo điều kiện cho các Bộ trưởng/trưởng ngành nghiên cứu bổ sung kịp thời.

Bên cạnh đó, sau phiên chất vấn đối với từng Bộ trưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ luôn dành thời gian để tóm tắt, đánh giá nội dung chất vấn và trả lời chất vấn một cách sâu sắc để có cơ sở cho Quốc hội ban hành Nghị quyết về chất vất và trả lời chất vấn cho sát đúng với nội dung, yêu cầu đề ra.

Theo sát từng nội dung chất vấn, Chủ tịch Quốc hội kịp thời yêu cầu các các Bộ trưởng/trưởng ngành bổ sung, làm rõ những vấn đề trả lời chưa thỏa đáng, còn chung chung,  chưa có “đáp án ”. Nhấn mạnh, “câu hỏi khi nào, đến bao giờ,… là nội dung cử tri chờ đợi”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý và thường xuyên nhắc nhở các Bộ trưởng/trưởng ngành trả lời chất vấn phải “đúng, trúng vấn đề”, “rõ thời gian, tiến độ thực hiện”...

Đơn cử, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn thuộc lĩnh vực Tài chính, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm rõ vấn đề đại biểu nêu, xác định cụ thể trách nhiệm thuộc cơ quan nào. “Hiện nay cử tri và Nhân dân đang trông chờ phản ứng chính sách, đề nghị Bộ trưởng quan tâm thể hiện rõ quan điểm, nguyên tắc của mình. Bộ trưởng cho biết đã ban hành bao nhiêu văn bản đề xuất rất cụ thể để các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết định về giá cơ sở của mặt hàng xăng dầu, và những mặt hàng khác…”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tại phiên chất vấn.

Hay tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn thuộc lĩnh vực ngân hàng, để làm rõ hơn những vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phối hợp với Bộ Tài chính làm rõ trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong việc tham gia quản lý, lành mạnh hóa, chống gian lận, thất thoát, sai phạm trong lĩnh vực thị trường chứng khoán, cổ phiếu và thị trường trái phiếu doanh nghiệp…

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phối hợp giải trình để làm rõ thêm vấn đề liên quan đến giá sách giáo khoa mà các đại biểu Quốc hội quan tâm.

Tạo nên sự kịch tính

Tạo không khí sôi nổi cho phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với vai trò Chủ tọa điều hành đã lựa chọn những nội dung mang tính nổi cộm, những vấn đề đang được dư luận quan tâm để xoáy sâu, yêu cầu các bộ trưởng/trưởng ngành mổ xẻ, phân tích làm rõ.

Điều hành nội dung phiên chất vấn thuộc lĩnh vực nông nghiệp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, với trách nhiệm quản lý nhà nước và tư lệnh ngành, lĩnh vực, “nếu Bộ trưởng trả lời rằng, để giải quyết điểm nghẽn, ách tắc ở đâu thì hỏi địa phương…”, vậy vai trò của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở đâu?

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời thẳng, cụ thể thực trạng đang thế nào, người nông dân trông chờ điều gì, chủ trương, Nghị quyết đã có, bây giờ Bộ trưởng có định hướng là gì và triển khai cụ thể ra sao…?

Dẫn chứng lại câu hỏi chất vấn của đại biểu Trần Thị Hoa Ry, Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu về giá vật tư nông nghiệp tăng cao, được mùa mất giá thì nghẽn ở đâu, giải quyết thế nào? Chủ tịch Quốc hội khẳng định “Hỏi địa phương thì không cần buổi chất vấn này”,…

Hay tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn về lĩnh vực giao thông, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, tiến độ một số dự án giao thông, nhất là công trình trọng điểm quốc gia chậm là do tăng giá vật liệu, nhà thầu cho biết, nếu làm thì sẽ không đủ phương án tài chính.

Thực tế như Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói và như Quốc hội nắm được, đối với các dự án này, các hợp đồng xây lắp đều có cơ chế điều chỉnh giá, chậm ở đây là do thủ tục, quy trình thôi, có phải thế không? Hay là các nhà thầu thiệt thòi. Cho nên phải nói cho rõ vấn đề này”, Chủ tịch Quốc hội băn khoăn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, “dư luận và nhân dân nghĩ rằng, bây giờ ký hợp đồng và chọn thầu xong mà giá cao như thế thì nhà thầu như thế nào? Tất cả đều là hợp đồng điều chỉnh giá. Bây giờ trách nhiệm việc điều chỉnh giá có phải do giá tăng, giá giảm hay không? Các bộ, ngành, địa phương như thế nào, giải pháp khắc phục tới đây ra sao?”. Do đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu vấn đề này cần phải tường minh, tránh gây hiểu nhầm nhà thầu như vậy là thiệt thòi.

Như vậy, chính sự tinh tế trong phát hiện, lựa chọn vấn đề được nêu trực tiếp tại phiên chất vấn của Chủ tịch Quốc hội đã tạo nên tính kịch tính, sự lôi cuốn, hấp dẫn của phiên chất vấn. Đồng thời, thông qua những gợi ý, phát hiện vấn đề của Chủ tịch Quốc hội là cơ sở, tác động nhất định đến việc hoàn thiện thể chế, chính sách.

Nhận định kịp thời của Chủ tịch Quốc hội về nội dung chất vấn của đại biểu Trịnh Xuân An – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai “đây là lần đầu tiên vấn đề này được đặt ra tại phiên chất vấn của Quốc hội, là nội dung mà hầu hết các tổ chức tín dụng hiện giờ đang rất quan tâm; đề nghị Thống đốc Nguyễn Thị Hồng lưu tâm, nghiên cứu kỹ để trả lời…”, cũng tạo cho không khí nghị trường thêm phần sôi nổi, cho cử tri theo dõi thêm chờ đợi phần trả lời của Thống đốc Ngân hàng.

Qua các nhiệm kỳ Quốc hội, hoạt động chất vấn luôn được cải tiến, đổi mới. Dư âm cũng như hiệu ứng từ các phiên chất vấn có sức lan tỏa mạnh mẽ, khiến đây không chỉ đơn thuần là một hình thức hoạt động giám sát trực tiếp mà còn tăng cường trách nhiệm giải trình, nhất là của người đứng đầu, là dịp để tương tác, bổ trợ cho hoạt động giám sát khác, cũng như thực hiện chức năng lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của Quốc hội./.

Lan Anh