Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu được ban hành trong bối cảnh hết sức đặc biệt. Từ ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu đã gây đổ vỡ nhiều định chế tài chính, đẩy kinh tế khu vực và kinh tế thế giới vào suy thoái, từ đó ảnh hưởng lớn đến thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế trong nước; kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ diễn biến bất ổn, thị trường bất động sản, chứng khoán sụt giảm mạnh, trầm lắng kéo dài, tác động bất lợi cho hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam. Hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng ở thời điểm cuối năm 2011 hết sức khó khăn, thanh khoản căng thẳng, nợ xấu - “cục máu đông” của hệ thống các tổ chức tín dụng tích tụ rất lớn, một bộ phận không nhỏ các tổ chức tín dụng trong trạng thái thiếu hụt nghiêm trọng khả năng chi trả, tiềm ẩn rủi ro gây đổ vỡ hệ thống, tác động đến toàn bộ đời sống, kinh tế, xã hội và hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
Kết quả tổng kết, đánh giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy cơ sở pháp lý đối với công tác xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng thời gian trước khi ban hành Nghị quyết số 42 còn thiếu, chưa đồng bộ. Trước khi Nghị quyết số 42 được ban hành, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã được kiểm soát nhưng nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu còn cao. Tính đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu là 10,08% tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế.
Toàn cảnh phiên họp
Vì vậy, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ quan tâm, quyết liệt chỉ đạo thực hiện để đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả công tác xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng, góp phần khơi thông được nguồn vốn của hệ thống ngân hàng, qua đó tăng cường mức độ an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng và thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế.
Việc xây dựng Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ về xử lý nợ xấu, đảm bảo phù với thực tiễn và tiệm cận các chuẩn mực, thông lệ quốc tế cũng như xử lý những vấn đề bất cập, xung đột pháp lý giữa các văn bản quy phạm pháp luật; Xử lý các vướng mắc, khó khăn pháp lý hiện hành liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ của tổ chức tín dụng, tạo cơ chế xử lý đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, khả thi, kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm các khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, đảm bảo các tổ chức tín dụng tiếp tục phát huy tốt vai trò là kênh dẫn vốn chủ đạo và đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế; Xử lý cơ bản và duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn, dưới 3% tổng dư nợ của hệ thống tổ chức tín dụng, nâng cao vai trò, năng lực của VAMC.
Đánh giá việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế đánh giá cao những nỗ lực và sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, vai trò đầu mối của Ngân hàng nhà nước cũng như sự tham gia vào cuộc của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương có liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức phối hợp, triển khai thực hiện Nghị quyết số 42. Các đối tượng của Nghị quyết như Công ty TNHH một thành viên quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), các tổ chức tín dụng (tổ chức tín dụng) cũng đã ban hành các quy định, quy chế, văn bản hướng dẫn nội bộ nhằm cụ thể hóa việc triển khai xử lý nợ xấu theo Nghị quyết. Công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết cũng được thực hiện thường xuyên, bảo đảm đúng quy định.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, các văn bản hướng dẫn về xử lý nợ xấu được ban hành đã cơ bản thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và đúng yêu cầu tại Nghị quyết số 42, qua đó tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng một số văn bản hướng dẫn chưa được ban hành kịp thời, làm ảnh hưởng đến tính hiệu lực của Nghị quyết số 42 và hiệu quả của công tác xử lý nợ xấu, như: Bộ Tài chính ban hành văn bản số 4606/BTC-TCT ngày 20/8/2018 về triển khai Nghị quyết số 42 sau khi Nghị quyết 42 có hiệu lực 12 tháng; Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại tòa án nhân dân (Nghị quyết số 03) sau khi Nghị quyết 42 có hiệu lực 9 tháng...
Về kết quả thực hiện thí điểm xử lý nợ xấu, Ủy ban Kinh tế cơ bản thống nhất với Báo cáo của Chính phủ về đánh giá kết quả thí điểm xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42. Từ khi có hiệu lực thi hành, Nghị quyết đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực, thể hiện định hướng, chính sách đúng đắn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, qua đó củng cố niềm tin của xã hội đối với công tác xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng; đóng góp quan trọng vào kết quả triển khai Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết số 24/2016/QH14 của Quốc hội và Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Trong thời gian áp dụng Nghị quyết, nợ xấu được xử lý của hệ thống các tổ chức tín dụng có nhiều tiến triển, nhất là nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42. Các hình thức xử lý nợ xấu được đa dạng hóa, đặc biệt là xử lý nợ xấu nội bảng thông qua hình thức khách hàng tự trả nợ tăng mạnh so với trước đây; một số biện pháp được thí điểm theo Nghị quyết số 42 như mua bán nợ theo giá trị thị trường, xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán từng bước phát huy tác dụng. Lũy kế từ 15/8/2017 đến 31/12/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được hơn 70% tổng số nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42 tại thời điểm 15/8/2017 và bằng 47,9% tổng số nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42 tại thời điểm 31/12/2021.
Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng cho biết, các cơ chế tại Nghị quyết số 42 cũng đã tạo động lực khuyến khích các tổ chức tín dụng bán nợ xấu theo giá thị trường, các tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu hoạt động sôi động hơn, năng lực tài chính của VAMC được tăng cường và hoạt động của VAMC đạt kết quả cao hơn so với giai đoạn trước, từ đó bước đầu tạo lập, phát triển thị trường mua bán nợ. Quan trọng hơn, cùng với ngành ngân hàng, các Bộ, ngành, cơ quan liên quan đã vào cuộc để thúc đẩy mạnh mẽ hơn công tác xử lý nợ xấu, tạo sự thay đổi đáng kể về nhận thức, trách nhiệm của các bên liên quan từ khi Nghị quyết có hiệu lực.