TIẾP THU, GIẢI TRÌNH Ý KIẾN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VỀ DỰ KIẾN CHƯƠNG TRÌNH GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI NĂM 2023

06/06/2022

Trước khi Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, Tổng Thư ký Quốc hội – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023.


Tổng Thư ký Quốc hội – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, chiều ngày 23/5/2022, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội cùng với dự thảo Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023. Hầu hết các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành với nội dung Tờ trình và dự thảo Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023; đồng thời đã lựa chọn các chuyên đề giám sát.

Quốc hội quyết định sẽ giám sát tối cao đối với chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” và chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.

Tổng Thư ký Quốc hội – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cũng cho biết, Chuyên đề về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” và chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” sẽ giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát.

Theo Báo cáo tiếp thu, giải trình, đối với chuyên đề 01 về các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và y tế cơ sở, y tế dự phòng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, hiệu quả của việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 là vấn đề được cử tri, Nhân dân đặc biệt quan tâm, theo dõi và được đa số các vị đại biểu Quốc hội lựa chọn (61.94%). Kết quả kiểm toán, thanh tra về nội dung này sẽ là nguồn tư liệu quan trọng để Quốc hội có cơ sở tiến hành giám sát tối cao một cách toàn diện hơn. Hơn nữa, thực tế công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua cũng bộc lộ nhiều vấn đề liên quan đến y tế cơ sở, y tế dự phòng; do đó, việc giám sát kết hợp như chuyên đề sẽ có cái nhìn tổng quan, đầy đủ hơn, góp phần định hướng giải pháp xây dựng và hoàn thiện hơn hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Đối với việc giới hạn phạm vi giám sát của chuyên đề giám sát, căn cứ tình hình thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo xác định trọng tâm, trọng điểm khi chuẩn bị dự thảo Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát trình Quốc hội và khi xây dựng kế hoạch chi tiết của Đoàn giám sát; do đó, xin phép Quốc hội cho được giữ tên chuyên đề như dự thảo.

Đối với chuyên đề 02 về việc triển khai thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, có ý kiến đề nghị cân nhắc việc lựa chọn chuyên đề này để tiến hành giám sát vì thời gian triển khai chưa nhiều, không có nhiều nội dung để xem xét, đánh giá.

Tổng Thư ký Quốc hội – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, các chương trình mục tiêu quốc gia này đều được ban hành từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (tính đến năm 2023 cũng được nửa nhiệm kỳ), có ý nghĩa quan trọng cả về kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng, tác động rộng lớn đến đối tượng thụ hưởng, phần lớn ở các địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn. Tuy nhiên, tiến độ triển khai thực hiện thời gian qua còn chậm so với kế hoạch đề ra, làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của chương trình cũng như triển khai các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống của Nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới và hải đảo. Do đó, việc lựa chọn chuyên đề này để Quốc hội tiến hành giám sát tối cao là rất cần thiết, nhằm mục đích nhận diện đầy đủ những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan để tháo gỡ kịp thời, giúp cho việc thúc đẩy triển khai chương trình đạt hiệu quả như mục tiêu đề ra; đồng thời, cũng phù hợp với quyết định của đa số đại biểu Quốc hội (59.46%).

Liên quan tới chuyên đề 03 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc lựa chọn chuyên đề này để tiến hành giám sát trong năm 2023 là phù hợp, được các vị đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân quan tâm. Căn cứ kết quả lựa chọn của các vị đại biểu Quốc hội, chuyên đề này sẽ được giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát và báo cáo kết quả giám sát với Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.

Đối với chuyên đề 04 về phát triển năng lượng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc lựa chọn chuyên đề này có ý nghĩa quan trọng khi đất nước ta đang đứng trước thách thức lớn về bảo đảm an ninh năng lượng, đáp ứng nhu cầu đủ năng lượng để phát triển kinh tế-xã hội, sinh hoạt của người dân, có giải pháp định hướng cho việc thực hiện chỉ tiêu phát thải ròng và đòi hỏi cấp thiết về việc chuyển đổi nguồn năng lượng hóa thạch sang năng lượng sạch, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, sinh khối… Bên cạnh đó, việc lựa chọn tên, phạm vi, đối tượng giám sát của từng chuyên đề đã được cân nhắc nhiều mặt và được thực hiện theo quy trình chặt chẽ; căn cứ tình hình thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiên cứu điều chỉnh phạm vi, đối tượng, nội dung giám sát cho phù hợp, bảo đảm tính khả thi, thiết thực và hiệu quả. Do đó, xin phép Quốc hội cho được giữ như dự thảo.

Ngoài ra, Tổng Thư ký Quốc hội – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, trong quá trình xây dựng kế hoạch và triển khai giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục xem xét điều chỉnh phương thức giám sát cho phù hợp với thực tế; đồng thời, yêu cầu các Đoàn giám sát nghiên cứu đổi mới, chuẩn bị và hướng dẫn các đề cương báo cáo để phù hợp hơn với từng đối tượng./.

Thu Phương