Tình trạng vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng có chiều hướng gia tăng
Cần thiết phải xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 17/11/2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011. Trong hơn 10 năm thực thi (2011-2022), các quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn Luật đã góp phần thay đổi mạnh mẽ, đồng thời, kiến tạo các khung khổ, nền tảng cơ bản vững chắc để tiếp tục tạo dựng sự phát triển của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện bối cảnh trong nước và quốc tế đang có nhiều thay đổi, quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng. Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014 đã bổ sung nhiều quy định liên quan đến việc bảo đảm đầy đủ các quyền con người, quyền công dân. Bên cạnh đó, sự phát triển kinh tế, xã hội cũng như sự xuất hiện của dịch bệnh COVID-19 đã làm xuất hiện và thúc đẩy sự phát triển của nhiều hình thức kinh doanh, tiêu dùng mới, đặc biệt là các giao dịch trên môi trường điện tử, các giao dịch xuyên biên giới, các dịch vụ chia sẻ trên nền tảng công nghệ số...
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 do Bộ Công thương lấy ý kiến gồm có 6 chương, gồm 51 điều. Sau khi sửa đổi, bổ sung, dự kiến, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sẽ có bố cục 7 chương và 80 điều. So với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) giữ nguyên 13 điều khoản (các Điều 13, 17, 28, 34, 47, 66, 67, 68, 70, 72, 73, 79, 80 của Dự thảo), sửa đổi 38 điều khoản và bổ sung mới 29 điều khoản.
Theo TS. Phan Thị Lan Phương, hiện nay tình trạng vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng xảy ra khá nhiều và có chiều hướng tăng lên. Trong khi đó, giai đoạn từ 2020-2022, thế giới phải đối mặt với sự lây lan nhanh chóng của dịch Covid-19, làm ảnh hưởng rất lớn đến thói quen tiêu dùng và mở ra nhiều cơ hội cho các hình thức kinh doanh mới dựa trên việc khai thác các ứng dụng của nền tảng công nghệ số. Các giao dịch điện tử trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống, mang lại nhiều thuận lợi cho các giao dịch tiêu dùng nhưng đồng thời cũng mang đến nhiều bất cập, như nhận thức về quyền của người tiêu dùng, đạo đức kinh doanh và đặc biệt là những bất cập từ quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà chúng ta cần phải có các giải pháp khắc phục.
TS. Phan Thị Lan Phương cho rằng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 đến nay đã bộ lộ nhiều hạn chế, gây khó khăn trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Một số bất cập được TS. Phan Thị Lan Phương nêu rõ như: Một số khái niệm về người tiêu dùng được quy định trong Luật còn chưa rõ ràng, chưa phù hợp với điều kiện hiện tại; Bất cập trong quy định của pháp luật về quản lý các cá nhân kinh doanh thương mại; Bất cập trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong giao dịch bằng hình thức kinh doanh mới; Quy định về Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn nhiều hạn chế;…
Do đó, TS. Phan Thị Lan Phương khẳng định, việc xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) là hoạt động cần thiết, kịp thời, nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong quá trình thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia hoặc đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục để tham gia.
Hoàn thiện quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Để khắc phục được những hạn chế về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng hiện nay, TS. Phan Thị Lan Phương đề xuất việc sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 theo hướng như sau:
Một là, rà soát, chỉnh sửa lại các khái niệm được quy định trong Luật còn chưa phù hợp với yêu cầu của các giao dịch phát sinh trong điều kiện kinh doanh mới; một số thuật ngữ sử dụng trong Luật còn chưa phù hợp và thống nhất với các luật có liên quan. Bên cạnh đó, cũng cần làm rõ và mở rộng hơn khái niệm về “người tiêu dùng”, để mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với quyền lợi của người tiêu dùng trong các giao dịch truyền thống, cũng như các giao dịch của hình thức kinh doanh mới.
Hai là, đối với việc bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng trong các giao dịch được thực hiện qua mạng Internet, cần phải quy định theo hướng tăng trách nhiệm của các chủ thể kinh doanh trong việc bảo mật thông tin khách hàng.
Ba là, Luật cũng cần quy định rõ hơn nữa về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng đối với các hành vi bị cấm như là quảng cáo sai sự thật hàng hoá, che giấu thông tin hàng hoá…
Bốn là, đối với hình thức giao dịch được thực hiện qua mạng Internet, cần phải có quy định về việc giám sát tính trung thực trong giao dịch, bằng cách quy định về quyền và nghĩa vụ của bên thứ ba tham gia vào việc giám sát tính trung thực trong các giao dịch, và có cơ chế để chủ thể kinh doanh khi sử dụng ứng dụng của internet không tự mình xoá được tài khoản bán hàng khi bị phát hiện có hành vi kinh doanh không trung thực.
Năm là, đối với các cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh, hiện được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, cần phải sửa đổi theo hướng chặt chẽ hơn, đó là quy định dù hoạt động dưới hình thức là người bán hàng rong, đánh giày hoặc buôn chuyến đều phải đăng ký và được cấp phép hành nghề để thuận tiện hơn trong việc quản lý hoạt động kinh doanh của họ, đồng thời cũng cần có cơ chế kiểm tra, giám sát đối với các chủ thể kinh doanh này.
Sáu là, về các quy định liên quan đến Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật cũng cần sửa đổi theo hướng tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội đối với hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, qua việc tăng quyền và trách nhiệm của Hội; quy định cụ thể và tăng mức kinh phí hoạt động của Hội; mở rộng hơn phạm vi các loại việc mà Hội được cấp kinh phí để thực hiện các hoạt động nhằm bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, trong đó có cả chi phí để thuê luật sư, chi phí giám định chứng cứ… khi đại diện cho người tiêu dùng khởi kiện ra toà với các vụ việc vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, cũng cần quy định rõ về tiêu chuẩn, số lượng thành viên chuyên trách có thể từ một đến hai người, cũng như quy định về quyền lợi, nghĩa vụ của họ nhằm giúp các thành viên chuyên tâm trong việc thực hiện trách nhiệm và nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng hơn.
Bảy là, đối với quy định về nghĩa vụ của người tiêu dùng trong việc lựa chọn hàng hóa tại khoản 1 Điều 9 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 thì nên có quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm của nhà sản xuất, của chủ thể kinh doanh khi đưa hàng hoá ra lưu hành trên thị trường./.