NHÂN LỰC Y TẾ CẦN ĐƯỢC TUYỂN CHỌN, ĐÀO TẠO, SỬ DỤNG VÀ ĐÃI NGỘ ĐẶC BIỆT

01/06/2022

Thẩm tra dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu thể chế hóa quan điểm của Đảng trong lĩnh vực y tế, theo đó, nghề y là một nghề đặc biệt, nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt.

 

Luật Khám bệnh, chữa bệnh được Quốc hội thông qua năm 2009 cùng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đã tạo hành lang pháp lý vô cùng quan trọng cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, thành tựu đạt được, sau hơn 11 năm triển khai thi hành, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 đã nảy sinh một số vướng mắc, bất cập, những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn chưa có cơ chế pháp lý để giải quyết trong việc quản lý người hành nghề, điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề; việc sử dụng ngôn ngữ của người hành nghề là người nước ngoài; thời hạn giá trị của chứng chỉ hành nghề;  hình thức tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; quản lý chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; các điều kiện bảo đảm cho công tác khám bệnh, chữa bệnh; bảo đảm an ninh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh…

Bên cạnh đó, một số quy định không còn thực sự phù hợp với thực tiễn và pháp luật có liên quan như quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, nguồn tài chính,.. hoặc chưa có quy định như phân cấp hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quan điểm của Đảng tại Nghị quyết số 19-NQ/TW, Nghị quyết 20-NQ/TW… Một số quy định về thẩm quyền, thủ tục hành chính như các quy định liên quan đến cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động, thủ tục cấp phép khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo... không còn phù hợp với thực tiễn. Cùng với đó, thực tiễn công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian qua cho thấy đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập: vấn đề điều động nhân lực; vấn đề cấp giấy phép hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; vấn đề khám bệnh, chữa bệnh từ xa; vấn đề kê đơn, cấp phát thuốc cho người bệnh.

Toàn cảnh phiên họp

Đồng thời, việc xây dựng dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) để thể chế Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới; Nghị quyết số 41/2021/QH15 ngày 13 tháng 11 năm 2021 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV. Do đó, để thể chế hóa quan điểm của Đảng, khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 và giải quyết các vấn đề về thực tiễn phát sinh chưa có cơ sở pháp lý thì việc xây dựng dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là rất cần thiết.

Thẩm tra dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về sự phù hợp của dự án Luật với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất với hệ thống pháp luật của dự án Luật, Ủy ban Xã hội thấy rằng, về cơ bản, các nội dung của dự án Luật đã thể chế hóa được quan điểm, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp.

Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát để thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng trong lĩnh vực y tế, các Nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội có liên quan đến lĩnh vực khám, chữa bệnh, đặc biệt là tiếp tục nghiên cứu để thể chế hóa sâu sắc, cụ thể hơn nữa về các quan điểm như: Nghề y là một nghề đặc biệt. Nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt; Nhà nước tổ chức cung cấp dịch vụ công, bảo đảm các dịch vụ cơ bản, đồng thời khuyến khích hợp tác công - tư, đầu tư tư nhân, cung cấp các dịch vụ theo yêu cầu; Y tế chuyên sâu đồng bộ và cân đối với y tế cộng đồng; gắn kết y học cổ truyền với y học hiện đại, quân y và dân y; Phát triển mạnh hệ thống cấp cứu tại cộng đồng và trước khi vào bệnh viện; Tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế và có cơ chế giá, cơ chế đồng chi trả nhằm phát triển vững chắc hệ thống y tế cơ sở.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh

Cùng với đó, Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất của các quy định trong dự thảo Luật với các luật hiện hành, tính thống nhất của dự thảo Luật với các văn bản quy phạm pháp luật trong cùng lĩnh vực và các lĩnh vực có liên quan đến nội dung dự án, dự thảo, tính tương thích của dự thảo văn bản với điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên theo quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về việc bảo đảm chính sách dân tộc trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Ủy ban Xã hội cho rằng, Cơ quan soạn thảo đã có quy định nhằm đảm bảo chính sách dân tộc trong dự thảo Luật tại khoản 1 Điều 4 dự thảo Luật. Tuy nhiên, để thể hiện rõ quy định của Hiến pháp năm 2013 về chính sách ưu tiên của Nhà nước đối với công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, Ủy ban Xã hội và Hội đồng Dân tộc đề nghị Cơ quan soạn thảo thể hiện rõ tại khoản 1 Điều 4 dự thảo Luật nội dung “Nhà nước có chính sách ưu tiên chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở miền núi, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”.

Ủy ban Xã hội cũng đề nghị bổ sung trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nguồn nhân lực y tế, dịch vụ khám, chữa bệnh tại vùng miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để đồng bào dân tộc thiểu số được thụ hưởng đầy đủ quyền được khám, chữa bệnhvà hưởng các chính sách ưu tiên theo quy định.

Ngoài ra, về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, Ủy ban Xã hội cho rằng, Cơ quan soạn thảo dự án Luật đã có Báo cáo Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới theo quy định và đã đánh giá một số vấn đề giới trong lĩnh vực khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để bổ sung các quy định đặc thù trong khám, chữa bệnh đối với nạn nhân bị bạo lực giới, các quy định về cơ chế đặc thù cho nữ cán bộ y tế làm việc tại cơ sở điều trị, đặc biệt là những người có thời gian làm việc dài, áp lực như trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vừa qua.

Hồ Hương