CÔNG TÁC BAN HÀNH, THỰC HIỆN ĐỊNH MỨC, TIÊU CHUẨN, CHẾ ĐỘ LIÊN QUAN ĐẾN THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ CÒN CHẬM TRIỂN KHAI

31/05/2022

Thẩm tra công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phạm Thúy Chinh cho rằng công tác ban hành, thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn chậm triển khai so với yêu cầu, một số luật còn nợ văn bản quy định chi tiết vẫn chưa được khắc phục.

 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phạm Thúy Chinh trình bày báo cáo thẩm tra

Thẩm tra công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phạm Thúy Chinh cho biết Ủy ban Tài chính, Ngân sách cơ bản thống nhất với đánh giá của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021. Báo cáo của Chính phủ được chuẩn bị công phu, thể hiện những kết quả chủ yếu, tồn tại, hạn chế và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022. Trong bối cảnh năm 2021 là năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng của đất nước; là năm có nhiều khó khăn, thách thức do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, gây hậu quả nghiêm trọng, nhất là ở các tỉnh phía Nam; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, kiểm soát và hạn chế được tác động của dịch bệnh, phục hồi và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội; tăng trưởng kinh tế đạt 2,58%; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, đời sống nhân dân ổn định, an sinh xã hội được đảm bảo, an ninh - quốc phòng được giữ vững.

Về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc ban hành, thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết, công tác xây dựng, hoàn thiện quy định pháp luật về định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong các ngành, lĩnh vực có chuyển biến tích cực; quá trình xây dựng đã chú trọng tới việc tham vấn chính sách, pháp luật để đảm bảo tính khả thi và phù hợp với thực tiễn. Hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam được bổ sung, mức độ hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế được nâng lên, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, còn một số văn bản quy định chi tiết nội dung được giao trong các luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành chậm so với yêu cầu; một số luật còn nợ văn bản quy định chi tiết đã được các cơ quan của Quốc hội đề cập trong báo cáo kết quả giám sát nhưng đến hết năm 2021 vẫn chưa được khắc phục. Chậm rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới định mức kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành, định mức, đơn giá, tiêu chuẩn. Tình trạng vi phạm định mức, tiêu chuẩn, chế độ còn xảy ra ở nhiều cơ quan, đơn vị.

Toàn cảnh phiên họp

Đối với việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, kết quả triển khai các nhiệm vụ, chỉ tiêu, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí quy định tại Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội đã phát huy hiệu quả, góp phần đạt được nhiều kết quả tích cực trong thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách nhà nước, tạo nguồn lực quan trọng trong khắc phục hậu quả của dịch bệnh, thiên tai, tạo đà phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chính phủ đã ban hành, triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách; điều chỉnh linh hoạt chính sách thuế, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên ngay từ khâu lập dự toán; điều hành linh hoạt, cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên ; cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung dự phòng ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; tập trung kinh phí chi phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân. Tích cực huy động, sử dụng nguồn lực xã hội cho công tác phòng, chống dịch COVID-19. Cùng với việc tăng cường ngoại giao vắc-xin và hợp tác quốc tế tạo nguồn lực, góp phần tổ chức thành công, hiệu quả chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay, đưa Việt Nam từ nước tiếp cận vắc-xin khó khăn trở thành quốc gia tiêm chủng nhanh hàng đầu thế giới.

Cơ chế khoán kinh phí, tự chủ về tài chính của các cơ quan, đơn vị đạt kết quả nhất định. Tiến hành rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động, xây dựng lộ trình cơ cấu lại, sát nhập, dừng hoạt động, hoặc giải thể đối với một số quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách ở trung ương. Việc điều hành ngân quỹ nhà nước bám sát chủ trương, chính sách về tài chính, ngân sách nhà nước và tình hình thực tiễn năm 2021; bảo đảm quản lý ngân quỹ nhà nước an toàn, đáp ứng kịp thời nhu cầu thanh toán, chi trả của ngân sách nhà nước và các đơn vị giao dịch bằng cả nội tệ và ngoại tệ; tiếp tục tập trung số dư ngân quỹ tại Ngân hàng Nhà nước, hỗ trợ thực thi chính sách tiền tệ.

Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhận thấy, công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước còn những tồn tại, hạn chế làm lãng phí nguồn lực. Cụ thể, việc xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 trên cơ sở ước dự toán thu năm 2021 thấp, thể hiện việc dự báo, đánh giá tình hình không sát với thực tiễn. Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước và Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 01/07/2020, nhưng nợ thuế của doanh nghiệp vẫn có xu hướng tăng; tình trạng gian lận, trốn lậu thuế, buôn bán hóa đơn diễn biến phức tạp.

Bên cạnh đó, các Chương trình mục tiêu quốc gia đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, trong đó Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được phê duyệt từ tháng 6/2020 nhưng đến 14/10/2021 mới có Quyết định phê duyệt Chương trình và đến 30/12/2021 mới ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn, 02 Chương trình mục tiêu quốc gia còn lại chưa được phê duyệt quyết định đầu tư trong năm 2021, chưa đủ điều kiện phân bổ vốn, không triển khai thực hiện được; dẫn đến phải chuyển nguồn kinh phí kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2021 sang kế hoạch năm 2022 để phân bổ và giao kế hoạch đầu tư cho 03 Chương trình mục tiêu quốc gia. Đến ngày 19/04/2022, Chính phủ mới có Tờ trình số 134/TTr-CP về dự kiến Phương án phân bổ ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia. Việc chậm phân bổ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia đã tác động đến thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu hỗ trợ người nghèo, người yếu thế, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những địa bàn khó khăn; gây lãng phí lớn về nguồn lực ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến khả năng giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.

Ngoài ra, số lượng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách còn lớn; một số quỹ có quy mô nhỏ, phạm vi hẹp; có quỹ chưa được bổ sung đủ vốn điều lệ theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ làm giảm hiệu quả hoạt động của quỹ ; có quỹ có số dư lớn phải tạm dừng việc tổ chức thu do nhu cầu sử dụng quỹ chưa hết./.

Hồ Hương