LUẬT HÓA CÁC QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH

28/05/2022

Mới đây, tại Hội thảo khoa học “Pháp luật về quản lý địa giới hành chính: Thực trạng và giải pháp hoàn thiện” do Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, nhiều ý kiến đại biểu đề xuất cần sớm luật hóa các quy định về quản lý địa giới hành chính nhằm góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý trong lĩnh vực này.

 

Hội thảo khoa học “Pháp luật về quản lý địa giới hành chính: Thực trạng và giải pháp hoàn thiện”

Địa giới hành chính là đường ranh giới phân chia các đơn vị hành chính được đánh dấu bằng các mốc địa giới, là cơ sở pháp lý phân định phạm vi trách nhiệm của bộ máy hành chính nhà nước các cấp trong việc quản lý dân cư, đất đai, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội ở địa phương. Sự ổn dịnh của địa giới hành chính là một trong những yếu tố cơ bản bảo đảm sự ổn định của bộ máy nhà nước.

Ở nước ta, vấn đề tổ chức (phân chia) lại đơn vị hành chính đã được tiến hành ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công. Trong tiến trình xây dựng và củng cố chính quyền nhà nước, hệ thống đơn vị hành chính nước ta đã được tổ chức lại, điều chỉnh qua nhiều lần. Tính đến tháng 08/2021, cả nước có 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh, 705 đơn vị hành chính cấp huyện, 10.599 đơn vị hành chính cấp xã.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy, liên quan đến lĩnh vực này, Đảng và Nhà nước ta đã có những quan điểm, chủ trương, chính sách pháp luật rõ ràng, thể hiện sự phát triển và bám sát với những yêu cầu của thực tiễn quản lý nhà nước. Quá trình thực hiện các quy định về quản lý địa giới hành chính đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào sự ổn định, phát triển linh hoạt, tạo động lực và mở ra những tiềm năng lớn cho chính quyền và nhân dân các địa phương nhưng cũng không tránh khỏi những tồn tại, hạn chế chưa được giải quyết dứt điểm.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy

Một trong những bất cập được Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy chỉ rõ là, quy định pháp luật điều chỉnh về địa giới hành chính còn rải rác trong nhiều văn bản. Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Quy hoạch,… quy định những vấn đề cơ bản về thành lập, giải thể, sáp nhập, chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính; còn những quy định cụ thể, trực tiếp liên quan đến thành lập, giải thể, sáp nhập, chia tách, điều chỉnh địa giưới hành chính lại chủ yếu ở Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 và Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đề xuất hoàn thiện pháp luật về quản lý địa giới hành chính, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy cho rằng, cần thống nhất sử dụng khái niệm về địa giới hành chính hay địa giới đơn vị hành chính. Rõ ràng việc Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định một khái niệm mới so với Hiến pháp và Luật Đất đai năm 2013 nhưng không có sự giải thích về nội hàm khái niệm này là chưa bảo đảm tính thống nhất. Do đó, cần nghiên cứu, quy định rõ nội hàm của các khái niệm này trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc xác lập đơn vị hành chính.

Bên cạnh đó, việc hoàn thiện pháp luật về xác lập, điều chỉnh địa giới hành chính theo hướng làm rõ điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục của từng loại trình tự và mối liên hệ giữa chúng. Xác lập, điều chỉnh địa giới hành chính là các hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thiết lập một hệ thống các địa giới hành chính theo quy hoạch, chiến lược phát triển chung. Trong đó, từng hoạt động tuy có tính độc lập nhưng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, hoạt động này là tiền đề cho hoạt động khác và ngược lại, tạo thành một chu trình thống nhất trong hoạt động quản lý nhà nước về lãnh thổ và địa giới hành chính các cấp.

Đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum

Để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho vấn đề này, đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum cho rằng, cần rà soát các quy định pháp lý về quản lý địa giới hành chính để bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành  mới theo hướng quy định rõ về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính phù hợp với từng loại đơn vị hành chính, nhất là các đơn vị hành chính đô thị và các đơn vị hành chính có yếu tố đặc thù của miền núi, tây nguyên, đồng thời xây dựng quy trình thẩm định việc nhập, chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính, chặt chẽ và đầy đủ hơn.

Cho rằng, các quy định về thành lập đơn vị hành chính vừa phức tạp, chưa đủ và chậm được bổ sung, sửa đổi, đại biểu Nguyễn Quốc hội, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau kiến nghị, hoàn thiện hệ thống pháp luật về địa giới hành chính nói chung và địa giới hành chính cấp huyện nói riêng. Trong đó, nhấn mạnh sớm ban hành các văn bản quy định chi tiets và hướng dẫn thi hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015. Đồng thời, đơn giản hóa những quy định về các loại đơn vị hành chính đô thị, không nên để tình trạng một đơn vị hành chính đô thị được chia thành nhiều cấp; Những quy định của pháp luật cần tạo sự thống nhất, liên thông giữa thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thành lập, giải thể, sáp nhập, chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính của đơn vị hành chính cấp huyện với một số vấn đề khác có liên quan như công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội;….

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Đồng tình với sự cần thiết phải hoàn thiện pháp luật về quản lý địa giới hành chính, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đề xuất, xem xét ban hành Luật địa giới hành chính, làm cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về địa giới hành chính các cấp, góp phần tạo sự ổn định, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nhất là tại các vùng giáp ranh.

Ngoài ra, đại biểu còn kiến nghị Quốc hội tổ chức giám sát tối cao về công tác phân chia, cắm mốc và quản lý hồ sơ địa giới hành chính các cấp trên đại bàn cả nước, gắn với việc tổ chức, sắp xếp các đơn vị hành chính các cấp; Đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các văn bản nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý địa giới hành chính nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn./.

Lê Anh