CÂN NHẮC THỜI HẠN XÉT TẶNG HUY CHƯƠNG THANH NIÊN XUNG PHONG VẺ VANG

27/05/2022

Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), các vị đại biểu Quốc hội cho rằng, việc bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” là sự ghi nhận, trân trọng công lao to lớn đối với lực lượng thanh niên xung phong đã có đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị cần cân nhắc về thời hạn xét tặng danh hiệu này.

 

Toàn cảnh phiên họp

Theo Báo cáo Tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, việc bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” còn có ý kiến khác nhau. Theo đó, có ý kiến thống nhất với Tờ trình của Chính phủ, đề nghị bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị không quy định “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” trong dự thảo Luật.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, đồng thời, để thực hiện Kết luận của Ban Bí thư và Kết luận của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo việc tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” đối với Thanh niên xung phong có thành tích trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc như thể hiện tại khoản 2 Điều 96 của dự thảo Luật. Đồng thời, đề nghị Chính phủ lưu ý rà soát đối tượng Thanh niên xung phong thời kỳ bảo vệ Tổ quốc, quy định chặt chẽ để bảo đảm ý nghĩa của hình thức khen thưởng này khi thực hiện nhiệm vụ được giao tại khoản 3 của Điều 96.

Về ý kiến cho rằng, quy định tiêu chuẩn “có thời gian tại ngũ 02 năm trở lên” tại khoản 2 là chưa phù hợp, cần có sự linh hoạt hơn, đề nghị điều chỉnh tiêu chuẩn là từ 01 năm trở lên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, việc quy định có thời gian tham gia từ 02 năm trở lên đã được thể hiện trong Hồ sơ dự án Luật Chính phủ trình Quốc hội trên cơ sở đề xuất của chính Trung ương Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam tại Tờ trình số 391/TTr-HCTNXPVN gửi Ban Bí thư Trung ương Đảng, tương đương với tiêu chuẩn xét tặng “Huy chương Chiến sĩ vẻ vang”. Ngoài ra, nếu quy định thời gian tham gia kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc là từ 01 năm trở lên thì tiêu chuẩn này tương đương với tiêu chuẩn xét tặng Kỷ niệm chương Thanh niên xung phong của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và thấp hơn tiêu chuẩn xét tặng “Huy chương Chiến sĩ vẻ vang” nên chưa thể hiện rõ mức độ tôn vinh cao hơn của hình thức khen thưởng Nhà nước.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định

Thảo luận về vấn đề này, đại biểu Lý Tiết Hạnh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định bày tỏ sự đồng tình cao với các quan điểm của Chính phủ, Ban soạn thảo và báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, để đảm bảo hạn chế thấp nhất những vướng mắc, bất cập trong tổ chức thực hiện, nhất là đối với những nội dung mới trong luật, đại biểu cho rằng cần xem xét quy định về thời hạn 2 năm liên tục trong xét tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang.

Đại biểu cho biết, dự thảo Luật lần này đã thể hiện quan điểm rất rõ quan điểm khen thưởng thì phải xứng đáng. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, nếu giữ nguyên quy định như trong dự thảo Luật sẽ có một số trường hợp không tương thích, một bộ phận đã cống hiến, có thành tích xứng đáng được tôn vinh, được nêu gương thanh niên xung phong nhưng không đủ điều kiện để xét khen thưởng ngay từ đầu. Do đó, đại biểu kiến nghị cần có phân hạng trong tặng thưởng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang để đảm bảo tính công bằng, không dàn đều; đồng thời đảm bảo quan điểm thành tích đến đâu, khen thưởng đến đó.

Đại biểu Trần Quang Minh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình

Cùng với đó, đại biểu Trần Quang Minh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đề nghị bổ sung danh hiệu Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang vào mục 1, mục 2, Điều 54, đồng thời quy định việc tổng kết thành tích trong kháng chiến vẫn phải giữ nguyên Điều 96. Đại biểu cho rằng, nếu quy định tất cả vào điều cuối cùng ở điều khoản thi hành (Điều 96) đối với quy định thanh niên xung phong vẻ vang là không hợp lý và mất đi tính trân trọng, ghi nhận thành tích công lao, đóng góp đối với thanh niên xung phong, đồng thời tránh hiểu nhầm phân biệt, đối xử.

Đại biểu Trần Quang Minh cũng bày tỏ băn khoăn đối với việc truy tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang cho đối tượng cựu thanh niên xung phong đã qua đời do bệnh tật già yếu. Theo đại biểu, trên thực tế, những năm gần đây, nhiều cựu thanh niên xung phong lớn tuổi qua đời, trong khi bản thân họ rất mong đợi được nhận Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang nhưng không đợi nổi. Do đó, đại biểu đề nghị xem xét thấu đáo về quy định này vừa để an ủi gia đình người thân, vừa là cách giáo dục truyền thống của các thế hệ trước đối với thế hệ sau này về tinh thần yêu nước, giành độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.

Ngoài ra, đại biểu Dương Văn Phước – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh, 6 tháng trong chiến tranh thôi cũng dài hơn 10 năm trong hòa bình, do đó, quy định thời hạn 2 năm để xét tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang là không hợp lý. Đại biểu đề nghị rút ngắn thời hạn xuống một năm để xét tặng cho thanh niên xung phong có thành tích trong kháng chiến./.

Minh Thành