VẪN CÒN NHỮNG HẠN CHẾ TRONG GIẢI QUYẾT KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI

24/05/2022

Báo cáo trước Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, nội dung các kiến nghị liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Nhìn chung, các kiến nghị của cử tri đã được Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tập trung nghiên cứu giải quyết, thể hiện trách nhiệm cao trong quản lý Nhà nước. Nhiều kiến nghị được giải quyết đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc góp phần ổn định và cải thiện đời sống của nhân dân.Một số kiến nghị cụ thể đã được các bộ, ngành nghiên cứu, đưa ra các giải pháp thiết thực để giải quyết hoặc giải đáp về những vấn đề cử tri quan tâm, đáp ứng được nguyện vọng của cử tri. Trong đó có Bộ Công Thương; Bộ Công an; Bộ Nội vụ; Bộ Y tế; Bộ Tài chính; Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Bộ Giao thông Vận tải; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Tư pháp; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ủy ban Dân tộc…

Bên cạnh những kết quả đạt được, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình chỉ rõ việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể, một số quyền lợi hợp pháp của người dân đã được quy định nhưng việc tổ chức triển khai chưa hiệu quả nên người dân chưa được thụ hưởng. Một số kiến nghị của cử tri chưa được giải quyết do một số bộ, ngành chưa kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn, không thống nhất về quan điểm khi nghiên cứu giải quyết. Kiến nghị cử tri mặc dù đã được bộ, ngành chỉ đạo giải quyết nhưng thiếu kiểm tra, đôn đốc nên chưa được giải quyết dứt điểm. Một số văn bản bộ, ngành trả lời cử tri chưa thể hiện rõ trách nhiệm trong việc giải quyết...

Bên cạnh những kết quả đạt được, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình chỉ rõ việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri vẫn còn một số hạn chế

Nêu dẫn chứng cụ thể, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, cử tri tỉnh Lạng Sơn đề nghị Bộ Công thương sớm ban hành Thông tư mới thay thế Thông tư số 28 để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay và các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) hiện hành. Trả lời cử tri, Bộ Công thương thừa nhận “việc ban hành Thông tư mới thay thế Thông tư số 28 là cần thiết… xin tiếp thu ý kiến của cử tri và sẽ thực hiện thủ tục công bố văn bản QPPL hết hiệu lực thi hành đối với Thông tư số 28, đồng thời nghiên cứu xây dựng văn bản mới quy định về kinh doanh xăng dầu khu vực biên giới phù hợp với tình hình thực tế hiện nay”. Tuy nhiên, Bộ Công thương cũng không xác định rõ lộ trình cụ thể để giải quyết kiến nghị của cử tri.

Nêu trường hợp khác ở tỉnh Yên Bái, Trưởng Ban Dân nguyện nêu rõ, cử tri tỉnh Yên Bái phản ánh phong tục tập quán trước đây của bà con người H’Mông chủ yếu làm nhà bằng vật liệu gỗ. Hiện nay, với chủ trương của Nhà nước đóng cửa rừng tự nhiên, rừng đặc dụng nên không còn được khai thác vật liệu gỗ để làm nhà, trong khi việc vận chuyển vật liệu xi măng, gạch xây, cát, đá, sỏi đến nơi ở rất khó khăn, giá thành cao nên chi phí làm nhà xây rất lớn, vượt quá khả năng chi trả của người dân. Vì vậy, cử tri kiến nghị nghiên cứu, hướng dẫn lựa chọn vật liệu thay thế phù hợp, đảm bảo chất lượng với chi phí hợp lý và ban hành thiết kế điển hình, thiết kế nhà kiểu mẫu phù hợp với phong tục, tập quán, điều kiện sống của bà con người H’Mông.

Tuy nhiên trả lời cử tri, Bộ Xây dựng chỉ đề cập đến việc nhà nước đã có chính sách hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo tại các địa phương theo các Quyết định số 167, Quyết định số 33 của Thủ tướng Chính phủ. Trả lời của Bộ Xây dựng là chưa phù hợp vì vấn đề cử tri quan tâm kiến nghị liên quan đến việc lựa chọn vật liệu và ban hành thiết kế nhà kiểu mẫu cho bà con người H’Mông lại chưa được Bộ Xây dựng đề cập đến trong khi đây là nguyện vọng chính đáng của cử tri cần được quan tâm giải quyết góp phần vào việc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội tại các địa bàn vùng cao, vùng dân tộc thiểu số

Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho rằng các cơ quan của Quốc hội tiếp tục tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; những vấn đề mới phát sinh liên quan trực tiếp đến đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân. Các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội nâng cao chất lượng tổng hợp, phân loại, xử lý kiến nghị cử tri; giải đáp ngay những vấn đề cử tri kiến nghị đã được pháp luật quy định hoặc đã được trả lời, giải quyết dứt điểm, tránh việc tổng hợp những kiến nghị này gửi lên các cơ quan Trung ương đề nghị giải quyết.

Đổng thời, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành giải quyết những tồn tại hạn chế; rà soát, giải quyết dứt điểm các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, hạn chế chuyển kiến nghị chưa được giải quyết sang kỳ họp sau./.

Thu Phương