171 KM TRONG DỰ ÁN ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH CHƯA TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

24/05/2022

Tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và trình bày kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, hiện 171 km trong dự án đường Hồ Chí Minh chưa triển khai thực hiện.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể 

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, công tác quy hoạch đường Hồ Chí Minh đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo từ quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết, quy hoạch hệ thống đường ngang kết nối đường Hồ Chí Minh với các đầu mối vận tải. Để tăng cường hiệu quả đầu tư, Bộ Giao thông vận tải đã quy hoạch các trạm dịch vụ, trạm dừng nghỉ. Nhằm gắn kết giao thông vận tải với phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ lập các quy hoạch có liên quan để đảm bảo đồng bộ trong xây dựng và khai thác, phát huy hiệu quả đường Hồ Chí Minh. Các quy hoạch được phê duyệt đều đảm bảo phù hợp với chiến lược phát triển giao thông vận tải và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Các quy hoạch này từng bước được đầu tư hình thành mạng lưới giao thông đáp ứng nhu cầu vận tải, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, tạo thuận lợi trong việc ứng phó với thiên tai và tăng cường củng cố quốc phòng an ninh; là cơ sở quan trọng để thực hiện đầu tư và quản lý quỹ đất.

Về công tác chuẩn bị dự án, xác định chất lượng của công tác chuẩn bị dự án là yếu tố tác động lớn đến tiến độ, giá thành, hiệu quả đầu tư, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải tăng cường chất lượng công tác chuẩn bị các dự án thành phần. Công tác chuẩn bị đầu tư các dự án thành phần trên tuyến đường Hồ Chí Minh triển khai theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng; chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu, đặc biệt là các đoạn đặc thù như đi qua rừng đặc dụng, vườn Quốc gia; lấy ý kiến, thống nhất với các địa phương về hướng tuyến, quy mô, các công trình trên tuyến nhằm đảm bảo sự phù hợp với quy hoạch địa phương, nâng cao hiệu quả khai thác.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cũng cho biết, nhờ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chia sẻ, ủng hộ của nhân dân nên công tác giải phóng mặt bằng các dự án thành phần cơ bản đáp ứng tiến độ triển khai. Tuy nhiên, cá biệt vẫn có một số địa phương bàn giao mặt bằng chậm, không liên tục ảnh hưởng đến tiến độ các dự án. Nguyên nhân chủ yếu do một số địa phương chưa thực sự quyết liệt và quản lý đất đai còn nhiều bất cập trong thời gian dài.

Đối với công tác quản lý hành lang an toàn, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nêu rõ, để giữ quỹ đất, hạn chế chi phí giải phóng mặt bằng khi đầu tư theo quy mô hoàn chỉnh, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ. Đến nay, cơ bản hành lang dành cho đầu tư xây dựng tuyến đường được quản lý chặt chẽ, không chồng lấn các quy hoạch khác nhưng cá biệt một số đoạn có tình trạng người dân tự ý xây dựng công trình trong phạm vi hành lang hoặc đấu nối vào đường Hồ Chí Minh. Nguyên nhân chủ yếu do phạm vi trải rộng qua địa bàn nhiều tỉnh, xử lý các vi phạm do lịch sử để lại chưa kịp thời, ý thức chấp hành của người dân, sự quan tâm của cấp cơ sở chưa cao. Để khắc phục, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải phối hợp với chính quyền địa phương xử lý các trường hợp vi phạm kết hợp với việc tuyên truyền nâng cao nhận thức.

Toàn cảnh phiên họp

Về kết quả thực hiện dự án, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, theo Nghị quyết số 66/2013/QH13 đến năm 2020 hoàn thành nối thông tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) quy mô tối thiểu 2 làn xe với chiều dài khoảng 2.744 km. Đến nay, đã hoàn thành 2.362 km/2.744 km đạt 86,1% và khoảng 258 km tuyến nhánh; đang triển khai 211 km; còn lại khoảng 171 km chưa bố trí được vốn để triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, công tác quyết toán được thực hiện tuân thủ theo các quy định của pháp luật, hướng dẫn của Bộ Tài chính, cơ bản đáp ứng tiến độ yêu cầu, cụ thể: Đoạn từ Hòa Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kon Tum) dài 1.350 km (giai đoạn 1) đã phê duyệt quyết toán năm 2016. Công tác quyết toán giai đoạn này kéo dài do đặc thù dự án quy mô lớn, trải dài và triển khai xây dựng vào nhiều thời điểm khác nhau nên việc quyết toán thực hiện theo nhiều đợt khác nhau. Đối với các dự án thành phần còn lại, công tác quyết toán được thực hiện ngay sau khi hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng. Đến nay, đã phê duyệt quyết toán toàn bộ 35 dự án thành phần đã đưa vào khai thác (dài 859 km) bảo đảm tiến độ theo quy định; còn 05 dự án thành phần (dài 153 km) đang hoàn thiện thủ tục để quyết toán.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cũng nêu rõ, công tác quản lý và bảo trì sau khi được nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng theo đúng các quy định về đầu tư xây dựng, công tác quản lý, khai thác bảo trì, tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật; hoạt động quản lý và bảo trì đã ứng dụng các thành tựu khoa học. Do tầm quan trọng của tuyến đường, Chính phủ đã chỉ đạo ưu tiên nguồn lực cho công tác quản lý, bảo trì, thực hiện công tác bảo dưỡng định kỳ, sửa chữa đột xuất, cải tạo điểm đen, khắc phục bão lũ. Tuy nhiên, do nhiều đoạn đưa vào khai thác trên 15 năm, tuyến đi qua nhiều vùng có địa hình, địa chất phức tạp nhất là khu vực miền Trung, Tây Nguyên nên kinh phí trên còn hạn chế dẫn đến một số vị trí mặt đường hư hỏng chưa kịp thời sửa chữa./.

Hồ Hương