Quốc hội mở đầu phiên chất vấn với Bộ trưởng Giao thông - Vận tải Hồ Nghĩa Dũng

02/12/2006

Hôm nay (24/11), Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn các thành viên Chính phủ. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng điều khiển phiên làm việc. Mở đầu phiên làm việc, Quốc hội đã nghe ông Huỳnh Đảm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đọc báo cáo tổng kết kiến nghị của cử tri. Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Hồ Nghĩa Dũng là người đầu tiên trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội. Mở đầu phiên trả lời chất vấn của mình, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đã trả lời về 4 nhóm vấn đề chính, về An toàn giao thông; quản lý đầu tư xây dựng; quản lý cán bộ của Bộ Giao thông - Vận tải; về các dự án của Bộ.

Bộ trưởng Bộ GT-VT Hồ Nghĩa Dũng trả lời chất vấn của ĐBQH

Hôm nay (24/11), Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn các thành viên Chính phủ. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng điều khiển phiên làm việc.

Mở đầu phiên làm việc, Quốc hội đã nghe ông Huỳnh Đảm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đọc báo cáo tổng kết kiến nghị của cử tri.

Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Hồ Nghĩa Dũng là người đầu tiên trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội. Mở đầu phiên trả lời chất vấn của mình, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đã trả lời về 4 nhóm vấn đề chính, về An toàn giao thông; quản lý đầu tư xây dựng; quản lý cán bộ của Bộ Giao thông - Vận tải; về các dự án của Bộ.

Giải pháp nào cho 4 nhóm vấn đề trên

Về vấn đề an toàn giao thông, Bộ trưởng thừa nhận, năm 2006, tình trạng tai nạn giao thông vẫn tiếp tục gia tăng, số vụ tai nạn giao thông và số người chết vẫn tăng, số người bị thương có giảm nhưng không đáng kể. Theo Bộ trưởng, một trong những nguyên nhân quan trọng là do kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu giao thông của cả nước, và quản lý hành lang an toàn giao thông. Nguyên nhân nữa là về vận tải.

Trong khi kết cấu chưa hợp lý thì phương tiện vận tải tăng quá nhanh, lượng mô tô, tăng bình quân khoảng 17%/năm với khoảng 18 triệu môtô đang lưu hành trong cả nước. Trong khi đó việc đào đạo, quản lý an toàn cho người điều khiển phương tiện lại bị buông lỏng.

Bộ trưởng cho biết, Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ cho lập lại hành lang an toàn giao thông ở các trục đường chính, tăng cường giáo dục ý thức người điều khiển phương tiện... Bộ cũng đang thực hiện kiểm tra phương tiện giao thông trong toàn quốc.

Về quản lý đầu tư xây dựng, Bộ trưởng cho rằng vấn đề quan trọng hiện nay là phải chống khép kín, chống tiêu cực trong quản lý của Bộ GTVT. Bộ đã kiểm điểm sâu sắc về vấn đề này và nhấn mạnh đến việc đổi mới, phân cấp mạnh mẽ để thực hiện từng bước bỏ được 2 ‘‘ông chủ’‘, đó là chủ đầu tư đối với dự án và chủ quản đối với doanh nghiệp; đồng thời giao quyền đầu tư cho doanh nghiệp và cho các cấp khác. Bộ trưởng khẳng định, nếu thực hiện được các vấn đề này chắc chắn sẽ giảm được tiêu cực trong quản lý của Bộ.

Về quản lý cán bộ, Bộ trưởng cho biết Bộ đang có 18 ban quản lý dự án (PMU). Bộ trưởng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tồn tại các Ban quản lý Dự án. Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng tiêu cực như thời gian vừa qua, Bộ GTVT sẽ có biện pháp củng cố chức năng, quyền hạn, trách nhiệm của các ban này.

Về các vấn đề các dự án cụ thể, Bộ trưởng thừa nhận, hầu hết các dự án đều chậm về thời gian và tiến độ. Năm 2006 là năm khó khăn của các công trình xây dựng của ngành trong khi một loạt vấn đề thay đổi về giá cả, vốn... Hiện nay, Bộ đang khắc phục tình trạng châm trễ này và tất cả các dự án này sẽ được khởi động lại vào năm 2007.

‘‘Khuyết điểm đến đâu, tôi xin chịu trách nhiệm đến đó’‘

Mở đầu phiên chất vấn trực tiếp Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng tại Hội trường, đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn (đoàn Bắc Giang), Lê Thị Nga (đoàn Thanh Hoá) đề nghị cho biết trách nhiệm của Bộ trưởng trước Quốc hội, Chính phủ và nhân dân như thế nào nếu tình trạng tai nạn giao thông ngày càng gia tăng.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho rằng, Bộ GTVT phải chịu trách nhiệm trước tình trạng tai nạn giao thông vẫn tăng. Tuy nhiên, cũng có trách nhiệm của hệ thống chính quyền, đặc biệt là tại địa phương. Để khắc phục vấn đề này cần phải có thời gian. Bộ sẽ phấn đấu kiềm chế tai nạn không tăng và tiến tới giảm. Tuy nhiên, phương tiện cá nhân tăng cao như hiện nay lại là vấn đề vì chưa có giải pháp kiểm soát được.

Không thoả mãn với trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn đề nghị Bộ trưởng nói rõ hơn trách nhiệm của mình với cương vị là tư lệnh một lĩnh vực. Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng trả lời: ‘‘Khuyết điểm đến đâu, tôi xin chịu trách nhiệm đến đó’‘.

Đại biểu Nguyễn Lân Dũng (đoàn Đắk Nông) chất vấn về vấn đề xe buýt. Theo đại biểu, tình trạng lái xe buýt ẩu, thậm chí gây tai nạn hiện nay đã diễn ra. Vấn đề không phải ở việc giáo dục người lái xe buýt mà cần rút kinh nghiệm cho các thành phố chưa có nhiều phương tiện giao thông cá nhân.

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho rằng, để giảm tai nạn giao thông cần phát triển giao thông công cộng. Hiện phương tiện cá nhân quá nhiều lại đều trên chung trên một đường. Vì thế việc thay đổi cần phải có lộ trình.

Các công trình trọng điểm chậm là do vốn phân quá chậm

Trả lời câu hỏi của đại biểu Phan Thị Thu Hà (đoàn Đồng Tháp) về một số công trình giao thông trọng điểm quốc gia chậm 1-3 năm thì trách nhiệm, hướng giải quyết của Bộ như thế nào? Khi xây dựng các công trình giao thông, nếu gây ra ô nhiễm thì Bộ có quy định gì để ràng buộc, quản lý, bồi thường sức khoẻ nhân dân?

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng nhận thiếu sót là các công trình trọng điểm quốc gia nói chung và công trình giao thông đều chậm tiến độ. Nguyên nhân chính là do thời gian qua vốn phân cho các công trình quá chậm, kể cả ngân sách và trái phiếu. Thứ hai, năm qua giá nguyên liệu tăng cao do đó tất cả các dự án đều phải điều chỉnh tổng mức dự toán. Bên cạnh đó, các địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Bộ trưởng cũng thừa nhận thời gian vừa qua Bộ cũng có những buông lỏng trong công tác quản lý, chưa giải quyết dứt điểm vấn đề tồn tại. Bộ xin nhận trách nhiệm để cải thiện tình hình.

Vấn đề gây ô nhiễm môi trường là trách nhiệm của nhà thầu. Luật môi trường và đầu tư xây dựng đều quy định, trong quyết định đầu tư và dự án đều có phần này. Nhưng trong quá trình thực hiện, việc tùy tiện của nhà thầu là rất phổ biến. Bộ sẽ chấn chỉnh lại.

Trong phần chất vấn của mình, đại biểu Lê Thị Nga (đoàn Thanh Hoá) nêu câu hỏi về giải pháp của Bộ về tiêu cực trong cấp các giấy phép lưu hành đường bộ, dẫn đến việc lái xe đi bất chấp luật lệ; Vấn đề tiêu cực trong cấp các giấy phép lưu hành đường bộ, nhất là giấy phép đặc biệt, gọi là bùa mà dư luận cho là có thể mua từ 200k, có nó là lái xe có thể đi bất chấp luật lệ, quá tải. Vậy có hay không hiện tượng dư luận nêu? Giải pháp? ; Về xử lý những tiêu cực trong hàng không (VNA) và một số tổng công ty khác.

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết: Bộ đang khắc phục bằng cách hiện đại hoá trong các khâu đào tạo sát hạch lái xe kiểm định phương tiện theo hướng tự động hoá. Do trước đây làm thủ công nên mới xảy ra nhiều tiêu cực như vậy.

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho rằng VNA là công ty đặc biệt, sở hữu trực tiếp của Chính phủ, còn nhiệm vụ của Bộ Giao thông chỉ là quản lý về chuyên nghành với các TCT 91. Sau khi dư luận nêu, vụ việc ở VNA đang được thanh tra nhà nước tiến hành nên chưa có kết luận cuối cùng.

Về biện pháp nâng cao hiệu quả của tuyến đường Hồ Chí Minh mà đại biểu Hoàng Thanh Phú (đoàn Thái Nguyên) nêu, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết, đường Hồ Chí Minh là dự án lớn được chính phủ và Quốc hội ra Nghị quyết thực hiện, khi bàn đến hiệu quả, trong quyết định của Quốc hội đã phân tích rõ. Bộ chưa có đánh giá cụ thể, nhưng cơ bản là về hệ thống vẫn chưa đồng bộ. Khi xây đường, đi qua rừng núi, nhiều địa hình khác nhau nên đã làm phá vỡ kết cấu địa chất, gây ra nhiều tác hại sụt lở.... Hệ thống đường nối với các quốc lộ khác chưa đồng bộ, chưa kết nối để phát huy hiệu quả tổng thể.

Đại biểu Hoàng Thanh Phú (đoàn Thái Nguyên) cũng đề nghị Bộ trưởng cho biết về việc cần thiết duy trì ban quản lý dự án có cần thiết hay không. Nếu duy trì như hiện nay nghĩa là vẫn có tiêu cực?. Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết, hiện vẫn còn nhiều vấn đề bất cập như: nhiều ban quản lý được chủ giao cho làm chủ đầu tư, ban quản lý vượt quá chức năng quyền hạn của mình... Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng, việc tồn tại ban dự án là cần thiết. Bộ vẫn phải duy trì hình thức này nhưng sắp tới sẽ thay đổi chi tiết mô hình để nâng cao hiệu quả hơn.

Tiếp theo phần trả lời của Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi trường Mai Ái Trực đã đọc báo cáo trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội và cử tri trước Quốc hội.

Chiều nay (24/11), Bộ trưởng Mai Ái Trực sẽ tiếp tục phần trả lời chất vấn trực tiếp của các đại biểu Quốc hội tại Hội trường./.

Hà Minh

(http://www.vov.org.vn)