TS.PHẠM CAO CƯỜNG: CHUYẾN THĂM CỦA CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TỚI ẤN ĐỘ MỞ RA CƠ HỘI MỚI TRONG HỢP TÁC GIỮA HAI NƯỚC

19/12/2021

Tiến sĩ Phạm Cao Cường - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, cho rằng chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Đoàn đại biểu cấp cao của Quốc hội Việt Nam tới Ấn Độ góp phần siết chặt mối quan hệ và mở ra cơ hội mới trong hợp tác giữa hai nước...

Từ ngày 15 đến 19/12, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Đoàn đại biểu cấp cao của Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Ấn Độ. Có thể khẳng định, chuyến thăm lần này tiếp tục góp phần vào việc thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ cũng như quan hệ giữa cơ quan lập pháp của cả hai nước. Chuyến thăm còn mở ra cơ hội hợp tác giữa Ấn Độ và Việt Nam trong khuôn khổ và mạng lưới hợp tác của cả khu vực Ấn Độ Dương - Châu Á - Thái Bình Dương, mà đặc biệt là những liên kết hợp tác tại cả khu vực Nam Á và Đông Nam Á.

Việt Nam và Ấn Độ chính thức thiết lập mối quan hệ từ năm 1972 và sang năm 2022, hai nước sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Trải qua 50 năm, các thế hệ lãnh đạo hai nước luôn không ngừng vun đắp, củng cố và xây dựng quan hệ ngày càng phát triển. Việt Nam có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại và là một trụ cột chính trong chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ.


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Thủ hiến bang Kerala Pinarayi Vijayan (Ảnh: Doãn Tấn).

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được thì vẫn còn có những khó khăn, thách thức mà hai nước phải đối diện. Nhiều học giả, chuyên gia cho rằng, về chiến lược, chính sách của Ấn Độ đối với Việt Nam cần được đặt trong bối cảnh địa chính trị thay đổi liên tục ở khu vực Ấn Độ Dương - Châu Á - Thái Bình Dương cũng như tình hình thế giới có nhiều sự biến động.

Trong cuộc trao đổi với phóng viên, TS.Phạm Cao Cường - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á nêu quan điểm: Trước bối cảnh thế giới có nhiều biến động, để đảm bảo hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực Ấn Độ Dương - Châu Á - Thái Bình Dương, chính sách của Ấn Độ với Việt Nam cần thích ứng với bối cảnh mới. Trên cơ sở đó, hai nước cần linh hoạt tăng cường hợp tác với nhau để đối phó với những thách thức và cùng nhau thúc đẩy tăng cường lợi ích lẫn nhau.

Phóng viên: Trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp và khó lường, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Vậy theo ông, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tới Cộng hòa Ấn Độ có tầm quan trọng và ý nghĩa như thế nào đối với mỗi nước và với khu vực Ấn Độ Dương - Châu Á - Thái Bình Dương?

TS.Phạm Cao Cường - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á: Đối với Việt Nam, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ cùng đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tới thăm nước Cộng hòa Ấn Độ có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam. Trước hết, đây là chuyến thăm được thực hiện theo lời mời của Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ Om Birla và Chủ tịch Thượng viện Ấn Độ Venkaiah Naidu (cũng đồng thời là Phó Tổng thống Ấn Độ).

Chuyến thăm lần này tiếp tục góp phần vào việc thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ cũng như quan hệ giữa cơ quan lập pháp của cả hai nước. Bên cạnh đó, trong bối cảnh tình hình đại dịch COVID-19 diễn biến khó lường, chuyến thăm lần này của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp tục củng cố mối quan hệ thắm thiết giữa lãnh đạo cấp cao của hai nước, đồng thời là hoạt động nhằm nối lại việc duy trì hoạt động trao đổi đoàn lãnh đạo cấp cao giữa hai bên.

Thông qua chuyến thăm này, Việt Nam muốn chủ động tạo ra nhiều động lực hơn nữa trong quan hệ song phương, đưa ra các giải pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa các lĩnh vực hợp tác trong khuôn khổ Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, từ chính trị, quốc phòng - an ninh, kinh tế, thương mại, đầu tư, lao động, giáo dục, y tế.

Đối với Ấn Độ, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Đoàn đại biểu cấp cao của Quốc hội Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp sẵn có hiện này mà còn tạo ra động lực cho truyền thống duy trì hợp tác nghị viện của Ấn Độ đối với Việt Nam. Trong bối cảnh Ấn Độ vừa vượt qua giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch COVID-19, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam như một lời cảm ơn dành cho Chính phủ và nhân dân Ấn Độ đã giành tình cảm cho nhân dân Việt Nam khi cung cấp thuốc men thiết yếu và vật tư y tế để hỗ trợ Việt Nam cùng chống dịch. Điều này có sự đóng góp không nhỏ của các cơ quan lập pháp ở mỗi nước trong vai trò dẫn dắt và định hướng cho nỗ lực này.

Bên cạnh đó, có thể thấy rằng Việt Nam cũng là một trụ cột quan trọng trong chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ, là cánh cửa để mở rộng quan hệ hợp tác của Ấn Độ đối với ASEAN. Dưới thời của Thủ tướng Shri Narendra Modi, chính sách ngoại giao của Ấn Độ rất coi trọng quan hệ với Việt Nam, đánh dấu bằng việc hai nước nâng tầm quan hệ Đối tác chiến lược vào tháng 7/2007 và quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9/2016.


T.S Phạm Cao Cường - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á.

Tháng 12/2020, Thủ tướng Ấn Độ Shri Narendra Modi và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã cùng thông qua “Tuyên bố tầm nhìn chung Việt Nam - Ấn Độ về Hòa bình, Thịnh vượng và Người dân” để định hướng phát triển quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa hai nước cho những năm sắp tới. Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Ấn Độ lần này cũng không nằm ngoài mục đích thúc đẩy, tăng cường hợp tác giữa hai bên trên cơ sở các thỏa thuận chung.

Đối với khu vực, chuyến thăm của chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ còn mở ra cơ hội hợp tác giữa Ấn Độ và Việt Nam trong khuôn khổ và mạng lưới hợp tác của cả khu vực Ấn Độ Dương - Châu Á - Thái Bình Dương mà đặc biệt là những liên kết hợp tác tại cả khu vực Nam Á và Đông Nam Á. Chuyến thăm là cơ hội để hai bên tìm hiểu nhau nhiều hơn về các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của mỗi nước. Đây cũng là cơ hội để hai bên có thể trao đổi về các vấn đề quốc tế, khu vực mà cả hai cùng quan tâm đồng thời đóng góp vào quá trình đưa ra các giải pháp cho các vấn đề mang tính toàn cầu, đóng góp cho môi trường hòa bình, ổn đinh và phát triển tại khu vực và trên thế giới.

Trong thời gian qua, chiến lược của Ấn Độ là tìm cách kết nối với khu vực Đông Nam Á thông qua việc tăng cường hợp tác song phương và đa phương với khu vực. Trong khuôn khổ của Sáng kiến hợp tác kinh tế và kỹ thuật đa ngành vịnh Bengal (BIMSTEC), Ấn Độ mong muốn thúc đẩy cơ chế hợp tác khu vực này, trong đó nhất mạnh vào tính kết nối giữa các quốc gia khu vực. Sáng kiến này hiện có hai có sự tham gia của Ấn Độ, Bangladesh, Sri Lanka, Nepal, Bhutan và hai quốc gia ASEAN khác là Thái Lan và Myanmar. Cả Ấn Độ và Việt Nam cùng hợp tác chặt chẽ với nhau tại nhiều diễn đàn khu vực như ASEAN, Hội nghị Cấp cao Đông Á, Hợp tác Mê Kông-Sông Hằng, Hội nghị Á-Âu (ASEM), bên cạnh Liên Hợp Quốc và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Việt Nam cũng là quốc gia ủng hộ mạnh mẽ việc Ấn Độ trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC) và củng hộ việc Ấn Độ trở thành thành viên của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).

Về thương mại song phương, sau gần 20 năm phát triển, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng lên nhanh chóng, từ 200 triệu USD vào năm 2000 đã tăng lên 11,12 tỷ USD vào năm 2021, trong đó xuất khẩu của Ấn Độ sang Việt Nam đạt gần 5 tỷ USD và nhập khẩu của Ấn Độ từ Việt Nam đạt khoảng 6,12 tỷ USD. Thâm hụt thương mại của Ấn Độ với Việt Nam giảm từ 2,22 tỷ USD trong năm 2019-2020 xuống còn 1,13 tỷ USD trong năm 2020-2021. Trong năm 2020-2021, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 15 của Ấn Độ trên toàn cầu và lớn thứ tư trong ASEAN, sau Singapore, Indonesia và Malaysia. Trong khi đó, Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Việt Nam.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Ấn Độ sang Việt Nam bao gồm sắt thép, bông, thịt đông lạnh, linh kiện ô tô, thủy sản, máy móc thiết bị điện, thức ăn chăn nuôi và ngũ cốc. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Ấn Độ có mức tăng trưởng tích cực trong giai đoạn này là bông, linh kiện ô tô, thiết bị điện, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, ngũ cốc và dược phẩm. Các mặt hàng chủ lực xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ bao gồm máy móc, thiết bị điện, hóa chất, đồng và các sản phẩm bằng đồng, các sản phẩm từ sắt thép và các mặt hàng nông sản.

Phóng viên: Việt Nam và Ấn Độ cần làm gì để duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực Châu Á và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng như ở Biển Đông, thưa ông?

TS.Phạm Cao Cường - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á: Ấn Độ và Việt Nam có mối quan tâm lâu dài đến việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Điều này cũng được thể hiện trong “Tầm nhìn chung vì Hòa bình, Thịnh vượng và Con người” được hai nước thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến tháng 12/2020 với sự tham dự của các thủ tướng hai nước. Chúng tôi cũng chia sẻ các nguyên tắc cơ bản về tôn trọng luật pháp quốc tế và trật tự dựa trên luật lệ, góp phần đảm bảo sự ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Do đó, cả hai nước cần phải tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác, trên phương diện song phương cũng như thông qua khuôn khổ ASEAN và các cơ chế đa phương khác.

Phóng viên:  Việt Nam có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại và là một trụ cột chính trong chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ. Nhiều học giả, chuyên gia cho rằng, về chiến lược, chính sách của Ấn Độ đối với Việt Nam cần được đặt trong bối cảnh địa chính trị thay đổi liên tục ở khu vực Ấn Độ Dương - Châu Á - Thái Bình Dương. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào và để đảm bảo hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực này thì hai nước cần linh hoạt, tăng cường hợp tác hơn nữa như thế nào?

TS.Phạm Cao Cường - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á: Trong bối cảnh tình hình thế giới có diễn biến phức tạp, đặc biệt là có sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, sự thay đổi nhanh chóng tình hình khu vực Ấn Độ Dương - Châu Á - Thái Bình Dương, chính sách của Ấn Độ đối với Việt Nam tất nhiên sẽ bị tác động bởi sự thay đổi của khu vực nhưng cũng đồng thời mang đặc điểm riêng dựa trên nền tảng vững chắc mà hai bên đã đạt được trong suốt hơn 50 năm qua. Tất nhiên, chính sách của Ấn Độ với Việt Nam sẽ được đặt trong tổng thể chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ mà ở đó Việt Nam được coi là một trụ cột quan trọng.

Trước hết, chính sách của Ấn Độ đối với Việt Nam nằm trong chủ trương, đường lối chung của chính sách đối ngoại Ấn Độ. Nó bao gồm những nguyên tắc cơ bản như: cùng tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; không xâm phạm lẫn nhau; các bên không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; bình đẳng và cùng có lợi và chung sống hòa bình. Ngoài ra, chính sách của Ấn Độ đối với Việt Nam được đặt trong tổng thể của Chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ. Mục tiêu của nó là nhằm thu hút sự tham gia nhiều hơn trên tất cả các lĩnh vực như thúc đẩy hợp tác kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng để kết nối nhiều hơn, quan trọng là quan hệ chiến lược và an ninh. Điểm khác biệt của chính sách này là nó không chỉ tập trung vào phát triển hợp tác chính trị mà còn hướng tới phát triển mối quan hệ văn hoá và chiến lược giữa Ấn Độ với các nước tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam.


Nhân dịp Lễ kỷ niệm đặc biệt 5 năm Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S.Jaishankar tặng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bức ảnh tư liệu quý Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Trụ sở Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Ấn Độ cách đây 64 năm (Ảnh: Doãn Tấn).

So với chính sách Hướng Đông, chính sách Hành động Hướng Đông của Ấn Độ tập trung nhiều hơn vào các mối quan hệ lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ và tôn giáo thông qua việc thúc đẩy giao lưu nhân dân. Chính sách này cũng nhằm phát triển vùng Đông Bắc của Ấn Độ bởi đây là cửa ngõ tiến vào khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Hiện nay, Nhật Bản đang giúp đỡ Ấn Độ bằng cách cung cấp vốn cho nhiều dự án cơ sở hạ tầng. Ấn Độ cũng đang hợp tác với Nhật Bản trong việc phát triển cơ sở hạ tầng ở Sri Lanka, Myanmar và Bangladesh. Chính sách Hành động hướng Đông cũng tập trung nhiều hơn vào hợp tác quốc phòng. Để thúc đẩy hợp tác, Việt Nam cần tận dụng tối đa khuôn khổ hợp tác của chính sách này để mở rộng quan hệ với Ấn Độ cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Bên cạnh đó, chính sách Hành động Hướng Đông còn mang tầm nhìn chiến lược lớn hơn về hợp tác mà cụ thể là quan hệ của Ấn Độ với các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Malaysia và Úc đều đã được nâng cấp lên thành quan hệ đối tác chiến lược.

Đến nay, cả Ấn Độ và Việt Nam đều quan tâm đến việc duy trì hoà bình, ổn định và phát triển tại khu vực Ấn Độ Dương - Châu Á - Thái Bình Dương. Mục tiêu này cũng được thể hiện rõ trong “Tầm nhìn chung vì Hoà bình, Thịnh vượng và Con người” mà hai bên công bố vào năm 2020. Cả hai bên đều có đồng quan điểm cơ bản về nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế và trật tự dựa trên luật lệ nhằm góp phần đảo bảo sự hoà bình và ổn định tại khu vực Ấn Độ Dương - Châu Á - Thái Bình Dương. Hai bên cần nỗ lực hơn nữa trong việc thúc đẩy hợp tác thông qua các khuôn khổ của ASEAN, các cơ chế hợp tác song phương và đang phương tại khu vực.

Để đảm bảo hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực Ấn Độ Dương - Châu Á - Thái Bình Dương, tất nhiên chính sách của Ấn Độ với Việt Nam cần phải thích ứng với bối cảnh mới. Trên cơ sở đó, hai nước cần phải linh hoạt tăng cường hợp tác với nhau để đối phó với những thách thức và cùng nhau thúc đẩy tăng cường lợi ích lẫn nhau. Cụ thể, cả Việt Nam và Ấn Độ nên tìm cách tăng cường hợp tác thông qua chương trình Hợp tác Mê Kông - Sông Hằng (MGC) mà cả hai đều là thành viên. MGC hướng tới mục tiêu phát triển mối quan hệ chặt chẽ hơn và hiểu biết tốt hơn giữa các nước thành viên nhằm tăng cường tình hữu nghị, đoàn kết và hợp tác; tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển và quá cảnh giữa các bang; vận chuyển hàng hóa và con người trong vùng; tạo ra các cơ sở hạ tầng cần thiết trong các khu vực lưu vực sông Hằng - Mê Kông, và khuyến khích sự tham gia tích cực vào xóa đói giảm nghèo.

Hiện nay, tham gia cơ chế hợp tác này có sáu quốc gia thành viên có chung lưu vực sông Hằng và Mê Kông, bao gồm: Campuchia, CHDCND Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Chỉ riêng trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, các nước thành viên cam kết phát triển mạng lưới giao thông, đặc biệt là “Hành lang Đông Tây” và “Đường cao tốc xuyên Á”. Tại Hội nghị cấp cao MGC lần thứ 12 diễn ra vào tháng 9/2020, các nước đã thảo luận về Kế hoạch hành động giai đoạn 2019-2022. Với mục tiêu tăng cường quan hệ quân sự của Ấn Độ với Việt Nam, Hải quân Ấn Độ đã nhiều lần tới thăm Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nhận được sự ủng hộ của Ấn Độ về lập trường của Việt Nam tại Biển Đông. Năm 2018, Ấn Độ và Việt Nam đã cùng nhau tiến hành cuộc tập trận hải quân song phương đầu tiên trên vùng biển Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam nên cân nhắc việc tham gia vào Sáng kiến hợp tác kinh tế và kỹ thuật đa ngành vịnh Bengal (BIMSTEC) với sự tham gia của các quốc gia bao gồm: Ấn Độ, Bangladesh, Sri Lanka, Nepal, Bhutan và hai quốc gia ASEAN khác là Thái Lan và Myanmar. Mục tiêu của BIMSTEC là nhằm tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế nhanh chóng; đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội trong tiểu vùng; thúc đẩy sự hợp tác tích cực và tương trợ lẫn nhau về các vấn đề cùng quan tâm; cung cấp hỗ trợ lẫn nhau trong các hình thức đào tạo và cơ sở nghiên cứu; thúc đẩy hợp tác hiệu quả hơn trong các nỗ lực chung hỗ trợ và bổ sung cho các kế hoạch phát triển quốc gia của các Quốc gia Thành viên; duy trì hợp tác chặt chẽ và có lợi với các tổ chức quốc tế và khu vực hiện có; hợp tác trong các dự án có thể được xử lý hiệu quả nhất trên cơ sở tiểu vùng.

BIMSTEC với khuôn khổ hợp tác đa dạng bao gồm các lĩnh vực như truyền thông, da, dệt may, giao thông, thủy sản, phát triển nguồn nhân lực, du lịch, nông nghiệp, đầu tư, công nghệ và thương mại, v.v. Hiện tại, có 14 lĩnh vực ưu tiên và mỗi quốc gia thành viên tự nguyện lãnh đạo một hoặc nhiều ngành. Các vấn đề như chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia; viễn thông và vận tải do Ấn Độ xử lý. Với vai trò là thành viên Ấn Độ nên thúc đẩy sự tham gia của các quốc gia ASEAN trong đó có Việt Nam nhằm tạo ra sự liên kết hợp tác giữa BIMSTEC với ASEAN. Một khi tham gia hoặc trở thành thành viên, Việt Nam cũng sẽ trở thành cầu nối hợp tác giữa hai thể chế ở Nam Á và Đông Nam Á này, đóng góp chung vào sự phát triển và ổn định của khu vực khu vực Ấn Độ Dương - Châu Á - Thái Bình Dương.

Phóng viên: Việt Nam và Ấn Độ đã ký kết Tuyên bố “Tầm nhìn chung vì Hoà bình, Thịnh vượng và Con người”. Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra trong Tuyên bố này, theo ông, hai nước cần triển khai những nhiệm vụ trọng tâm nào trong thời gian tới?

TS.Phạm Cao Cường - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á: Tôi cho rằng, hoà bình và ổn định đóng vai trò rất quan trọng trong bối cảnh hiện này, nhất là khi cả thế giới đang phải chống chọi với đại dịch COVID-19 và tìm cách phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Về mục tiêu hoà bình, hai bên cần tiếp tục tăng cường cơ chế đối thoại, hợp tác song phương, mở rộng và làm sâu sắc thêm các khía cạnh hợp tác vốn có. Bên cạnh đó, Ấn Độ nên tiếp tục thúc đẩy các chương trình đào tạo, nâng cao năng lực cho lực lượng cảnh sát biển và tiếp tục cung cấp các gói tín dụng quốc phòng cho Việt Nam. Hai bên cùng phối hợp chặt chẽ hơn trong lĩnh vực an ninh thông qua các cơ chế đối thoại hiện nay để đối phó với các thách thức và đe doạ an ninh phi truyền thống, thúc đẩy tăng cường hợp tác pháp luật và tư pháp khi cần.

Ấn Độ nên tiếp ủng hộ lập trường của Việt Nam tại Biển Đông, ủng hộ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và ủng hộ việc sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS. Thúc đẩy hợp tác song phương trong khuôn khổ hợp tác của Ấn Độ với ASEAN, tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác mới nhằm tăng cường năng lực về kinh tế biển, an ninh và an toàn hàng hải, môi trường biển và sử dụng bền vững tài nguyên biển, kết nối hàng hải, nhằm bảo đảm an ninh và tăng trưởng cho cả khu vực. Hai bên sẽ đẩy mạnh nỗ lực chung để xây dựng đồng thuận cho việc sớm thông qua Công ước Toàn diện về Chống Khủng bố Quốc tế (CCIT).

Về mục tiêu thịnh vượng, cần phấn đấu thực hiện mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 15 tỷ USD trong thời gian sớm nhất, cụ thể hoá dần các kế hoạch và hành động cụ thể cũng như thúc đẩy và hình thành các chuỗi cung ứng mới từ cả Việt Nam và Ấn Độ. Cả hai bên cũng cần triển khai các bước nhằm tạo thuận lợi để thu hút nguồn đầu tư từ mỗi nước, cùng tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu. Việt Nam cần tận dụng các mục tiêu “Ấn Độ số” của Ấn Độ để triển khai thực hiện tầm nhìn “xã hội số” của Việt Nam, đồng thời thúc đẩy sự hợp tác trong một loạt các ngành mà Ấn Độ có thế mạnh như hạt nhân dân sự, công nghệ vũ trụ, công nghệ thông tin và truyền thông, nông nghiệp, tài nguyên, chăm sóc sức khoẻ, vắc-xin và dược phẩm. Cần tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực dầu khí, trong đó Việt Nam nên mời các tập đoàn lớn của Ấn Độ cùng tham gia vào các dự án thăm dò ở nước thứ ba và các dự án hạ nguồn. Hai bên triển khai các nỗ lực hợp tác trong vấn đề biến đổi khí hậu tại Việt Nam cũng như các dự án tại khu vực. Với lợi thế của mình, Ấn Độ nên tiếp tục tăng cường hỗ trợ phát triển và xây dựng năng lực cho các địa phương ở Việt Nam, bao gồm các Dự án tác động nhanh (QIP), các chương trình của Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật và Kinh tế Ấn Độ (ITEC) và e-ITEC trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Về mục tiêu người dân, hai bên cần tiếp tục thúc đẩy giao lưu văn hoá, nhấn mạnh sự gắn kết lâu đời về văn hoá, lịch sử giữa Ấn Độ và Việt Nam, cùng nhau bảo tồn di sản văn hoá chung và coi đây như là trụ cột chính trong quan hệ đối tác phát triển giữa hai nước. Hai bên cũng sẽ tích cực hợp tác để xuất bản Bách khoa thư về Quan hệ Văn hoá và Văn minh Ấn Độ - Việt Nam để kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Ấn Độ - Việt Nam vào năm 2022. Để triển khai mục tiêu này, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cần phải phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Ấn Độ để sớm trình bản thảo về cuốn Bách khoa thư này, góp phần nâng cao sự hiểu biết về Ấn Độ tại Việt Nam cũng như góp phần vào thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai bên.

Để thực hiện mục tiêu xây dựng các kế hoạch xây dựng các cơ chế kết nối như trao đổi nghị viện, quan hệ giữa các bang của Ấn Độ và các tỉnh tại Việt Nam, giao lưu giữa các chính đảng, các tổ chức xã hội, các nhóm hữu nghị và các tổ chức thanh niên, hợp tác giữa các cơ sở giáo dục và học thuật, các viện nghiên cứu, các chương trình nghiên cứu chung, hai bên cần thiết phải tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác giữa các cơ quan liên quan để đưa các nội dung về quan hệ và sự gắn kết lịch sử lâu đời giữa Việt Nam và Ấn Độ vào hệ thống sách giáo khoa phổ thông của hai nước.

Với mục tiêu đó, Chính phủ Ấn Độ và Việt Nam cần tạo điều kiện hơn nữa cho các viện nghiên cứu chuyên ngành từ cả hai phía, tại Việt Nam là Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, còn tại Ấn Độ là Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam cùng các trường đại học khác của Ấn Độ có nghiên cứu về Việt Nam, cùng thiết lập một mạng lưới nghiên cứu về Ấn Độ và Việt Nam để cùng nhau thúc đẩy sự hợp tác, nâng cao hiểu biết hơn nữa về nhau, góp phần vào sự thành công các trụ cột trong Tuyên bố “Tầm nhìn chung vì Hoà bình, Thịnh vượng và Con người” mà Thủ tướng hai nước đã tuyên bố vào ngày 21/12/2020.

Phóng viên: Việt Nam và Ấn Độ chính thức thiết lập mối quan hệ từ năm 1972 và sang năm 2022, hai nước sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Trải qua 50 năm, hai nước đang là Đối tác chiến lược toàn diện, phát triển trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được thì cũng còn có những khó khăn, thách thức mà hai nước phải đối diện. Xin ông cho biết, những thách thức đó là gì và hai nước sẽ phải có những giải pháp như thế nào để vượt qua nhằm phát huy những thành quả đạt được cũng như vun đắp mối quan hệ ngày càng phát triển?

TS.Phạm Cao Cường - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á: Trải qua hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ giữa hai nước đã gặt hái được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Tuy vậy, bên cạnh những thành quả đạt được đó, thì vẫn còn nhiều những khó khăn và thách thức ở phía trước mà hai nước cần cố gắng vượt qua. Thách thức đầu tiên ở đây là sự thay đổi của tình hình thế giới, sự phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng khoa học công nghệ, sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn trên thế giới tác động không nhỏ tới sự hợp tác, các lĩnh vực hợp tác nhằm đáp ứng đòi hỏi từ mỗi bên, vì lợi ích chung và vì nhân dân hai nước.

Trong bối cảnh của tình hình thế giới có nhiều biến động, đại dịch COVID-19 vẫn sẽ là một thách thức không nhỏ đối với cả Việt Nam và Ấn Độ. Đại dịch tác động tới sự giao lưu, kết nối và ảnh hưởng trực tiếp đến thương mại, đầu tư giữa hai quốc gia. Sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng toàn cầu đòi hỏi cả Việt Nam và Ấn Độ phải có những giải pháp mới để tăng cường thương mại giữa hai bên, xây dựng các chuỗi cung ứng riêng ở mỗi nước nhằm vực dậy nền kinh tế. Trong khi đó, sự cạnh tranh giữa các nước lớn cũng tác động không nhỏ tới quan hệ hợp tác giữa Ấn Độ và Việt Nam. Vì lợi ích quốc gia là tối thượng do vậy mỗi quốc gia luôn muốn bảo toàn lợi ích của chính mình. Do vậy, để duy trì được tình hữu nghị, mối quan hệ truyền thống tốt đẹp lâu dài như quan hệ Việt Nam - Ấn Độ cũng là một thách thức. Điều quan trọng là cần phải phát huy các giá trị truyền thống vốn có, cùng nhau duy trì niềm tin chiến lược, hợp tác trên cơ sở song trùng về lợi ích, đặc biệt là vì lợi ích của nhân dân hai nước thì quan hệ Việt Nam - Ấn Độ sẽ tiếp tục phát triển, bền vững.

Trong các lĩnh vực hợp tác, mặc dù quan hệ hai nước trải qua một giai đoạn dài phát triển, nhưng một số mục tiêu mà hai bên đặt ra vẫn chưa thực hiện được, đặc biệt là kế hoạch nâng tổng kim ngạch thương mại song phương lên đến 15 tỷ USD vào năm 2020. Dù hai bên đã nâng cấp lên Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, song xếp hạng về đầu tư và thị trường của nước này với nước kia chưa phải là cao, chưa tương xứng với tiềm năng trong quan hệ giữa hai nước. Để làm được điều này, cần phải có một quyết tâm chính trị rất cao, sự chỉ đạo kịp thời của các cơ quan hữu quan từ cả hai phía nhằm nâng tầm vị thế và chính trị lẫn nhau ở mỗi nước. Cần phải tạo điều kiện tốt hơn cho môi trường đầu tư ở mỗi nước để thu hút các nhà đầu tư của cả Ấn Độ và Việt Nam sang hợp tác cùng nhau.

Hiện nay, các vấn đề an ninh phi truyền thống có tác động trực tiếp tới cả Việt Nam và Ấn Độ. Những vấn đề như khủng bố, xung đột biên giới, xung đột lãnh thổ, thảm hoạ thiên tai, sự thay đổi của khí hậu toàn cầu tác động mạnh tới sự hợp tác giữa hai bên. Các cơ chế phối hợp giữa Việt Nam và Ấn Độ xung quanh những khía cạnh hợp tác này còn rất mỏng, chưa thực sự thu hút được sự quan tâm đúng mức từ cả hai phía. Do vậy, cần phải tạo ra các cơ chế để tăng cường hợp tác song phương, trao đổi hơn nữa đối với những vấn đề có tầm ý nghĩa chiến lược trong quan hệ giữa hai nước. Cần nâng cấp các uỷ ban điều phối, các đơn vị thiết lập kế hoạch nhằm triển khai các thoả thuận hợp tác song phương cũng như các tuyên bố của lãnh đạo cấp cao giữa hai nước.

Việc nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo về Ấn Độ tại Việt Nam chưa thu hút được sự quan tâm nhiều trong các viện nghiên cứu và các trường đại học của Việt Nam. Do vậy, sự hiểu biết về văn hoá, đất nước, con người Ấn Độ chưa được nhiều bộ phận người dân Việt Nam biết đến. Công tác nghiên cứu về Ấn Độ học chưa thực sự phát triển và coi trọng đúng mức. Dự báo trong tương lai, khi Ấn Độ trở thành một cường quốc đông dân nhất thế giới đồng thời vượt Trung Quốc trở thành cường quốc kinh tế của thế giới thì điều này sẽ tạo ra những tác động không nhỏ về trật tự quốc tế khu vực. Công tác dự báo và nghiên cứu về Ấn Độ do vậy là rất cần thiết. Điều này đòi hỏi sự đầu tư đối với các cơ quan nghiên cứu, tham mưu chính sách về Ấn Độ là rất quan trọng. Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á hiện đang là đơn vị nghiên cứu chuyên sâu như vậy và đang góp phần vào việc hiện thực hoá mục tiêu “người dân” mà lãnh đạo hai bên đã tuyên bố.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Bích Lan