KIẾN NGHỊ SỚM XÂY DỰNG LUẬT VỀ NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO

19/12/2021

Việt Nam là quốc gia có tiềm năng phát triển nhiều loại năng lượng tái tạo (NLTT). Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển NLTT nhưng thực tế NLTT vẫn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Trên cơ sở phân tích kinh nghiệm pháp luật một số quốc gia trên thế giới, TS. Trịnh Minh Tâm, Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ, Bộ Khoa học và công nghệ đã kiến nghị nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả xây dựng và thực thi khung pháp lý trong lĩnh vực này.

Phát triển năng lượng tái tạo là xu thế tất yếu

Pháp luật của một số nước về phát triển năng lượng tái tạo

Chia sẻ về quy định pháp luật của một số nước trên thế giới về phát triển NLTT, TS.Trịnh Minh Tâm cho biết, CHLB Đức đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới xây dựng chiến lược nền kinh tế “năng lượng xanh”. Luật Năng lượng tái tạo của Đức (EEG) được xây dựng và có hiệu lực năm 2000, trong đó quy định cụ thể mức giá ưu đãi đối với mỗi kWh điện gió. Chính sách này, cùng với mức giá ưu đãi về giá điện gió Chính phủ Đức thực hiện từ năm 1991, đã tác động tích cực tới sự phát triển năng lượng gió của nước này. Trong quá trình thực hiện, EEG thường xuyên được điều chỉnh, sửa đổi để phù hợp với thị trường và thực tế phát triển công nghệ mới. Bên cạnh đó, Luật Xây dựng của Đức cũng đóng vai trò quan trọng trong phát triển nguồn năng lượng này, thậm chí, các nhà máy năng lượng gió được xếp vào danh mục “các dự án đặc quyền” với cơ chế ưu tiên cụ thể.

TS.Trịnh Minh Tâm cũng cho biết, Ấn Độ cũng là một trong những nước dẫn đầu thế giới về công suất điện gió, với chính sách đa dạng hóa nguồn năng lượng vào năm 1980. Cơ quan Nguồn năng lượng được chuyển thành Bộ Năng lượng, đã tiến hành nghiên cứu, xác định, triển khai các dự án điện gió và đưa vào khai thác.

Những chính sách khuyến khích phù hợp, những kết quả nghiên cứu kỹ thuật chi tiết và định hướng phát triển rõ ràng của Chính phủ Ấn Độ đã thu hút các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân đầu tư và phát triển thị trường điện gió hiệu quả mà không cần sự đầu tư lớn của Nhà nước. Một loạt các doanh nghiệp, trong đó 97% là doanh nghiệp tư nhân đã đầu tư vào sản xuất các thiết bị phát điện và phục vụ xuất khẩu. Nếu năm 2000, Ấn Độ mới có 1.220 MW điện gió, nhưng sau 5 năm, công suất điện gió của nước này đã tăng lên 3 lần, đạt mức 3.595 MW. Riêng năm 2004, đã lắp đặt được tuabin điện gió mới với tổng công suất 1.112 MW, đưa Ấn Độ vươn lên hàng thứ năm trên thế giới về công suất, sau CHLB Đức, Tây Ban Nha, Anh và Mỹ. Trong quá trình thực hiện, Chính phủ Ấn Độ tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý phù hợp cũng như có biện pháp kiểm tra, giám sát đảm bảo đầu tư của khu vực tư nhân không đi ngược lại lợi ích của xã hội.

Ngoài ra, ngay từ năm 2006, Trung Quốc đã ban hành Luật Năng lượng tái tạo, đặt nền móng cho cuộc cách mạng phát triển năng lượng sạch. Kế hoạch 5 năm lần thứ XII (2011-2015) và lần thứ XIII (2016-2020) của Trung quốc đã chỉ ra phải ưu tiên phát triển năng lượng xanh và bảo vệ môi trường, bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải carbon và thay đổi cấu trúc thị trường than.

Trung Quốc đã điều chỉnh giá điện từ nguồn tái tạo và hủy bỏ các kế hoạch triển khai các dự án nhà máy nhiệt điện chạy than; khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư sản xuất nguồn năng lượng sạch tại nước này. Theo đó, năm 2015, điện gió đã cung cấp 33 GW cho Trung Quốc, gấp 3 lần công suất năng lượng sạch tại Pháp và dự kiến Trung Quốc tăng công suất điện gió lên 210 GW vào 2020, tương đương với tổng công suất điện gió của cả thế giới.

Tại Nhật Bản cũng đã sớm nhận thức vai trò và tầm quan trọng của nguồn năng lượng sạch đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngay từ năm 2008, Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện chính sách hỗ trợ cho vay mua nhà sử dụng năng lượng tái tạo với thời gian trả nợ tối đa là 10 năm, trong đó, cho những gia đình cải tạo nhà, chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời được vay số tiền tối đa lên đến 5 triệu yen, tương đương gần 5.000 USD. Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản còn mua điện sản xuất từ năng lượng mặt trời với giá cao hơn giá thị trường và giảm giá bán các tấm pin năng lượng mặt trời.

Để thúc đẩy điện mặt trời phát triển, tháng 8/2011, Nhật Bản đã ban hành Luật Trợ giá (FiT) mua năng lượng tái tạo, khuyến khích người dân tự sản xuất điện mặt trời tại nhà và từ đó xây dựng các trung tâm điện mặt trời lớn và tập trung. Luật FiT cho phép hỗ trợ giá điện sản xuất từ năng lượng mặt trời khi các doanh nghiệp tư nhân muốn đầu tư.

Cân nhắc xây dựng một bộ luật cụ thể để khuyến khích đầu tư, phát triển NLTT

Theo TS.Trịnh Minh Tâm việc nghiên cứu, tiếp thu kinh nghiệm của các nước trên thế giới là rất cần thiết tuy nhiên, cũng cần phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Để tiếp tục nâng cao cũng như  hoàn thiện pháp luật về lĩnh vực này, TS. Trịnh Minh Tâm đưa ra 06 kiến nghị cụ thể:

Thứ nhất, để đảm bảo sự đồng bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả pháp lý của khung pháp luật hiện hành, Việt Nam có thể cân nhắc xây dựng một bộ luật cụ thể để khuyến khích đầu tư, phát triển NLTT. Luật này sẽ góp phần giải quyết các vấn đề bất cập phát sinh không thống nhất, đồng bộ giữa các văn bản pháp luật, cũng như bổ sung hướng dẫn những cơ chế mới (cơ chế đấu thầu cạnh tranh điện mặt trời và điện gió và cơ chế mua bán điện trực tiếp).

Thứ hai, về quy trình cấp phép đầu tư, phát triển, xây dựng, vận hành dự án, Việt Nam nên tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, trong đó có việc thực hiện cơ chế một cửa liên thông, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước khác nhau khi thực hiện các thủ tục về đầu tư, quy hoạch, đất đai, xây dựng,… để cắt giảm các chi phí hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả đầu tư của khu vực tư nhân, cũng như hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Trong các thủ tục đó, việc đơn giản hóa quy trình và rút ngắn thời gian lập quy hoạch và bổ sung các dự án vào quy hoạch là một trong các nhóm thủ tục nên được cải thiện sớm.

Thứ ba, về khung pháp lý về hợp đồng và giao dịch, một trong các giải pháp có thể cân nhắc đó là cải thiện hơn nữa cơ chế chia sẻ rủi ro trong các hợp đồng đối với điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, điện từ chất thải rắn, thủy điện nhỏ. Chính sách này cũng gắn liền với việc thu hút vốn vay từ các tổ chức tài chính nước ngoài khi số lượng và quy mô các dự án tăng thêm.

Thứ tư, về chính sách giá điện, Việt Nam có thể kết hợp chính sách ưu đãi, hỗ trợ với cơ chế thị trường và lập chính sách giá điện FiT ưu đãi nên ổn định, minh bạch, có tính dự báo cao để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư tư nhân đầu tư lâu dài và bền vững ở Việt Nam. Việc xây dựng cơ chế chính sách cụ thể về giá điện cũng cần gắn liền với các chiến lược, mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, môi trường, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững để đảm bảo việc phát triển thị trường được bền vững và ổn định, sử dụng tài nguyên một cách hợp lý và khoa học.

Thứ năm, về giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, Việt Nam có thể cân nhắc lập quy hoạch minh bạch, hiệu quả và thống nhất để tạo sự thuận lợi và nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư và phát triển; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực này; thực hiện hiệu quả và minh bạch các chính sách hỗ trợ tài chính; đầu tư phát triển nguồn nhân lực cho thị trường; nâng cao hiệu quả và hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ thị trường và công nghệ; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền; duy trì và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.

Thứ sáu, về hoạch định chính sách vĩ mô, Việt Nam có thể tiếp tục thực hiện định hướng phát triển theo Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có việc tập trung nguồn lực, khai thác và sử dụng tối đa tiềm năng NLTT trong nước bằng những công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng miền, mang lại hiệu quả cao về kinh tế, xã hội và môi trường. Việt Nam có thể phát triển mạnh mẽ thị trường công nghệ NLTT, ngành công nghiệp sản xuất máy móc thiết bị, cung cấp dịch vụ NLTT trong nước; tăng cường tiềm lực cho nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các dạng NLTT mới.

Bên cạnh đó, Việt Nam có thể bổ sung và hoàn thiện hệ thống các quy định pháp luật về phát triển điện thông minh (smart power), bao gồm lưới điện thông minh (smart grid) và ứng dụng công nghệ thông tin vào ngành năng lượng điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (energy efficiency) trong nền kinh tế; đầu tư vào hệ thống lưu trữ điện năng (energy storage) phù hợp với tình hình phát triển của thị trường.

TS.Trịnh Minh Tâm cũng nhấn mạnh, việc đẩy mạnh phát triển và sử dụng nguồn NLTT và tăng nguồn cung cấp năng lượng trong nước sẽ góp phần thực hiện nhiều mục tiêu kinh tế - xã hội - môi trường của đất nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và tăng trưởng bền vững./.

Vũ Hà - Lan Anh