BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG TRẦN HỒNG HÀ BÁO CÁO GIẢI TRÌNH Ý KIẾN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VỀ QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT QUỐC GIA

30/10/2021

Chiều 30/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận toàn thể trực tuyến về dự kiến Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025). Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

 

 

Toàn cảnh phiên họp

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ, báo cáo giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội đề cập liên quan đến Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết sẽ tổng hợp đầy đủ và tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội. Trước đó, trên cơ sở ý kiến tổng hợp thảo luận tại Tổ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có nghiên cứu và có những giải trình bước đầu, cung cấp số liệu, thông tin cần thiết.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nêu rõ, đất đai là một nguồn tài nguyên hết sức đặc biệt, không gian để phát triển, nếu không quy hoạch sử dụng đất đai sẽ không đáp ứng được các yêu cầu phát triển và đặc biệt là yêu cầu để phát triển kinh tế - xã hội theo Chiến lược 10 năm đã đề ra, sẽ có độ trễ rất lớn và ảnh hưởng rất lớn đến phát triển của đất nước.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, nhận thức tầm quan trọng đặc biệt của vấn đề đất đai và quy hoạch đất đai, với sự quan tâm của Quốc hội, của Chủ tịch Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã đồng hành, vào cuộc từ sớm, từ xa để trong thời gian ngắn, Chính phủ đã thực hiện được nhiệm vụ rất khó này. Trong quá trình thực hiện, các cơ qan của Quốc hội đã cùng tổ chức mời các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý để thảo luận và nhiều hội nghị của Quốc hội tổ chức phản biện, góp ý vào báo cáo của Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ, có được sản phẩm hoàn thiện trình Quốc hội tại kỳ họp này là nhờ sự đồng hành của Quốc hội với Chính phủ.

Khắc phục những hạn chế, tồn tại trong dự báo, lập quy hoạch 

Về các vấn đề cụ thể, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, hiện nay quy hoạch đất đai sẽ đi trước một bước và là nền tảng để định hướng cho các quy hoạch và định hướng không gian. Nhưng nếu quy hoạch đất đai là một cách tiếp cận quốc gia thì biết không bao giờ đi được vào các quy hoạch mang tính chất chuyên ngành và kỹ thuật. Cùng với đó là các quy hoạch như xây dựng đô thị, quy hoạch tỉnh, quy hoạch hạ tầng, quy hoạch giao thông là những quy hoạch cụ thể hóa và hiện thực hóa các quy hoạch sử dụng đất. Quy hoạch đất đai chỉ mang tính chất nền tảng để định hướng không gian. Trong đó, xác định 3 ranh giới gồm ranh giới bảo tồn, bảo vệ nghiêm ngặt; ranh giới bảo tồn, bảo vệ nhưng mà có phát triển hạn chế và ranh giới phát triển toàn diện. Với ba ranh giới này có bốn khu vực để định hướng như đất lúa, đất rừng phòng hộ, sông, suối, hồ, ao, di sản, danh lam thắng cảnh, v.v. là những nơi cần phải bảo vệ. Đây là những quy hoạch tĩnh cần phải được giữ gìn cho con cháu, các thế hệ sau.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà giải trình, làm rõ một số nội dung được đại biểu Quốc hội quan tâm

Đặc biệt là đất lúa không chỉ bảo đảm an ninh lương thực mà đất lúa còn là đảm bảo giữ hệ tài nguyên đất đai, giá trị đất đai đặc biệt, thổ nhưỡng đặc biệt, phải hàng triệu năm mới tạo ra được và khi đã thay đổi không lấy lại được. Bởi vậy trong Quy hoạch lần này vẫn cương quyết giữ trên 3,5 triệu hecta. Bộ trưởng nhấn mạnh, đất trồng lúa chính là một không gian dự trữ cho con cháu trong nhiều thế hệ sau. Nếu bây giờ khai thác hết không còn không gian đất nào nữa để cho các thế hệ sau nếu có nhu cầu phát triển.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ rõ, hiện nay còn có hạn chế mang tính chất hệ thống, đó là dự báo, phương pháp quy hoạch, tính đồng bộ hệ thống quy hoạch. Nếu quy hoạch sử dụng đất chỉ đúng một mình, không có các quy hoạch thành phần để cụ thể hóa, không thể quản lý đất đai hiệu quả được. Do đó, nếu không thay đổi và tiếp cận cách thức quy hoạch cứng nhắc, quy hoạch không dựa trên tĩnh và động, phân ra các vùng và quy hoạch không dựa trên xác định cơ chế thị trường thì sẽ làm cản trở việc sử dụng nguồn lực đất đai.

Liên quan đến chỉ tiêu đất khu công nghiệp, trước băn khoăn của đại biểu Quốc hội về việc hiện nay nhiều khu công nghiệp không đạt tỷ lệ lấp đầy, giai đoạn tới lại tiếp tục gia tăng đất khu công nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết tồn tại hạn chế có thể giải thích được. Bộ trưởng nêu rõ, đất khu công nghiệp vào thời điểm quy hoạch tiên lượng sẽ có sự phát triển rất cao. Dự báo làn sóng đầu tư sẽ có chuyển dịch. Nhưng trên thực tế điều này chưa xảy ra. Hơn nữa vào cuối nhiệm kỳ rơi vào khủng hoảng do COVID-19. Đây là một nguyên nhân cần khẳng định rõ.

Bộ trưởng cho biết thêm, nếu nhìn vào đầu tư của đầu tư công trong thời gian vừa qua mặc dù rất lớn nhưng để thu hút phát triển các khu công nghiệp đòi hỏi về mặt hạ tầng giao thông kết nối. Bên cạnh các khu vực như vùng trung du miền núi đã có đường giao thông thì còn nhiều vùng không có nguồn lực đầu tư công để đáp ứng đồng bộ kết cấu hạ tầng. Mặt khác, trong khu công nghiệp chỉ thu hút FDI, còn ngoài khu công nghiệp và doanh nghiệp của Việt Nam dựa trên sự thỏa thuận, đầu tư sản xuất, kinh doanh ở ngoài khu công nghiệp. Điều này cho thấy cơ chế, chính sách thu hút đầu tư ở các khu công nghiệp chưa thực sự  thuận lợi, chưa tạo môi trường pháp lý tốt để có thể tiếp cận một cách bình đẳng nguồn lực đất đai.

Đồng tình với các ý kiến của đại biểu Quốc hội liên quan đến những tồn tại hạn chế và đề xuất giải pháp trong thực hiện chỉ tiêu đất bãi thải, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lý giải nguyên nhân một là đầu tư công vào đây rất ít, xã hội hóa cũng rất ít. Hai là chưa có tính toán chính xác đối với bãi thải. Do đó, đòi hỏi trong thời gian sắp tới sẽ thay đổi công nghệ để không cần bố trí quá nhiều đất dành cho bãi thải.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết sẽ tiếp thu nhiều ý kiến góp ý cụ thể của đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện Quy hoạch như về căn cứ pháp lý, căn cứ chính trị, định hướng quy hoạch 6 vùng, chỉ tiêu thống kê đất rừng phòng hộ của Cà Mau,…;đồng thời bày tỏ nếu các đại biểu Quốc hội phát hiện có vấn đề gì chưa đầy đủ, chưa chính xác, cơ quan soạn thảo, Chính phủ sẽ hết sức nghiêm túc xem xét.

Quy hoạch sử dụng đất đai phải đồng bộ, thống nhất với quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch ngành, lĩnh vực, địa phương

Bày tỏ thống nhất cao với đề xuất giải pháp thực hiện Quy hoạch trong giai đoạn tới của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết sẽ nghiêm túc tiếp thu. Trong đó, có ý kiến về thể chế đối với quản lý trong quá trình xây dựng quy hoạch đảm bảo tính đồng bộ quy hoạch, sử dụng hiệu quả quy hoạch và các chế tài xử lý vi phạm; về xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai nói chung và dữ liệu quy hoạch nói riêng, công khai, tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Quy hoạch này sau khi xây dựng xong, Chính phủ sẽ phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất 5 năm cho các địa phương, cho các ngành và lĩnh vực ngay trong năm nay để các địa phương, các ngành có thể thực hiện được yêu cầu phát triển kinh tế. Song Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng, chỉ quy hoạch sử dụng đất đai là không đủ mà phải đồng bộ, thống nhất giữa quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy hoạch nông thôn, quy hoạch giao thông, quy hoạch các ngành khác sử dụng đất…khi đó mới có thể quản lý và kiểm soát được.

Nhất trí với ý kiến đề xuất cần phải có những chính sách để điều tiết nguồn thu từ đất cho các địa phương hiện nay đang có trách nhiệm để gìn giữ, bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên như là bảo vệ rừng, bảo vệ các thủy vực, vấn đề an ninh, quốc phòng v.v..Bộ trưởng cũng cho biết đây là một trong những chính sách được đề xuất để sửa đổi Luật Đất đai.

Cho biết, quy hoạch sử dụng đất đai hiện nay còn chậm, có độ trễ và lệch pha với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, do đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian nhưng không quá một năm, để tiếp cận và cập nhật các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội sau khi điều chỉnh. Trên cơ sở đó sẽ không có tình trạng chậm như hiện nay nữa.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng chia sẻ, so với các kỳ trước Quy hoạch lần này được chuẩn bị và trình sớm hơn là nhờ có sự quan tâm vào cuộc, đồng hành của Quốc hội./.

Bảo Yến