CƠ CẤU LẠI NỀN KINH TẾ: CẦN COI TRỌNG CHUYỂN ĐỔI SỐ, NĂNG LỰC QUẢN TRỊ QUỐC GIA

30/10/2021

Trao đổi bên hành lang Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, các đại biểu nhận định, trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn do đại dịch, phải đối mặt với nhiều yếu tố bất định thì để tận dụng cơ hội, tạo đà bứt phá cho giai đoạn tiếp theo cần phải chú trọng tới đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, tăng cường năng lực quản trị quốc gia.

 

Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XV, ngày 30/10/2021

Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 theo hướng tăng cường đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số.

Theo đại biểu Hoàng Minh Hiếu, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An, để phát triển bứt phát trong thời gian tới thì điều kiện quan trọng nhất là Việt Nam cần phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đặc biệt là thực hiện chuyển đổi số. Ước vọng vươn lên thông qua chuyển đổi số không chỉ của mỗi mình Việt Nam. Điển hình như Estonia đã có sự phát triển rất mạnh mẽ về công nghệ thông tin, đứng đầu rất nhiều chỉ số về phát triển chính phủ số, kinh tế số. Tính chất của nền công nghệ thông tin là cạnh tranh rất khốc liệt và một trong những nguyên tắc quan trọng là "người thắng" sẽ lấy đi tất cả. Doanh nghiệp nào đi trước sẽ có ưu thế vượt trội do họ có những thuật toán độc quyền, có nguồn dữ liệu lớn và các doanh nghiệp đi sau sẽ rất khó có thể cạnh tranh được.

Theo đại biểu Hoàng Minh Hiếu, trong khi thực trạng hiện nay về phát triển kinh tế số của Việt Nam là rất hạn chế, thậm chí là có xu hướng đi xuống. Chỉ số xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam do Ngân hàng thế giới công bố đã giảm 2 năm liên tiếp cho dù điểm của chúng ta tăng lên. Điều đó cho thấy các nước cũng đang đi rất nhanh và đi nhanh hơn chúng ta. Vì vậỵ, để hiện thực hoá tiềm năng, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn 2021-2025 cần phải tập trung hơn nữa vào các giải pháp để khuyến khích đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Cụ thể:

Thứ nhất, cần xây dựng một cơ chế điều phối quốc gia về chuyển đổi số một cách mạnh mẽ hơn. Hiện chúng ta đã có Ban chỉ đạo quốc gia, có Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông nhưng cơ chế vận hành đang tồn tại nhiều vấn đề. Ví dụ đơn giản nhất là sự liên thông trong dữ liệu, được thể hiện rõ trong đợt phòng, chống COVID-19 vừa qua. Kinh nghiệm của các nước cho thấy, một số nước thì có cơ chế cao hơn các bộ như ở Singapore, một số nước thì giao cho Bộ chức năng nhưng có những thẩm quyền rất lớn bởi vì các vấn đề về khoa học, công nghệ liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau. Thậm chí một số nước đã thành lập Bộ về chuyển đổi số như Ukraina; như Bộ về Kinh tế số và xã hội số như Thái Lan, Joran…

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu trả lời phỏng vấn báo chí bên lề phiên họp

Thứ hai, tập trung xây dựng thể chế để phục vụ cho đổi mới, sáng tạo. Trong Đề án về định hướng lập pháp của Quốc hội trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV có đề cập nhưng cần phải tập trung xây dựng một cách quyết liệt hơn. Trong đó, cần phải có cái nhìn cởi mở hơn đối với những cái mới, thúc đẩy cái mới phát triển.

Thứ ba, tập trung phát triển hạ tầng số, trong đó cần lưu ý xây dựng các Trung tâm Dữ liệu quốc gia, nâng cao chất lượng hạ tầng thông tin. Không thể phát triển được kinh tế số, xã hội số khi mà hạ tầng thông tin còn rất kém phát triển. Một trong những ví dụ rõ ràng là trong đợt học trực tuyến vừa qua, nhiều vùng, nhiều địa phương trong cả nước rất khó khăn trong việc thực hiện do không có sóng điện thoại, không có mạng băng thông rộng.

Thứ tư, cần đẩy nhanh việc đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số cho toàn dân. Đây là yếu tố rất quan trọng, vì con người luôn là yếu tố là cơ bản nhất. Bài học ở Estonia cho thấy, để đạt được thành công trong chuyển đổi số như hiện nay thì vào năm 1995 họ đã có thay đổi cơ bản về giáo dục để đào tạo nên một thế hệ sẵn sàng cho việc chuyển đổi số. Hoặc gần đây, Singapore có chiến lược để nâng cao kiến thức về kỹ năng số cho toàn dân, thậm chí có cả chương trình “một kèm một” để giúp cho những người có khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ số có thể thành thạo trong việc sử dụng các ứng dụng cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Thứ năm, cần phải tạo lập niềm tin cho người dân khi tham gia sử dụng các dịch vụ công kỹ thuật số. Đó là niềm tin về việc bảo vệ dữ liệu, niềm tin vào việc sử dụng dữ liệu của người dân cho mục đích công cộng và niềm tin về việc được tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình sử dụng, tránh tình trạng người dân còn có những nghi ngại trong việc cài đặt các ứng dụng để triển khai sử dụng trên diện rộng. Với tính chất có tác động lớn đến cuộc sống của người dân, trong thời gian sắp tới, đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, bổ sung yêu cầu cần phải có những đánh giá tác động cụ thể đối với các ứng dụng cung cấp dịch vụ công kỹ thuật số cho người dân, trong đó có những tiêu chí cụ thể về mức độ bảo vệ dữ liệu, sự thuận tiện trong sử dụng, chi phí triển khai thực hiện.

Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 cần nâng cao năng lực quản trị quốc gia.

Bày tỏ quan điểm, đại biểu Phan Đức Hiếu, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, nhấn mạnh, cơ cấu lại nền kinh tế sẽ tạo ra những thay đổi nền tảng, nếu không thành công trong những năm bản lề đầu tiên thì sẽ bỏ lỡ cơ hội rất lớn để bứt phá và phát triển. Và để làm được điều này thì trong kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 cần phải đặc biệt quan tâm nâng cao năng lực quản trị quốc gia. Có 3 lý do chính được đại biểu Hiếu đưa ra:

Đại biểu Phan Đức Hiếu trả lời phỏng vấn báo chí bên lề phiên họp

Một là về cơ sở chính trị: Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030 đã xác định 1 trong những đột phá chiến lược là "Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại", nhất là quản lý phát triển và quản lý xã hội. Tại sao nội dung nâng cao năng lực quốc gia lại phải có trong đề án này? Vì đây Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, là thay đổi nền tảng về cơ chế, thể chế để giúp cho thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế xã hội.

Hai là về Cơ sở thực tế ở nước ta: Công tác phòng chống, dịch ở Việt Nam thời gian qua chúng ta gặp một số vấn đề trong phối hợp tổ chức, thực hiện; khả năng đưa những quyết định nhanh chóng; vấn đề tổ chức di cư cho người lao động; việc triển khai tổ chức thực hiện các Nghị quyết; năng lực dự báo chiến lược vắc xin, … đó là những bài học liên quan đến quản trị quốc gia và thể hiện sự cấp thiết phải nâng cao năng lực quản trị quốc gia để có những quyết sách nhanh hơn, toàn diện hơn, có tính dự báo tốt hơn và tổ chức thực thi cũng tốt và hiệu quả hơn.

Ba là về kinh nghiệp quốc quốc tế: Trong bối cảnh mới, các quốc gia đang phải đối diện với yêu cầu phải giải quyết những vấn đề mới, chưa có tiền lệ, khó, phức tạp và do đó, đòi hỏi quốc gia phải có năng lực thích ứng, năng lực dự báo, ra quyết định nhanh, chính xác, toàn diện, vừa có tính dự báo đối với vấn đề khó, thậm trí chưa có tiền lệ. Nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế nhận định năng lực quốc gia trở thành vấn đề quan trọng hơn bao giờ hết và khuyến nghị  quốc gia nào chưa tốt thì làm tốt, quốc gia nào đã tốt rồi phải làm tốt hơn nữa.

Đại biểu Phan Đức Hiếu đề nghị, cần bổ sung nâng cao năng lực quản trị quốc gia vào nhóm nhiệm vụ thứ tư và cần bổ sung thêm giải pháp cụ thể cho nội dung này./.

Dương Dung