HỘI ĐỒNG DÂN TỘC TỔ CHỨC HỌP TRỰC TUYẾN PHIÊN HỌP TOÀN THỂ LẦN THỨ 2

08/10/2021

Ngày 08/10/2021, tại Nhà Quốc hội, Hội đồng Dân tộc đã tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 2 theo hình thức trực tuyến. Chủ tịch Hội đồng Dân Y Thanh Hà Niê K’đăm chủ trì phiên họp .

 

Toàn cảnh Phiên họp 

“Nội dung hợp đồng bảo hiểm được đưa ra trong dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm vẫn còn theo hướng có lợi cho bên bán” là vấn đề mà nhiều đại biểu quan tâm khi thảo luận về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) tại phiên họp.

Theo đó, dự thảo Luật Kinh doanh Bảo hiểm lần này với mục tiêu lớn đặt ra là: Luật bảo hiểm phải tạo được môi trường hành lang pháp lý thuận lợi hơn để thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp bảo hiểm, đồng thời bảo vệ được quyền và lợi ích của các chủ thể mua bảo hiểm, tạo lập thị trường lành mạnh, góp phần phát triển kinh tế xã hội.

Trên cương vị là những người đại diện cho các cử tri là người dân tộc thiểu số, đa số các ý kiến thống nhất cho rằng dự án Luật cơ bản đã tạo cơ hội pháp lý đảm bảo quyền công dân, quyền bình đẳng giữa các dân tộc, tạo điều kiện để đồng bào dân tộc thiểu số được tham gia thị trường bảo hiểm. Dự án Luật đã thiết kế những nội dung qui định về bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm vi mô liên quan đến lĩnh vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số, dành cho những đối tượng yếu thế trong xã hội (những cá nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người có thu nhập thấp trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số) với đặc điểm phí bảo hiểm thấp, số tiền bảo hiểm nhỏ, sản phẩm bảo hiểm đơn giản, dễ hiểu nhằm đáp ứng nhu cầu tiết kiệm và bảo vệ họ trước những rủi ro có thể xảy ra trong cuộc sống.

Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng để pháp luật, chính sách đi vào thực tiễn cuộc sống cần có những quy định cụ thể trong dự án luật nhằm tăng cường khả năng tiếp cận, tham gia hoạt động bảo hiểm của đồng bào dân tộc, đối tượng ở các vùng khó khăn với  mô hình quản lý, thủ tục đơn giản và đặc biệt là cơ chế công khai, minh bạch thông tin, đặc biệt là về hợp đồng bảo hiểm. Theo các đại biểu, các quy định về hợp đồng bảo hiểm cần phải rà soát lại theo hướng bảo vệ quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm, quy định về quyền lợi và trách nhiệm các bên rõ ràng từ ngữ phổ thông, đơn giản, dễ hiểu, với các từ chuyên ngành thì cần được giải thích rõ để đồng bào dân tộc hiểu số nói riêng và người tham gia bảo hiểm nói chung để hạn chế tối đa những vướng mắc, tranh chấp.

Vấn đề thứ hai được các đại biểu đặc biệt quan tâm là bảo hiểm vi mô. Đồng tình tiếp tục phát triển loại hình bảo hiểm này thông qua những chính sách ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm phát triển thêm nhiều sản phẩm hơn nữa dành cho các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp, đặc biệt hộ nghèo, cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng cao. Đây là khoản đóng góp nhỏ, phù hợp để bảo đảm an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng vấn đề là cách thức để vận động người dân để họ thấy rõ được ý nghĩa của chính sách và tự nguyện tham gia bảo hiểm.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K'đăm phát biểu kết luận nội dung phiên họp

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K'đăm đề nghị các thành viên Hội đồng Dân tộc tiếp tục nghiên cứu tham gia thêm ý kiến về cách thức kết nối giữa doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm và người mua bảo hiểm thông qua các công ty tư vấn bảo hiểm và mua bán bảo hiểm; các cơ chế khi giải quyết, xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến hợp đồng.  

Về vấn đề bảo hiểm vi mô, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K'đăm cho biết, việc triển khai trong thực tiễn cho thấy sự cần thiết và hiệu quả của loại hình bảo hiểm này nhưng lại chưa được quy định đầy đủ trong dự án Luật. Vì vậy, các đại biểu cần nghiên cứu thêm để tham gia sâu hơn và đề xuất với Ban soạn thảo nghiên cứu đánh giá tác động đến các đối tượng một cách đầy đủ hơn.

Ngoài Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), các dự án Luật khác như dự án Luật Cảnh sát cơ động, Luật Điện ảnh (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tố tụng hình sự, các đại biểu sẽ nghiên cứu, góp ý bằng văn bản gửi Thường trực Hội đồng Dân tộc tiếp thu và hoàn thiện để tham gia phối hợp thẩm tra với các cơ quan liên quan./.

Phan Xanh - Sỹ Cường

Các bài viết khác