PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG DỰ PHIÊN HỌP TOÀN THỂ LẦN THỨ 2 CỦA ỦY BAN QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH VỀ THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT CẢNH SÁT CƠ ĐỘNG

08/10/2021

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng ngày 08/10, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 2 về thẩm tra dự án Luật Cảnh sát cơ động. Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp.

 

Tham dự Phiên họp còn có Thiếu tướng Lê Tấn Tới, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh; Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cùng các Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách và đại diện các Ủy ban của Quốc hội; đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ban Đối ngoại Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương.


Toàn cảnh Phiên họp toàn thể lần thứ 2 của Ủy ban Quốc phòng và An ninh.

Trong buổi sáng ngày 08/10, Ủy ban Quốc phòng và An ninh Thẩm tra dự án Luật Cảnh sát Cơ động. Tại Phiên họp, Báo cáo về Dự án Luật Cảnh sát cơ động, Trung tướng Phạm Quốc Cương - Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, cho biết: Pháp lệnh Cảnh sát cơ động được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 23/12/2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2014. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Cảnh sát cơ động phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang xử lý kịp thời, có hiệu quả các hoạt động gây phương hại đến an ninh, trật tự, biểu tình, bạo loạn; trấn áp các đối tượng phạm tội nguy hiểm, đấu tranh triệt phá các chuyên án, các băng, ổ nhóm tội phạm có tổ chức; bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, hội nghị, sự kiện chính trị quan trọng, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Việc xây dựng và ban hành Luật Cảnh sát cơ động trong thời điểm hiện nay là rất cần thiết.

Dự thảo Luật gồm 05 chương, 31 điều. Nội dung cơ bản của dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở bám sát các giải pháp của 04 chính sách đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua; kế thừa các quy định còn phù hợp của Pháp lệnh Cảnh sát cơ động năm 2013, bổ sung những quy định mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn hoạt động của Cảnh sát cơ động, cụ thể như: Xác định 07 nhóm nhiệm vụ cơ bản của Cảnh sát cơ động tại Điều 9 của dự thảo Luật, trong đó kế thừa những nhiệm vụ còn phù hợp của Pháp lệnh Cảnh sát cơ động, đồng thời bổ sung 02 nhiệm vụ cho Cảnh sát cơ động, đây là các nhiệm vụ trên thực tế Cảnh sát cơ động đang thực hiện, nay cần được luật hóa để bảo đảm tính ổn định, đồng bộ, thống nhất, nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi.

Dự thảo Luật Cảnh sát cơ động quy định cụ thể 07 quyền hạn của Cảnh sát cơ động tại Điều 10 của dự thảo Luật, trong đó bổ sung thêm 02 quyền hạn mới phù hợp với yêu cầu thực tế thực hiện nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động, gồm: (1) Được mang theo người vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không và lên tàu bay dân sự trong các trường hợp chống khủng bố, giải cứu con tin, trấn áp đối tượng có hành vi phạm tội nguy hiểm có sử dụng vũ khí; bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt, áp giải bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và sử dụng tàu bay riêng do cấp có thẩm quyền huy động để kịp thời cơ động giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự. (2) Ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện bay không người lái và các phương tiện khác trực tiếp tấn công, xâm phạm hoặc tin đe dọa tấn công, xâm phạm mục tiêu bảo vệ của Cảnh sát cơ động.

Dự thảo Luật bổ sung, làm rõ quy định về hoạt động của Cảnh sát cơ động gồm: Xây dựng và thực hiện phương án; biện pháp công tác; sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và huy động người, phương tiện, thiết bị (tại các Điều 11, 12, 16 và 17 của dự thảo Luật) đảm bảo tuân thủ quy định của Hiến pháp, phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan. Điều chỉnh, làm rõ quy định về thẩm quyền quyết định điều động Cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ của Tư lệnh Cảnh sát cơ động và Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tại khoản 2 và khoản 3 Điều 18 của dự thảo Luật) đảm bảo chặt chẽ, linh hoạt, phù hợp với thực tế triển khai ( thực hiện nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động.

Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về phối hợp của Cảnh sát cơ động với cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng có liên quan và chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ (tại Điều 19 của dự thảo Luật), trong đó quy định nguyên tắc phối hợp, nội dung phối hợp và cơ chế chỉ huy Cảnh sát cơ động trong phối hợp giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự. Ngoài ra, dự thảo Luật bổ sung quy định về tuyển chọn công dân vào Cảnh sát cơ động và bố trí sử dụng cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động phù hợp với tính chất, yêu cầu nhiệm vụ, hoạt động của từng lực lượng thuộc Cảnh sát cơ động (tại các Điều 24, 25 của dự thảo Luật).


Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh trình bày Báo cáo Thẩm tra dự án Luật Cảnh sát cơ động.

Đề cập về Thẩm tra dự án Luật Cảnh sát cơ động, Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh nêu rõ: Ủy ban Quốc phòng và An ninh tán thành sự cần thiết ban hành Luật Cảnh sát cơ động với những lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, “ưu tiên hiện đại hóa một số lực lượng”, trong đó có lực lượng Cảnh sát cơ động; đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập sau 07 năm thực hiện Pháp lệnh Cảnh sát cơ động, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ góp phần xây dựng Cảnh sát cơ động cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới.

Tờ trình của Chính phủ cũng đã thể hiện rõ đặc thù của Cảnh sát cơ động là lực lượng vũ trang chiến đấu tập trung, sử dụng biện pháp vũ trang là chủ yếu; được trang bị vũ khí, phương tiện kỹ thuật đặc chủng, hiện đại; phương án tác chiến đặc biệt; việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn tác động trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân; việc huấn luyện và thực thi nhiệm vụ trong điều kiện, hoàn cảnh khắc nghiệt, khó khăn, đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ phải có trình độ, năng lực, bản lĩnh và kỹ năng cao. Do đó, việc xây dựng Luật Cảnh sát cơ động là rất cần thiết cả về lý luận và thực tiễn, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho Cảnh sát cơ động thực hiện tốt nhiệm vụ theo yêu cầu của thực tiễn đặt ra, bảo đảm quyền, nghĩa vụ của Cảnh sát cơ động, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, cho rằng dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; phù hợp với Hiến pháp, cơ bản đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Để rõ ràng hơn, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ những quy định mới của dự thảo Luật so với pháp luật hiện hành để tránh chồng chéo trong hệ thống pháp luật và bảo đảm thuận lợi trong tổ chức thực hiện khi Luật được ban hành. 

Tại Phiên họp, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến đóng góp về các nội dung: Vị trí, chức năng của Cảnh sát cơ động; Nguyên tắc hoạt động của Cảnh sát cơ động; Xây dựng Cảnh sát cơ động; Hợp tác quốc tế của Cảnh sát cơ động; Quyền hạn của Cảnh sát cơ động; Hệ thống của tổ chức của Cảnh sát cơ động...

Cho ý kiến về vị trí, chức năng của Cảnh sát cơ động, đa số các đại biểu tán thành với dự thảo Luật. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, dự thảo Luật cần tiếp tục chỉnh lý về kỹ thuật để phân định rõ hơn vị trí, chức năng của Cảnh sát cơ động phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành; làm sáng tỏ hơn tính đặc thù của Cảnh sát cơ động sử dụng biện pháp vũ trang là chủ yếu, tính cơ động cao, tác chiến mau lẹ, được sử dụng vũ khí, phương tiện đặc biệt để giải quyết các sự việc trong tình huống cấp bách đang đe dọa nghiêm trọng đến an ninh, trật tự và tính mạng của người dân, tài sản của Nhà nước, của công dân. Đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu một số ý kiến như: nội dung của Điều này chưa quy định rõ về chức năng của Cảnh sát cơ động, đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể, rõ hơn để làm nổi bật tính chất đặc thù, đặc biệt, cơ động, chuyên trách của lực lượng này, bảo đảm thống nhất, phù hợp với tên của Điều luật. Ngoài ra, việc xác định Cảnh sát cơ động là cơ quan chuyên trách thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia cần xem lại để thống nhất với quy định của Luật An ninh quốc gia. Theo đó, các đại biểu đề nghị bổ sung 1 điều quy định về việc sửa đổi Luật An ninh quốc gia trong dự thảo Luật. Ý kiến khác đề nghị bổ sung nội dung “đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội” sau cụm từ “an toàn xã hội” bảo đảm thống nhất với vị trí của Công an nhân dân được quy định tại Điều 3 của Luật Công an nhân dân.

Đối với nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động, có ý kiến đề nghị bám sát chức năng “làm nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang” của lực lượng Cảnh sát cơ động. Theo đó, dự thảo Luật chỉ quy định những nhiệm vụ trực tiếp liên quan đến việc thực hiện biện pháp vũ trang do Cảnh sát cơ động chủ trì khi có tình huống phức tạp về an ninh, trật tự đang diễn ra để làm nổi bật tính chất đặc thù của Cảnh sát cơ động; hạn chế sử dụng Cảnh sát cơ động thực hiện một số nhiệm vụ của lực lượng, đơn vị khác trong Công an nhân dân đang đảm nhiệm.

Ngoài ra, có đại biểu cho rằng, nhiệm vụ quy định tại khoản 3 là một nhiệm vụ mới được Bộ trưởng Bộ Công an giao cho Cảnh sát cơ động thực hiện, trong thời gian qua, Cảnh sát cơ động đã hoàn thành tốt nhiệm vụ này, vì vậy cân nhắc quy định trong dự thảo Luật cho phù hợp, đề nghị bổ sung nội dung “theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an” vào cuối khoản để bảo đảm cơ sở pháp lý cho Cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ, tránh hiểu đây là một nhiệm vụ chính, thường xuyên của Cảnh sát cơ động. Đồng thời đề nghị quy định bổ sung nhiệm vụ định kỳ, thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng về điều lệnh, quân sự, võ thuật cho các lực lượng khác thuộc Công an nhân dân, góp phần nâng cao thể lực, võ thuật phục vụ công tác, chiến đấu. Mặt khác, có ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung 02 khoản quy định về nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và quy định về nhiệm vụ thực hiện hợp tác quốc tế trên cơ sở điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và thỏa thuận quốc tế có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát cơ động.

Về quyền hạn của Cảnh sát cơ động, có đại biểu đề nghị quy định cụ thể, chặt chẽ hơn các trường hợp được “ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện bay không người lái” ở khoản 3; đồng thời cần rà soát, đối chiếu với quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và pháp luật có liên quan để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; đề nghị bổ sung cụm từ “trong phạm vi” sau cụm từ “xâm phạm” để phân biệt rõ ranh giới thực hiện nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động, tránh trùng dẫm phạm vi, mục tiêu bảo vệ của các lực lượng khác. Ý kiến khác đề nghị cân nhắc quy định tại khoản 4 vì thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của Cảnh sát cơ động đã được quy định cụ thể tại Luật Xử lý vi phạm hành chính. Vì vậy, các đại biểu đề nghị không nên quy định lại quyền hạn này trong dự thảo Luật.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang đóng góp ý kiến tại Phiên họp.

Đóng góp về về vị trí, chức năng của Cảnh sát cơ động, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho rằng, tại khoản 14 Điều 16 của Luật Công an nhân dân quy định lực lượng Công an nhân dân có nhiệm vụ và quyền hạn áp dụng 07 biện pháp (trong đó có biện pháp vũ trang) để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội... Như vậy, việc sử dụng biện pháp vũ trang trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được quy định đối với tất cả các lực lượng trong Công an nhân dân (cảnh sát ma túy, hình sự, cảnh vệ...) mà không chỉ có Cảnh sát cơ động. Vì vậy, việc sử dụng cụm từ “chuyên trách thực hiện biện pháp vũ trang” trong việc xác định vị trí, chức năng của Cảnh sát cơ động là chưa chính xác và gây nhiều tranh luận không cần thiết; đồng thời cho rằng, việc Cảnh sát cơ động thực hiện biện pháp vũ trang (là việc sử dụng sức mạnh thể chất và sức mạnh của vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hiện đại, trong đó có cả động vật nghiệp vụ, tàu bay, tàu thủy...) để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội là đặc biệt và chỉ gắn với Cảnh sát cơ động, các lực lượng khác trong Công an nhân dân không có. Do đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị sửa lại Điều 3 của dự thảo Luật như sau “Cảnh sát cơ động là lực lượng vũ trang nhân dân, thuộc Công an nhân dân Việt Nam, là lực lượng đặc biệt, nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội”.

Đóng góp ý kiến đối với hệ thống tổ chức của Cảnh sát cơ động, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang nêu quan điểm: Điều 13 của dự thảo Luật nêu 02 phương án để xin ý kiến của Quốc hội. Phương án 1 quy định mang tính nguyên tắc về hệ thống tổ chức của Cảnh sát cơ động gồm Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và Cảnh sát cơ động Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Phương án 2 là ngoài quy định về hệ thống tổ chức như tại Phương án 1 thì còn quy định về cơ cấu lực lượng của Cảnh sát cơ động với 06 lực lượng cụ thể (Lực lượng đặc nhiệm; Lực lượng tác chiến đặc biệt; Lực lượng bảo vệ mục tiêu; Lực lượng sử dụng tàu bay, tàu thủy; Lực lượng huấn luyện, sử dụng động vật nghiệp vụ; Lực lượng Cảnh sát cơ động dự bị chiến đấu). Cả hai Phương án đều giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết về hệ thống tổ chức của Cảnh sát cơ động.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhất trí với quy định của Phương án 1 vì thống nhất với quy định của Luật Công an nhân dân (Điều 17); đồng thời, quy định này cũng tương tự với quy định về hệ thống tổ chức của một số lực lượng khác như lực lượng Cảnh vệ (Điều 16 của Luật Cảnh vệ), lực lượng Cảnh sát biển (Điều 26 của Luật Cảnh sát biển Việt Nam), lực lượng Bộ đội Biên phòng (Điều 21 của Luật Biên phòng Việt Nam).

Đối với Phương án 2, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, dự thảo Luật cần bảo đảm phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tránh làm “phình” tổ chức, bộ máy của Cảnh sát cơ động. Trường hợp cần thiết phải quy định về tổ chức, bộ máy trong Luật, đề nghị Chính phủ cần giải trình, đánh giá tác động chi tiết, đầy đủ chặt chẽ và có báo cáo cụ thể theo quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.


Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu Kết luận tại Phiên họp.

Phát biểu Kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao ý kiến đóng góp của các thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh, đại diện các Ủy ban của Quốc hội và các đại biểu tham dự Phiên họp và cho rằng, những ý kiến nêu ra đều trên tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, việc ban hành Luật Cảnh sát cơ động là cần thiết để tạo cơ sở hành lang pháp lý chặt chẽ cho hoạt động của Cảnh sát cơ động, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong công tác này. Ngoài ra, việc nâng Pháp lệnh Cảnh sát cơ động thành Luật Cảnh sát sơ động cũng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, phải bám vào Điều 14 của Hiến pháp.

Để đảm bảo cho dự án Luật Cảnh sát cơ động đảm bảo chất lượng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra dự án Luật cần lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh, các Ủy ban của Quốc hội, các đại biểu tham dự Phiên họp để tổng hợp lại trước khi trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2 tới./.

Bích Lan