Nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục quốc phòng-an ninh
Các đại biểu đều tán thành với sự cần thiết ban hành Luật giáo dục quốc phòng-an ninh và cho rằng công tác giáo dục quốc phòng và an ninh trong thời gian qua theo chủ trương của Đảng và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng.
Tuy nhiên, thực tiễn đang tồn tại những bất cập làm hạn chế chất lượng, hiệu quả giáo dục quốc phòng-an ninh. Bởi vậy, việc ban hành Luật giáo dục quốc phòng-an ninh mới sẽ khắc phục được những mặt hạn chế trước đây.
Đa số các đại biểu Quốc hội cũng cơ bản tán thành với báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật giáo dục quốc phòng-an ninh của Ủy ban thường vụ Quốc hội và cho rằng dự thảo Luật giáo dục quốc phòng-an ninh trình Quốc hội kỳ họp lần này đã quy định cụ thể hơn về phạm vi điều chỉnh; bổ sung thêm đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động trên lĩnh thổ Việt Nam.
Thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu đồng tình với báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật giáo dục quốc phòng-an ninh của Ủy ban thường vụ Quốc hội về mục tiêu giáo dục quốc phòng-an ninh là: "Giáo dục cho công dân đường lối của Đảng, nhiệm vụ quốc phòng và an ninh, kỹ năng quân sự cần thiết, để phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống dựng nước và giữ nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, nâng cao ý thức, trách nhiệm, tự giác thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và bảo vệ Tổ quốc."
Các ý kiến của đại biểu cũng nhất trí với báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật giáo dục quốc phòng-an ninh của Ủy ban thường vụ Quốc hội là tách chương V thành ba chương V, VI và VII là hợp lý, để quy định rõ giáo viên, giảng viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên giáo dục quốc phòng và an ninh; kinh phí giáo dục quốc phòng và an ninh; trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức trong quản lý nhà nước về giáo dục quốc phòng-an ninh.
Góp phần hình thành nhân cách và đào tạo con người
Đối với vấn đề giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở, đa số ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí như trong dự thảo Luật là "Thực hiện lồng ghép thông qua nội dung các môn học trong chương trình, kết hợp với hoạt động ngoại khóa phù hợp với lứa tuổi, để hình thành những cơ sở hiểu biết ban đầu về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, lực lượng vũ trang nhân dân; ý thức kỷ luật, tinh thần đoàn kết, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào," vì đây là việc làm cần thiết nhằm góp phần hình thành nhân cách và đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện ngay từ đầu.
Tuy nhiên, theo đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) cần sửa lại nội dung này như sau: "Giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường tiểu học, trung học cơ sở được thực hiện lồng ghép thông qua nội dung các môn học trong chương trình, kết hợp với hoạt động ngoại khóa và hoạt động của Đội thiếu niên tiền phong và của Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phù hợp với lứa tuổi, để hình thành những cơ sở hiểu biết ban đầu về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc; ý thức kỷ luật, tinh thần đoàn kết, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào." Như vậy, mới phát huy được vai trò của Đội thiếu niên tiền phong và Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong trường học.
Về giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường cao đẳng, đại học cũng như trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội quy định giáo dục quốc phòng-an ninh là môn học chính khóa, đại biểu Ngô Thị Minh cho rằng chỉ cần quy định đây là môn học bắt buộc hàng năm, đồng thời nên bố trí học vào dịp hè hoặc đầu năm học trước khi khai giảng năm học mới và với thời gian học liên tục từ 10 đến 15 ngày tại các trung tâm, đơn vị quân đội là phù hợp.
Xung quanh việc bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội (Điều 14), đại biểu Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn) cho rằng quy định như vậy là rất rộng và không có tính khả thi. Bởi đối tượng đảng viên đã trùng với các đối tượng khác như công chức, viên chức, lãnh đạo… Vì vậy, đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu chỉnh sửa lại cho phù hợp với nội dung của Luật.
Đối với Điều 26 về báo cáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh, đại biểu Nguyễn Xuân Thủy (Phú Thọ) cho rằng quy định như dự thảo Luật là chưa đầy đủ, bởi đó chỉ là quy định tiêu chuẩn về người có thể làm báo cáo viên giáo dục quốc phòng-an ninh.
Vì vậy, đại biểu Thủy đề nghị ban soạn thảo cần quy định cụ thể và rõ hơn về điều này. Ví dụ như quy định về trình độ chuyên môn, kiến thức về quốc phòng-an ninh, kỹ năng truyền đạt kiến thức…
Cũng tại buổi thảo luận chiều nay, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến về quy định bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh cho chức sắc, nhà tu hành tôn giáo; trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức trong quản lý nhà nước về giáo dục quốc phòng-an ninh; chế độ, quyền lợi đối với đối tượng bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh; nội dung phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân; chế độ, quyền lợi đối với đối tượng bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh; phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho người dân ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng sâu, vùng xa...
Theo Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, ngày 30/5, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013. Phiên thảo luận này được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi./.