Quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm tiếp công dân

30/05/2013

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị cần nghiên cứu, quy định cụ thể những ai có thẩm quyền, trách nhiệm tiếp công dân.

Các địa phương, cơ quan, đơn vị, ban, ngành cần phải quy định trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tiếp công dân. Đây là một trong những nội dung chính của Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tiếp công dân do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày sáng 29/5 tại Quốc hội.

Hiện nay, trách nhiệm hay thẩm quyền tiếp công dân của các cơ quan, tổ chức và cá nhân đang được quy định phân tán trong nhiều văn bản khác nhau. Các quy định này chưa đầy đủ, chưa xác định rõ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào có trách nhiệm tiếp công dân và chưa phân định cụ thể đây là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức hay của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức đó. Do vậy, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị cần nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể những ai có thẩm quyền, trách nhiệm tiếp công dân, phân biệt rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong công tác tiếp công dân ngay trong dự thảo Luật này.

Đóng góp vào dự án Luật Tiếp công dân, nhiều ý kiến trong Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị cần xác định việc tiếp công dân là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, trong đó nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu trong việc tổ chức công tác tiếp công dân. Các đơn vị, phòng, ban cũng như cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức này cũng có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân theo phân công, điều hành của người đứng đầu. Có như vậy mới giải quyết được vấn đề ai tiếp công dân và tổ chức việc tiếp công dân như thế nào.

Tuy nhiên, một số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội còn băn khoăn về việc quy định cứng về định kỳ tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị tại Điều 10 của dự thảo Luật.

Mặc dù dự thảo Luật lần này đã chia ra nhiều mức quy định về thời gian định kỳ trực tiếp tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, song quy định này chưa xác định rõ mục đích tiếp công dân của người đứng đầu (để trực tiếp giải quyết hay chỉ để nắm tình hình thực tế hoặc chỉ đơn thuần tiếp nhận, giải tỏa bức xúc của công dân như các hoạt động tiếp công dân thường xuyên).

Trên thực tế, số lượng người dân trực tiếp đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại các cơ quan, tổ chức có sự khác biệt khá lớn (giữa cấp Trung ương và cấp địa phương, giữa các địa bàn hoặc giữa các ngành, lĩnh vực khác nhau). Do đó, nếu quy định cứng việc người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải dành một ngày hay một buổi trong một tháng để trực tiếp tiếp công dân là không phù hợp với thực tế, thiếu tính linh hoạt và cũng không thực sự hiệu quả. Bởi vì với các cơ quan thường xuyên tiếp nhận nhiều khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thì thời gian tiếp trực tiếp một ngày/một tháng là quá ít ỏi, trong khi ở một số cơ quan, tổ chức khác lại có khi vài tháng không có người dân nào tìm đến.

Thực tiễn thực hiện công tác tiếp công dân thời gian qua cho thấy, nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương đã tổ chức để lãnh đạo cấp tỉnh, cấp bộ cùng đại diện một số cơ quan, đơn vị chuyên môn hữu quan trực tiếp tiếp công dân, đồng thời giải quyết hoặc định hướng giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của người dân.

Tuy nhiên, để các buổi tiếp công dân này thu được kết quả như vậy thì bộ phận chuyên môn, giúp việc đã phải tiếp cận và có nghiên cứu, chuẩn bị trước về các vấn đề người dân nêu ra. Do đó, quan điểm coi việc tiếp công dân theo hình thức này là hoạt động tiếp công dân theo nghĩa tiếp nhận ban đầu (như dự thảo Luật Tiếp công dân đang điều chỉnh) hay là một khâu trong quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (như đang điều chỉnh trong Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo...) là vấn đề cần được tiếp tục cân nhắc./.

Bích Lan/VOV online

(http://vov.vn/)