GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ CÁC DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT VỀ VIỆC THÀNH LẬP ĐOÀN GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ NĂM 2022

27/07/2021

Chiều ngày 27/7, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2022.

Tại Phiên họp, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ: Ngày 25/7/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về 02 dự thảo Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2022. Đến nay, đã nhận được 434 văn bản ý kiến của đại biểu Quốc hội; trong đó, 388 văn bản đồng ý hoàn toàn với dự thảo Nghị quyết, 46 văn bản có ý kiến đóng góp cụ thể.

Một số vấn đề chung

Một số ý kiến đề nghị Nghị quyết chỉ nêu một số nội dung cơ bản về việc thành lập Đoàn giám sát; kế hoạch chi tiết, danh sách ủy viên và đại biểu mời tham gia nên giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn giám sát xem xét, quyết định cho phù hợp với thực tế. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã điều chỉnh dự thảo Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề theo hướng quy định mang tính nguyên tắc về phạm vi, đối tượng, nội dung giám sát, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan; nội dung cụ thể sẽ giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo thực hiện.


Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2022.

Có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung theo dõi việc thực hiện các kiến nghị giám sát cùng các chế tài kèm theo làm căn cứ cho việc xử lý các tổ chức, cá nhân không hoặc chậm thực hiện các kiến nghị giám sát; công khai kết luận sau khi kết thúc giám sát tại từng cơ quan, đơn vị để kịp thời cảnh báo, ngăn ngừa các vi phạm tương tự có thể xảy ra tại đơn vị khác.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, cho biết theo báo cáo cẩu Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau khi xem xét báo cáo kết quả giám sát chuyên đề, Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về kết quả giám sát, trong đó yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và các cơ quan hữu quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, theo dõi, giám sát việc triển khai thực hiện và báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trường hợp các tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đúng sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật; cần thiết sẽ chuyển đến các cơ quan chức năng xử lý để bảo đảm thực hiện nghiêm yêu cầu của Quốc hội. Bên cạnh đó, tại kỳ họp cuối năm của năm giữa nhiệm kỳ và kỳ họp cuối năm của năm cuối nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát lại việc thực hiện các nghị quyết giám sát chuyên đề; qua đó, góp phần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan và người đứng đầu các cơ quan chịu sự giám sát, kịp thời xử lý những tồn tại, vướng mắc và có những điều chỉnh phù hợp trong chỉ đạo, điều hành, hoàn thiện chính sách, pháp luật. Về công khai kết luận của các đoàn giám sát, Uỷ ban thường vụ Quốc hội sẽ xem xét chỉ đạo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Về 02 Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhận định: Về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội nhất trí với các nội dung trong các dự thảo Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát; đồng thời, có một số ý kiến góp ý cụ thể. Theo đó, có ý kiến đề nghị điều chỉnh nhân sự Trưởng Đoàn, Phó Trưởng Đoàn giám sát chuyên đề về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu và thể hiện như trong dự thảo.


Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường.

Một số ý kiến đề nghị mời đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân nơi Đoàn đến giám sát để tăng cường phối hợp; giới hạn phạm vi giám sát về mặt không gian và thời gian, bảo đảm giám sát đạt chất lượng, hiệu quả; xác định cụ thể địa phương, bộ, ngành để tiến hành giám sát; bổ sung một số cơ quan chịu sự giám sát ở trung ương; xây dựng nhiều phương án, phương thức tổ chức giám sát khác nhau để phù hợp với bối cảnh tình hình dịch Covid-19.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu và chỉ đạo xây dựng Kế hoạch giám sát chi tiết và nghị quyết danh sách ủy viên, đại biểu mời tham gia (bao gồm: đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, một số đại biểu Quốc hội, đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước, đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân và một số chuyên gia). Đồng thời, trong quá trình tổ chức triển khai, Đoàn giám sát có thể mời đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành để giải trình, làm rõ thêm nội dung liên quan đến chuyên đề giám sát.

Ngoài ra, có một số ý kiến góp ý cụ thể về mục đích, yêu cầu, đối tượng, phạm vi, nội dung giám sát và cách thức tổ chức thực hiện của 02 chuyên đề giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được tiếp thu và sẽ chỉ đạo thể hiện trong Kế hoạch chi tiết của Đoàn giám sát cho phù hợp.  Với báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về 02 dự thảo Nghị quyết về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định./.

Bích Lan-Bùi Hùng

Các bài viết khác