GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH NĂM 2022, ĐIỀU CHỈNH CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT NĂM 2021

27/07/2021

Tiếp tục chương trình nghị sự, chiều 27/7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội nghe Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.

Toàn cảnh Phiên họp 

Báo cáo trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh (sau đây gọi là Chương trình) năm 2022, điều chỉnh Chương trình năm 2021. Các ý kiến phát biểu cơ bản tán thành với nội dung Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo Nghị quyết; đồng thời có thêm nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, đề xuất giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật.

Về tình hình thực hiện Chương trình thời gian qua, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ: Ý kiến các vị đại biểu Quốc hội đều thống nhất với những đánh giá trong Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho rằng thời gian qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan có nhiều cải tiến, đổi mới trong công tác xây dựng pháp luật và đã đạt được những kết quả tích cực. Bên cạnh đó, các vị đại biểu Quốc hội đã phân tích, làm rõ thêm những hạn chế, bất cập kéo dài nhiều năm, cần được quan tâm xử lý, khắc phục triệt để trong thời gian tới như: việc tổ chức thực hiện Chương trình chưa tốt, kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật chưa nghiêm; tình trạng xin lùi thời gian trình, rút dự án khỏi Chương trình, bổ sung dự án gần sát kỳ họp còn nhiều; đồng thời, cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ sát sao hơn trong chỉ đạo triển khai, bảo đảm thực hiện có hiệu quả Chương trình được Quốc hội thông qua.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, các cơ quan có liên quan phát huy những kết quả đạt được, tiếp tục cải tiến, đổi mới, nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật, khắc phục những bất cập, hạn chế; bảo đảm chất lượng, tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng 

Về dự kiến Chương trình năm 2022, điều chỉnh Chương trình năm 2021, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, nhiều ý kiến tán thành đưa dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào Chương trình năm 2022 như dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; có ý kiến đề nghị cần trình dự án Luật này sớm hơn hoặc trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại hai kỳ họp; có ý kiến đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết để xử lý ngay một số nội dung cấp bách liên quan đến đất đai trong khi chưa kịp sửa đổi Luật Đất đai.

Đây là dự án Luật lớn, có nhiều nội dung phức tạp, tác động sâu rộng nhiều mặt đến kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, cần có thời gian để chuẩn bị, xem xét, đánh giá một cách kỹ lưỡng, thận trọng. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội không ban hành ngay Nghị quyết về đất đai và cho giữ dự án Luật này trong Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 và thứ 4 để thông qua trong năm 2023. Trên cơ sở hồ sơ dự án do Chính phủ trình, thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội và ý kiến thảo luận của các vị đại biểu Quốc hội, nếu dự án Luật bảo đảm chất lượng tốt, đạt sự đồng thuận cao thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo để Quốc hội thông qua dự án Luật này sớm hơn tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).

Có ý kiến đề nghị Quốc hội ban hành một văn bản về nội dung phòng, chống đại dịch Covid-19 để tạo cơ sở pháp lý mạnh mẽ hơn cho Chính phủ trong việc tổ chức phòng, chống dịch bệnh. Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chủ động đề xuất, rất tích cực, khẩn trương và phối hợp với Chính phủ chuẩn bị, báo cáo Quốc hội cho bổ sung vào Chương trình kỳ họp việc thông qua Nghị quyết chung của kỳ họp thứ nhất, trong đó có nội dung về phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đây là sáng kiến lập pháp rất quan trọng, có ý nghĩa, kịp thời, thể hiện Quốc hội luôn đồng hành cùng Chính phủ, cả hệ thống chính trị và Nhân dân quyết tâm kiềm chế, đẩy lùi đại dịch Covid-19.

Một số ý kiến đề nghị bổ sung vào Chương trình việc sửa đổi, ban hành một số luật phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế; một số luật về lĩnh vực y tế để đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 .

Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận các đề xuất này, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất bổ sung vào Chương trình, nhất là đối với các dự án luật để thể chế hóa Nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các dự án luật cần sớm sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu thực hiện mục tiêu kép và hội nhập quốc tế của đất nước.

Có ý kiến đề nghị bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường bộ để điều chỉnh những vấn đề đã rõ, được sự đồng thuận của các cơ quan. Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, sau khi được Quốc hội khóa XIV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2020), dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đã được chuyển lại để Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo khẩn trương hoàn thành việc tiếp thu, chỉnh lý đối với dự án Luật này để báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian sớm nhất.

Có ý kiến đề nghị làm rõ tiến độ chuẩn bị đối với các dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến, sau đó đưa ra khỏi Chương trình như Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Luật về Hội, Luật Biểu tình,...  Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, đây là các dự án luật có nội dung mới, phức tạp, phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan đến quyền, nghĩa vụ của công dân; trong quá trình soạn thảo, xem xét, ý kiến còn rất khác nhau, cần tiếp tục nghiên cứu thấu đáo, chuẩn bị kỹ lưỡng để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm tính khả thi khi Luật được ban hành; do đó, khi đủ điều kiện sẽ báo cáo Quốc hội đưa vào Chương trình.

Có ý kiến đề nghị bổ sung thêm dự án vào Chương trình năm 2022 để bảo đảm chuẩn bị gối đầu cho Chương trình năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và sẽ chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ đẩy nhanh việc lập hồ sơ đề nghị xây dựng các luật theo yêu cầu được nêu tại các Phụ lục 3, 4 và 5 của Tờ trình, tiếp tục rà soát các luật có nội dung bất cập, không còn phù hợp hoặc có mâu thuẫn, chồng chéo để đề xuất bổ sung vào Chương trình.

Về tổ chức thực hiện Chương trình, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành các biện pháp bảo đảm thực hiện Chương trình như được nêu trong Tờ trình và dự thảo Nghị quyết. Một số ý kiến đề xuất thêm giải pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác lập pháp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và bổ sung, chỉnh lý cụ thể tại Điều 3 của dự thảo Nghị quyết.

Có ý kiến tán thành việc xây dựng Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV gắn với hoạch định phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự chủ động, dẫn dắt của Quốc hội trong hoạt động lập pháp, nhưng đề nghị Định hướng cần được xây dựng có sự linh hoạt, tránh lặp lại những hạn chế như đối với Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh toàn khóa trước đây. Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉ đạo nghiên cứu xây dựng Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội./.

Lê Anh - Minh Hùng

Các bài viết khác