CẦN TĂNG CƯỜNG KIỂM SOÁT TÌNH HÌNH NỢ XẤU NGÂN HÀNG DƯỚI TÁC ĐỘNG CỦA ĐẠI DỊCH COVID-19

12/06/2021

Tại phiên họp Thường trực Ủy ban Kinh tế mở rộng để thẩm tra sơ bộ báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp cho 6 tháng cuối năm 2021, các đại biểu bày tỏ lo ngại tác động của đại dịch đến việc kiểm soát nợ xấu và tín dụng vào thị trường bất động sản, chứng khoán; đề nghị có đánh giá đúng tình hình và biện pháp kiểm soát trong thời gian tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chủ trì phiên họp của Thường trực Ủy ban Kinh tế mở rộng

Cho ý kiến thẩm tra sơ bộ báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2021, các đại biểu cho rằng mặc dù trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nổi bật. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,16% so với tháng trước, bình quân 5 tháng tăng 1,29%, thấp nhất kể từ năm 2016, tạo dự địa trong điều hành giá trong mục tiêu dưới 4% đã đề ra. Thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định tín dụng phục hồi, tăng 4,67% so với cuối năm 2020; mặt bằng lãi suất cho vay giảm, thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng được bảo đảm. Thu ngân sách nhà nước 5 tháng đạt 49,7% dự toán, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu có tốc độ tăng cao, 5 tháng ước tăng 33,5% so với cùng kỳ năm 2020. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản diễn ra trong điều kiện thời tiết thuận lợi, các hoạt động đều có mức tăng khá so với cùng kỳ năm 2020. Sản xuất công nghiệp tiếp tục hồi phục và đạt kết quả tích cực, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 5 tháng tăng 9,9%, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 12,6%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 7,6%.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ rõ, tình hình nợ xấu của các tổ chức tín dụng trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, mặt bằng lãi xuất được điều chỉnh giảm nhưng chưa thực sự mang lại hiệu quả, việc giữ nguyên nhóm nợ có thể khiến tỷ lệ nợ xấu không được phản ánh đầy đủ trong các báo cáo tài chính của các tổ chức tín dụng. Các đại biểu lo ngại nỗ lực xử lý nợ xấu trong nhiều năm qua có nguy cơ bị Covid - 19 xóa bỏ.

Cùng với đó, trước hiện tượng dòng tiền chảy mạnh vào thị trường chứng khoán và bất động sản trong thời gian qua cần có đánh giá chính xác nguồn tiền đổ vào các thị trường này cũng như các thị trường phi chính thức hiện nay. Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Đỗ Văn Sinh đặt vấn đề, dòng tiền chảy đi đâu? Chắc chắn không vào sản xuất kinh doanh, vậy có vào những kênh tiềm ẩn rủi ro nợ xấu như bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng hay không?

Ủy viên Ủy ban Kinh tế Hoàng Văn Cường cho rằng rõ ràng thị trường chứng khoán, bất động sản tăng không phải do tăng trưởng kinh tế. Đại biểu phân tích, thị trường chứng khoán tăng 1,4 lần so với lúc bình thường nhất của năm 2019. Chỉ số chứng khoán là chỉ báo sức khỏe của nền kinh tế, vậy sức khỏe nền kinh tế hiện nay có tăng gấp 1,4 lần năm 2019 không? Hoàn toàn không phải. Điều đó rất là nguy hiểm, nếu không thận trọng sẽ dẫn đến các hệ lụy, nguy cơ tạo ra sự bất ổn, đây là cảnh báo về kinh tế vĩ mô. Theo đại biểu hiện nay không có con số chính xác nhưng dư nợ ngân hàng đi qua kênh trung gian để vào bất động sản và chứng khoán chắc chắn không nhỏ. Thị trường chứng khoán và bất động sản tăng nóng  thời gian qua là không bình thường.

Báo cáo làm rõ một số vấn đề các đại biểu quan tâm, Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Đào Minh Tú cho biết, một năm rưỡi qua, Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ với cả 2 vai Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Trung ương. Điều này đòi hỏi phải phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng. Nhấn mạnh, đặc thù là dùng chính sách tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp trong khi các nước dùng chính sách tài khóa. Nếu ta cứ dùng các biện pháp hành chính, không tuân theo quy luật thị trường thì sẽ phát sinh ra hệ lụy mới.

Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước cho biết, tháng 3/2020, để cứu doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 01/2020 quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19. Tuy nhiên nếu kéo dài chính sách này thì hệ lụy nợ xấu sẽ biểu lộ nhiều ở cuối năm nay hoặc năm tới.

Về tình hình nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Đào Minh Tú làm rõ, đến cuối năm 2020, nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng là 1,69%. Hiện nay nợ xấu nội bảng là 1,76%. Nếu tính cả nợ tiềm ẩn, nợ đã bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng, nợ có khả năng chuyển xấu thì khoảng 3,54%. Ngân hàng Nhà nước cũng tính toán nhiều phương án, có 3 kịch bản tăng trưởng để dự báo nợ xấu.

Về việc tín dụng chảy nhiều vào thị trường chứng khoán và bất động sản, Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước cho biết có tăng trưởng trong nhóm này nhưng thấp hơn rất nhiều so với những năm trước. Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước nêu rõ, tăng trưởng tín dụng bất động sản xu hướng giảm, từ 26,76% năm 2018 xuống chỉ còn 11,89% năm 2020; dư nợ bất động sản chiếm 18 - 20% tổng dư nợ của nền kinh tế. Tính đến 30/4/2021, tăng trưởng tín dụng vào bất động đạt 4,83%, cao hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung (4,14%), tỷ lệ nợ xấu là 1,89%, dư nợ tín dụng bất động sản chiếm 19,71% tổng dư nợ của nền kinh tế, nghĩa là không tăng so với giai đoạn trước đó.

Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước cho rằng vấn đề đáng quan tâm là tín dụng vào các dự án nghỉ dưỡng cao cấp, dự án có tính chất đầu cơ đã tăng 4,56% so cuối năm ngoái, chiếm hơn 35% tổng dư nợ cho vay bất động sản. Tín dụng tiêu dùng phục vụ mua nhà chiếm hơn 64% song vẫn tăng nhưng nằm trong ngưỡng kiểm soát và giúp thị trường bất động sản tăng trưởng.

Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Đào Minh Tú cho biết, trước hiện tượng tín dụng vào bất động sản tăng cao ở một số ngân hàng cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời chỉ rõ và can thiệp bằng biện pháp hành chính; khẳng định các đại biểu có thể an tâm  Ngân hàng Nhà nước đã có kiểm soát tình hình./.

Bảo Yến