Ủy ban Về các vấn đề xã hội tổ chức góp ý vào Báo cáo kết quả khảo sát thực thi chính sách bình đẳng giới và dân số

30/01/2013

Ngày 29/1, tại Hà Nội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội tổ chức Hội nghị Góp ý cho Báo cáo kết quả khảo sát thực thi chính sách bình đẳng giới và dân số tại các cơ quan truyền thông và sản phẩm truyền thông.

Theo Báo cáo khảo sát việc thực thi các quy định pháp luật về bình đẳng giới và dân số trên một số phương tiện thông tin đại chúng do Vụ Các vấn đề xã hội phối hợp với Csaga và Oxfam thực hiện cho thấy, công tác bình đẳng giới trong những năm vừa qua tại Việt Nam được đặc biệt chú trọng, được xác định là cuộc cách mạng lâu dài và bền bỉ, trong đó vai trò của truyền thông rất lớn, vì truyền thông có thể thúc đẩy bình đẳng giới nhưng cũng có thể góp phần kéo lùi sự tiến bộ. Do đó, hoạt động khảo sát việc thực hiện các quy định pháp luật về bình đẳng giới và dân số trên một số phương tiện truyền thông là cần thiết nhằm thúc đẩy sự vào cuộc một cách đồng bộ của các bên trong quá trình giám sát thực thi Luật Bình đẳng giới ở các cơ quan truyền thông và sản phẩm truyền thông đại chúng.

Tại hội nghị, phần lớn ý kiến của các đại biểu đều đánh giá Báo cáo đã cho thấy bức tranh tổng thể về bình đẳng giới. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, nhìn chung Báo cáo còn nặng về nhặt sạn, tác nghiệp hơn là nội dung đặt ra cho đề tài; chưa có phương pháp chung để tiếp cận về bình đẳng giới, còn ngiêng về hướng đòi quyền ngang bằng mà chưa có sự đứng trên 2 hai giới; nói nhiều đến nhược điểm mà không đề cập đến ưu điểm; chưa phân biệt được giữa định kiến giới và giá trị giới; chưa nêu rõ việc thực hiện các quy định của pháp luật trong báo cáo…

Các đại biểu đã đưa ra một số đề xuất như: bên cạnh việc tổ chức các lớp tập huấn thì cần có tư liệu về bình đẳng giới cho các phóng viên, biên tập viên, ưu tiên hơn cho truyền thông khi nói về bình đẳng giới; điều chỉnh và tăng cường các thông điệp truyền thông. Đồng thời, bên cạnh việc giám sát thực hiện Luật Bình đẳng giới cần có đánh giá sau khoảng 1 năm, 2 năm hay 5 năm xem đã thực hiện được gì. Ngoài ra, phải có sự hợp tác với các cơ quan chuyên môn để xây dựng bộ hướng dẫn phóng viên cách thức bảo đảm nhạy cảm giới trong các sản phẩm truyền thông; xây dựng cơ chế quản lý việc thực hiện và giám sát hiệu quả của các chính sách liên quan đến giới trong các cơ quan, bảo đảm việc giảm dần các định kiến giới và hướng tới loại bỏ các định kiến này trong các sản phẩm truyền thông đại chúng…

Hoa Lê

(http://daibieunhandan.vn/)

Các bài viết khác