Đoàn công tác đã kiểm tra, giám sát tại xã Tân Đông (huyện Tân Châu), làm việc với UBND huyện Tân Châu, UBND tỉnh Tây Ninh. Theo UBND tỉnh, Tây Ninh có 22 thành phần dân tộc thiểu số với 17.887 người (chiếm 0,16% dân số tỉnh). Trong đó chủ yếu là các dân tộc Khmer, Chăm, Hoa, Tà Mun… Đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Ninh vốn có truyền thống gắn bó lâu đời, sống gần gũi, chan hòa và có quan hệ giao lưu văn hóa mật thiết với đồng bào Kinh và giữa các cụm dân cư dân tộc thiểu số. Trong thời gian qua, tỉnh đã triển khai có hiệu quả nhiều chương trình mục tiêu quốc gia như chương trình 134, 135, y tế quốc gia, vệ sinh môi trường, nước sạch nông thôn… Hiện số hộ nghèo của tỉnh là 7.311 hộ (tỷ lệ 2,6%), số hộ cận nghèo là 6.388 hộ, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có 113 hộ nghèo, 138 hộ cận nghèo. Lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh cho biết: Tây Ninh tuy nhiều thành phần dân tộc nhưng lại ít người. Phần lớn do di cư nhỏ lẻ đi làm kinh tế. Đời sống đồng bào dân tộc hiện nay không đến nỗi khó khăn. Dù so với thu nhập bình quân cả tỉnh (2.380 USD/ người/ năm) không bằng, nhưng cũng ở mức tương đối, trong đó nhiều hộ đã vươn lên khá giả, làm giàu. Hiện số người dân tộc thiểu số được hỗ trợ 100% thẻ bảo hiểm y tế mới chỉ có 5.253/ 17.887 người, do chỉ những hộ nghèo, cận nghèo hoặc thuộc xã 135 mới được hỗ trợ. Do đó, cần có chính sách ưu tiên cho người dân tộc thiểu số được hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế.
Đoàn giám sát ghi nhận những kiến nghị của tỉnh, đồng thời đề nghị, Tây Ninh cần đánh giá lại mức thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số cho cụ thể, chính xác; có giải pháp tích cực hơn nữa đối với sự phát triển của các thành phần dân tộc, tạo sự phát triển bền vững. Tỉnh có thế mạnh về phát triển nông lâm nghiệp, nên cần nhân rộng các mô hình hiệu quả trong đồng bào dân tộc để nâng cao đời sống bà con. Cần quan tâm chuyển đổi ngành nghề, các hình thức liên doanh, liên kết để giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống, ưu tiên đào tạo nghề cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ không có đất sản xuất; nâng cao công tác giáo dục trong đồng bào dân tộc thiểu số để có nguồn cử tuyển đào tạo phục vụ nhu cầu địa phương; phát huy truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, lồng ghép với phát triển du lịch địa phương…