Các đại biểu đều tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Giáo dục quốc phòng-an ninh và cho rằng, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh trong thời gian qua theo chủ trương của Đảng và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng.
Tuy nhiên, thực tiễn đang tồn tại những bất cập làm hạn chế chất lượng, hiệu quả giáo dục quốc phòng-an ninh. Tình hình đó do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu là công tác quản lý nhà nước về giáo dục quốc phòng-an ninh chưa theo kịp với sự vận động của thực tiễn. Các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về giáo dục quốc phòng-an ninh thiếu đồng bộ, thống nhất, tính pháp lý chưa cao, chưa toàn diện; việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện còn chậm, một số nội dung thiếu rõ ràng gây khó khăn trong thực hiện.
Theo các đại biểu, việc ban hành Luật giáo dục quốc phòng-an ninh sẽ khắc phục được những hạn chế, bất cập nêu trên, đồng thời thể chế hóa kịp thời quan điểm chỉ đạo của Đảng về “đổi mới căn bản, toàn diện công tác giáo dục đào tạo”, nội dung của Chỉ thị 12/CT-TW ngày 03 tháng 5 năm 2007 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục quốc phòng-an ninh trong tình hình mới.
Về giáo dục quốc phòng-an ninh cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở, đa số ý kiến các đại biểu cơ bản nhất trí với dự thảo luật là "thực hiện lồng ghép thông qua nội dung các môn học trong chương trình kết hợp với hoạt động ngoại khóa để hình thành những cơ sở, hiểu biết ban đầu về quốc phòng, an ninh, hình ảnh bộ đội Cụ Hồ, công an nhân dân, truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc; ý thức kỷ luật, tinh thần đoàn kết, yêu Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa", vì đây là việc làm cần thiết nhằm góp phần hình thành nhân cách và đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện ngay từ đầu.
Tuy nhiên, theo đại biểu Triệu Thị Nái (Hà Giang), hiện nay nội dung chương trình học của học sinh ở các cấp học cũng đang quá tải, cùng với việc đổi mới chương trình dạy và học, vì vậy thời lượng lồng ghép nội dung về quốc phòng-an ninh nên bố trí vừa phải, chỉ lồng ghép khoảng 15% đối với học sinh tiểu học và 20% đối với học sinh trung học cơ sở.
Đại biểu Trần Hồng Thắm (Cần Thơ) cho rằng, ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung chính sách của nhà nước về đảm bảo kinh phí quốc phòng-an ninh phân bổ cho các địa phương hàng năm theo hệ thống các trường quân sự địa phương để tổ chức các mô hình bổ ích cho các học sinh đạt hạnh kiểm chưa đạt tại cấp tiểu học và hạnh kiểm yếu ở cấp trung học thay cho việc rèn luyện hè tại các trường, góp phần thiết thực cho việc giáo dục học sinh. Đại biểu H’Yim Kđok (Đắk Lắk) đề nghị cơ quan soạn thảo cần có sự nghiên cứu quy định và có chính sách riêng cho giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Xung quanh bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh cho đối tượng trong các cơ quan, tổ chức nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) cho rằng, quy định như trong dự thảo là chưa đầy đủ, mới chỉ xác định riêng những đối tượng học tại các Trung tâm, không quy định cá đối tượng học tại các cơ sở, huyện, xã và các cơ quan đơn vị. Nếu quy định như vậy dễ bị hiểu lầm là đã có sự thay đổi về đối tượng bồi dưỡng.
Đại biểu đề nghị thêm các đối tượng là trưởng thôn, bản, ấp, buôn, tổ dân phố, khu phố... và ghi rõ những đối tượng này được bồi dưỡng ở các cơ quan đơn vị để phân biệt với các đối tượng được đào tạo tại trung tâm. Tán thành với đại biểu Niễn, các đại biểu Nguyễn Xuân Thủy (Phú Thọ), Nguyễn Thị Nhung (Khánh Hòa) bổ sung thêm một nhóm đối tượng nữa là cán bộ công chức. Tuy nhiên đại biểu Nguyễn Thị Nhung cho rằng, nên bỏ quy định "kết quả bồi dưỡng là một trong những tiêu chí để xem xét bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, tổ chức nhà nước."
Theo đại biểu Nguyễn Thị Nhung (Khánh Hòa), quy định "nhà nước thực hiện bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho người quản lý doanh nghiệp ngoài nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập có tổ chức bộ máy quản lý nghiệp vụ, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hoặc hoạt động phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc hoạt động ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo" như trong dự thảo luật là rất cần thiết.
Đại biểu Triệu Thị Nái (Hà Giang) lại đề nghị xem xét tính khả thi của quy định trên vì số lượng người quản lý doanh nghiệp ngoài nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập trên thực tế là rất lớn, có vai trò, tính chất công việc khác nhau. Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho rằng, dự thảo Luật cần quy định những nguyên tắc chung làm căn cứ giao Chính phủ quy định hình thức giáo dục quốc phòng - an ninh cho phù hợp.
Đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) tán thành với quy định thành lập trung tâm quốc phòng-an ninh theo hệ thống ngành, địa phương tại dự thảo Luật vì theo thực tế, các chức năng về giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh hiện nay do các trường quân sự thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh tổ chức thực hiện đã đạt được những kết quả nhất định mặc dù các trường này chưa được gọi là trung tâm giáo dục quốc phòng an ninh. Việc thành lập trung tâm quốc phòng-an ninh chỉ là hình thức nâng cấp mô hình, thay đổi cách đặt tên.
Đại biểu Phạm Thị Trung (Kon Tum) lại băn khoăn về chức năng, đối tượng được bồi dưỡng, giáo dục của các trung tâm quốc phòng-an ninh. Đại biểu cũng kiến nghị dự án Luật cần điều chỉnh những chồng chéo, thiếu thống nhất trong quy định cơ quan quản lý trung tâm quốc phòng an ninh; đồng thời quy định trách nhiệm chủ trì, phối hợp rõ ràng nhằm bảo đảm tính thống nhất, khả thi trong quản lý.
Các đại biểu cũng dành nhiều thời gian thảo luận về quy định bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho chức sắc, nhà tu hành tôn giáo; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức về giáo dục quốc phòng - an ninh; đối tượng được miễn môn học giáo dục quốc phòng - an ninh và đối tượng được miễn học kỹ năng quân sự...
Cũng trong buổi chiều, Quốc hội đã nghe báo cáo về tình hình biển Đông./.