Ngày làm việc thứ tám, kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII: Thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2012 và kế hoạch phát triển KT-XH năm 2013

31/10/2012

Ngày 30-10, kỳ họp thứ tư, Quốc hội (QH) khóa XIII bước sang ngày làm việc thứ tám. Các đại biểu QH thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013.

Nhiều ý kiến phát biểu cơ bản nhất trí với nội dung đã nêu trong Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của QH về những kết quả đã đạt được, những khó khăn, hạn chế trong việc thực hiện phát triển nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2012 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm 2013. Trong điều kiện kinh tế nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 tiếp tục có những chuyển biến tích cực và phát triển đúng hướng. Thời gian qua, thực hiện chủ trương, đường lối của Ðảng và Nhà nước và các quyết sách của Chính phủ, các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và nhân dân trong cả nước đã và đang nỗ lực phấn đấu để vượt qua khó khăn, thách thức. 

Xử lý nợ xấu ngân hàng, hàng tồn kho và tái cơ cấu ngân hàng

Các ý kiến phát biểu đều cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 đã chuyển biến tích cực, tình hình lạm phát được kiềm chế, tăng trưởng ở mức hợp lý, lãi suất ngân hàng giảm, niềm tin của nhân dân, doanh nghiệp được củng cố. Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu, rào cản đối với sự phát triển ổn định của nền kinh tế nước nhà  hiện nay, đó là nợ xấu ngân hàng và hàng tồn kho của doanh nghiệp. Theo đại biểu Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình), bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động điều hành của Chính phủ vẫn còn nhiều yếu kém. Sự bất cập trong thời gian qua còn nằm ở việc cơ quan quản lý chưa thật sự kiểm soát được tình hình, số liệu thống kê thiếu tin cậy. Từ đó đã gây nghi ngờ về chính sách trong một bộ phận doanh nghiệp, người dân cũng như nhà đầu tư nước ngoài.

Trong thời gian còn lại của năm 2012, một số đại biểu cho rằng, cần đánh giá lại thật xác đáng tình hình, công bố giải pháp cụ thể cho các vấn đề như hàng tồn kho, nợ xấu... Các đại biểu QH: Lê Hữu Ðức (Khánh Hòa), Huỳnh Ngọc Ðáng (Bình Dương), Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh), Lê Phước Thanh (Quảng Nam), Phùng Ðức Tiến (Hà Nam) và một số đại biểu khác quan tâm tình hình nợ xấu vừa qua và cho rằng, tình hình này đã tác động tiêu cực đến nhiều doanh nghiệp trong nước. Ðại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh, nợ xấu đang gây khó cho các doanh nghiệp, biểu hiện thực tế gần đây, các ngân hàng huy động vốn với lãi suất hơn 9% và các doanh nghiệp đi vay vốn không còn ở mức lãi suất 15%, thậm chí không thể vay vốn được. Ðại biểu này đề nghị Ngân hàng Nhà nước làm rõ vấn đề nợ xấu, sắp tới cần công khai minh bạch các tiêu chí về tái cơ cấu ngân hàng, xử lý thanh khoản cho ngân hàng yếu kém và xây dựng niềm tin của người dân đối với hệ thống ngân hàng. Ðề nghị Chính phủ thời gian tới xây dựng một lộ trình tái cơ cấu trong vòng ba năm (từ năm 2012 đến 2015), chứ không thể "ăn đong" từng năm như hiện nay. Ngoài ra, cần thành lập Ủy ban quốc gia về tái cơ cấu kinh tế, do Thủ tướng đứng đầu, bởi vì một bộ, một ngành riêng lẻ khó đảm đương việc tái cơ cấu ngân hàng.

Các đại biểu cũng đã đưa ra những giải pháp gợi ý cho Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn trước tình hình nợ xấu. Theo đại biểu Lê Hữu Ðức, các cơ quan chức năng cần cho dừng hoạt động đối với những ngân hàng yếu kém đang làm xáo động thị trường bằng việc nâng lãi suất lên cao để huy động vốn. Hơn nữa, mạnh dạn để cho doanh nghiệp yếu kém ra khỏi thị trường. Vấn đề xử lý nợ xấu là trách nhiệm của các tổ chức tín dụng và của Ngân hàng Nhà nước. Ðại biểu Bùi Ðức Thụ (Lai Châu) đặt vấn đề trong thời gian tới, hệ thống tín dụng được khơi thông, tốc độ tăng trưởng tín dụng tăng tương đương với tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán, lượng tiền mặt có trên thị trường sẽ lớn hơn và gây áp lực lạm phát những tháng tới. Vì thế, đề nghị Chính phủ theo dõi sát thị trường và điều hành chính sách tiền tệ hợp lý, tránh việc gây "sốc" cho thị trường và kiểm soát tình hình lạm phát.

Ðể giải quyết rốt ráo vấn đề này, một số đại biểu cho rằng, cần đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu kinh tế, đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần hạ thấp lãi suất, khơi thông nguồn tín dụng, đổi mới tiếp cận vốn để tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp. Theo đại biểu Bùi Ðức Thụ, tình hình hiện nay cho thấy việc cân đối ngân sách 2013 rất khó khăn, nhưng nếu số lượng doanh nghiệp giải thể không giảm thì đề nghị phải thực hiện chính sách miễn, giãn, giảm thuế. Ðề cập mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5%, giữ lạm phát ở mức 8% do Chính phủ đề ra cho năm 2013, đại biểu Trần Du Lịch cho đây là mục tiêu mang tính khả thi, và lưu ý, nền kinh tế nước ta đang tăng trưởng dưới tiềm năng. Vấn đề là giải quyết bài toán tăng trưởng như thế nào trong thời gian tới.

Bên cạnh giải quyết nợ xấu ngân hàng, nhiều đại biểu quan tâm việc xử lý hàng tồn kho của các doanh nghiệp trong nước. Ðại biểu Huỳnh Ngọc Ðáng (Bình Dương) cho rằng, thực trạng đáng báo động là việc "tồn kho bất động sản" với khoảng 100 nghìn căn hộ, mặc dù Bộ Xây dựng thời gian qua đã đề ra nhiều giải pháp. Ðể giải quyết hàng tồn trong lĩnh vực xây dựng, đại biểu Lê Hữu Ðức (Khánh Hòa) cho rằng, cần phát hành trái phiếu cho các công trình quốc gia dân sinh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần nỗ lực tìm thị trường trong và ngoài nước để tiêu thụ sản phẩm, đồng thời ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau, nâng cao nhận thức trong nhân dân, ưu tiên sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước. Theo ý kiến của một số đại biểu, việc xử lý hàng tồn kho cần chú ý tới áp lực cạnh tranh với hàng nhập khẩu, cần hạn chế nhập khẩu các mặt hàng trong nước đã sản xuất phù hợp thông lệ quốc tế. Một số ý kiến kiến nghị, giải quyết nợ xấu cần gắn với giải quyết hàng tồn kho. Thí dụ, giải quyết tình hình xi-măng tồn kho thì có biện pháp đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn để tiêu thụ xi-măng.

Một số đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, khuyết điểm của nền kinh tế, trong đó đề cập vấn nạn tham nhũng và lãng phí trong thời gian qua. Ðại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) nêu thí dụ về  vụ việc Vinashin đã làm thất thoát lên tới 107 nghìn tỷ đồng. Theo đại biểu, nếu số tiền này không thất thoát, Việt Nam có thêm 214 nghìn phòng học, 107 nghìn nhà văn hóa hoặc 53 nghìn trạm xá. Chính nạn tham nhũng, lãng phí đã khiến giá thành sản phẩm của Việt Nam cao hơn nhiều so hàng nhập ngoại, hệ số ICOR (đầu tư so với tăng trưởng) cao gấp đôi các nước trong khu vực. Ðại biểu này nhắc lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây 60 năm, qua đó nhấn mạnh tham ô, lãng phí là kẻ thù của nhân dân, và cho rằng, bài học chống tham nhũng, lãng phí của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn tươi mới, vẫn mang tính thời sự và nguyên giá trị thực tiễn.

Giải trình về vấn đề nợ xấu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình cho rằng, diễn biến tình hình nợ xấu phù hợp tình hình kinh tế vĩ mô, trong đó có tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nước ta. Việc giải quyết tình hình hàng tồn kho của các doanh nghiệp cũng góp phần giải quyết tình hình nợ xấu ngân hàng. Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Bùi Quang Vinh đã giải trình về nợ xấu xây dựng cơ bản và cũng thừa nhận rằng đầu tư công mặc dù đã nói nhiều, nhưng vẫn còn dàn trải. Bộ trưởng tiếp thu các ý kiến đại biểu QH để nghiên cứu, bổ sung các giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2013. Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cũng đã báo cáo về số nợ và thất thoát của Vinashin.

Quan tâm nông nghiệp, nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Nhiều ý kiến cho rằng, trong năm 2013, Chính phủ cần tiếp tục kiềm chế lạm phát, tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô, tạo lòng tin thị trường và xã hội, duy trì mức tăng trưởng hợp lý, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Nhiều đại biểu: Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình); Trương Minh Chiến (Bạc Liêu); Huỳnh Thị Kim Bé (Kiên Giang); Huỳnh Văn Tiếp (TP Cần Thơ); Phương Thị Thanh (Bắc Cạn); Nguyễn Cao Phúc (Quảng Ngãi); Ya Duck (Lâm Ðồng); Triệu Thị Nái (Hà Giang)... quan tâm vấn đề nông nghiệp, nông dân, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay cũng như thời gian tới, nhất là những chính sách liên quan đời sống kinh tế - xã hội, việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, các chương trình xóa đói, giảm nghèo tại các vùng này.

Theo nhiều đại biểu, hiện nay, một bộ phận không nhỏ đồng bào dân tộc thiểu số ở nhiều nơi đang gặp rất nhiều khó khăn, tiềm ẩn những bất ổn, việc tiếp cận các dịch vụ xã hội, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa... còn hạn chế. Do địa hình cư trú của đồng bào dân tộc là khu vực khó khăn và đặc biệt khó khăn, thường xuyên chịu tác động bởi thiên tai, năng suất cây trồng, vật nuôi thấp, kinh tế kém phát triển nên đời sống đồng bào rất khó khăn. Theo đại biểu Triệu Thị Nái (Hà Giang), thu nhập trung bình trên đầu người ở các xã đặc biệt khó khăn chỉ bằng 1/6 thu nhập bình quân của cả nước.  Hơn 200 xã và hơn 8.000 thôn, bản chưa được sử dụng điện, hơn 300 nghìn hộ gia đình chưa có nước sinh hoạt hợp vệ sinh, gần 16 nghìn thôn, bản chưa đủ nhà trẻ, lớp mẫu giáo; tỷ lệ hộ nghèo trung bình ở các xã đặc biệt khó khăn hơn 50%, cả nước vẫn còn hơn 900 nghìn hộ nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo có giảm nhưng thoát nghèo chưa bền vững. Một bộ phận có nguy cơ tái nghèo cao. Tại khu vực này, một số chương trình, dự án giảm nghèo còn chậm và không đồng bộ, hiệu quả thực hiện chưa cao...

Các đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo rà soát và điều chỉnh chính sách dạy nghề gắn với giải quyết việc làm giúp lao động nông thôn, nhất là tại 62 huyện nghèo. Hơn nữa, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên sự biến động về hộ nghèo, hộ cận nghèo, qua đó khắc phục những hạn chế, bất cập trong tổ chức, thực hiện. Nhà nước cần huy động sự tham gia của toàn xã hội thực hiện tốt công tác an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, phát triển đa dạng các hệ thống dịch vụ cơ bản tại các khu vực này. Ðối với chương trình giảm nghèo theo Nghị quyết 30a của Thủ tướng Chính phủ, đại biểu Ya Duck (Lâm Ðồng) đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành xem xét tăng mức vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước hằng năm để triển khai thực hiện chương trình đã được phê duyệt nhằm sớm đạt được mục đích, yêu cầu và các chỉ tiêu đề ra. Ðại biểu Lê Phước Thanh (Quảng Nam) cho rằng, Nghị quyết 30a của Chính phủ quy định cơ chế chưa rõ ràng, cho nên nhiều hộ nghèo không muốn thoát nghèo, vì ở diện nghèo thì được tiếp tục hỗ trợ. Ðại biểu Lưu Thành Công (Vĩnh Long) đề nghị Chính phủ ổn định sản xuất nông nghiệp, tăng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ ngay cho người nuôi trồng thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long, bảo đảm đầu ra cho nông sản. Bên cạnh đó, bố trí kinh phí cho việc xây dựng nông thôn mới. Ðại biểu Nguyễn Thị Thanh (Ninh Bình) cùng quan điểm tăng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân, trong đó quan tâm đến chế biến nông sản, đầu tư mạnh cho chăn nuôi, ưu đãi vốn để sản xuất cánh đồng mẫu lớn. Liên quan chuyện giảm nghèo ở khu vực nông thôn, miền núi, đại biểu Hoàng Việt Phương (Tuyên Quang) cho biết, có nhiều cơ quan, tổ chức tham gia công tác này, nhưng sự phối hợp chưa thật tốt. Các chính sách hỗ trợ thì nhiều, nhưng chưa bền vững. Ðại biểu này đề nghị, cần giao cho địa phương quản lý, thực hiện sẽ hiệu quả hơn. Các cơ quan, tổ chức ở T.Ư thực hiện công tác kiểm tra, giám sát.

 

(http://www.nhandan.com.vn/)